Bình đẳng y tế: Vaccine cho tất cả!

Vaccine cho tất cả mọi người đang là mối quan tâm toàn cầu

Tại sao dinh dưỡng cho người bệnh đái tháo đường cần được cá thể hóa?

Dị ứng thực phẩm: Triệu chứng, kiểm soát thế nào?

Uống quá nhiều nước cam có hại gì?

Người bệnh chia sẻ: Kinh nghiệm giảm và ổn định đường huyết sau 5 tuần

Toàn cầu hóa và sự gia tăng bất bình đẳng

Vào những năm đầu của thế kỷ 21, con người hy vọng rằng toàn cầu hóa sẽ mang lại thịnh vượng nhiều hơn và người dân ở nước Việt Nam đang phát triển cũng chia sẻ cơ hội như người dân Mỹ hay dân các nước Bắc Âu giàu có. Nhưng dường như Covid-19 đã làm sụp đổ phần lớn ước mơ của toàn thế giới.

Tuy vậy, toàn cầu hóa chỉ mang lại lợi ích cho thiểu số người và sự bất bình đẳng vẫn tiếp tục gia tăng giữa các nước và bên trong mỗi quốc gia. Một vài nhóm “tinh hoa” vẫn độc quyền kết quả của toàn cầu hóa, còn hàng tỷ người vẫn bị bỏ lại phía sau.

 

 

Thuật ngữ “bao trùm” (inclusive) giờ đây nghe có vẻ mỉa mai hơn là một từ thực sự có ý nghĩa.

Ngày nay, 1% những người giàu nhất thế giới sở hữu một nửa tài sản toàn cầu (tác giả Harari, 2018; Thomas Piketty, 2014 và v.v…), thậm chí chỉ 100 người giàu nhất có tài sản nhiều hơn 4 tỷ người nghèo nhất.

Thế kỷ 21 với sự nổi lên của trí tuệ nhân tạo sẽ làm thay đổi giá trị kinh tế và quyền lực chính trị của phần lớn loài người. Đồng thời sự phát triển của công nghệ sinh học “có thể chuyển hóa sự bất công kinh tế thành bất công sinh học”. Tại sao? Bởi vì khi đó, những người siêu giàu sẽ có thể làm được nhiều hơn với tài sản của họ. Chẳng bao lâu họ có thể “mua” được cả chính cuộc sống và tuổi thọ. Mới đây, một người quen của tôi là tỷ phú bất động sản khoe rằng chị đã sang Đức để cấy gene và quả thật, nhìn chị tưởng như mới 40, dù chị đã bước qua tuổi 60. Và một nhà giàu khác cũng quen tôi ở thành phố HCM thoát chết vì ung thư gan nhờ sang Nhật thay gene, giờ trông anh khỏe mạnh và có thể trở lại đánh golf như sở thích của anh. Trong khi đó, một người bạn học khác của tôi chỉ vì không đủ tiền đến thành phố HCM giải phẫu mà anh phải ngồi xe lăn 3 năm và mất vào năm 2018 vì căn bệnh ung thư tiền liệt tuyến.

Nếu y khoa phát triển với trí tuệ nhân tạo thì khả năng “chữa” để sống thọ và sống khỏe hoàn toàn có thể, kể cả khả năng làm cho con người thông minh hơn. Tuy vậy, chi phí cho việc “điều trị” đó chắc chắn sẽ rất đắt tiền và chỉ có người có nhiều tiền mới thay đổi gene trường thọ cũng như sự thông minh, và khi đó xã hội sẽ phân hóa thành các giai tầng khác nhau về sinh học.

Sẽ chẳng bao giờ có sự bình đẳng giữa một quý tộc trung bình và một nông dân trung bình. Đó chỉ là “tưởng tượng”.

Nhưng vào năm 2100 với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, robot và trí tuệ nhân tạo (AI) bùng phát thì người giàu hoàn toàn “tài năng hơn, thông minh hơn, sáng tạo hơn” những người nghèo trong các khu ổ chuột. Nhiều dự báo cho rằng một khi người giàu càng có nhiều khả năng đó thì tài sản họ càng tăng và khoảng cách giàu - nghèo sẽ không thể thu hẹp. Với tiền bạc vô số, người giàu có thể mua cả thân thể (hiện nay mua nội tạng như thận, tim, gan, phèo, phổi…) và trí óc. “Vào năm 2100", tác giả Yuval Noah Harari viết, “1% người giàu nhất sở hữu không chỉ phần lớn tài sản thế giới, mà còn phần lớn sắc đẹp, sự sáng tạo, và sức khỏe”. (21 bài học của thế kỷ 21, NXB Penguin Random House, London, 2018,tr.75”).

Thế giới sẽ được sắp xếp lại, theo đó, những con “người thượng đẳng” với trí tuệ nhân tạo sẽ tách biệt với đa số tầng lớp dưới.

Nếu thế kỷ 20 với Cách mạng công nghiệp khẳng định tầm quan trọng của đám đông, nhờ lao động rẻ, tài nguyên thiên nhiên dồi dào, thì thế kỷ 21 công nghệ chế tạo sinh học với AI, thế giới sẽ chia tách thành các nhóm nhỏ thượng đẳng và phần đông hạ đẳng còn lại hoàn toàn phụ thuộc vào lòng tốt của giới thượng đẳng. Khi khủng hoảng kinh tế hay dịch bệnh xảy ra thì nhóm hạ đẳng sẽ dễ dàng bị vất ra khỏi “cuộc chơi”.

Đợt dịch Covid-19 cho thấy rõ sự phân hóa đó. Trong khi các nước giàu lo chích vaccine phòng bệnh mũi thứ 3 cho người dân thì còn 2/3 dân số châu Phi chưa được tiêm mũi nào.

vaccine

Chỉ có vaccine cho tất cả, con người mới có hy vọng trước sự lây nhiễm của dịch bệnh!

Chủ nghĩa dân tộc vaccine

Chủ nghĩa dân tộc về vaccine được định nghĩa khi các chính phủ ký thỏa thuận với các nhà sản xuất dược phẩm để cung cấp vaccine độc quyền cho dân số của nước họ trước khi có thể cung cấp cho các quốc gia khác. Ngay cả trước khi nhiều loại vaccine chống Covid-19 vừa hoàn thành thử nghiệm lâm sàng, các nước giàu có như Anh, Mỹ, Nhật Bản và khối Châu Âu đã trả tiền trước cho vài triệu liều những loại hứa hẹn nhất. Nước Anh đã làm như thế. Hàng triệu người dễ bị tổn thương và nhân viên tuyến đầu đã được tiêm liều vaccine Pfizer hoặc Oxford-AstraZeneca đầu tiên. Bất chấp những tranh cãi chính trị, châu Âu sẽ sớm làm theo Hoa Kỳ là ưu tiên chương trình vaccine của riêng mình.

Theo một báo cáo mới, được công bố trên Tạp chí Y khoa Anh (BMJ), Mỹ đã đảm bảo 800 triệu liều của ít nhất sáu loại vaccine đang được phát triển, và sẽ mua thêm khoảng một tỷ liều nữa. Vương quốc Anh đã mua 340 triệu mũi tiêm: khoảng 5 liều cho mỗi người dân. Mặc dù nhìn bề ngoài, có vẻ như các quốc gia này đã đặt hàng nhiều hơn mức họ cần, nhưng sự thật là nhiều đơn đặt hàng trong số này đã được đặt trong giai đoạn thử nghiệm vaccine khi họ không biết chắc loại vaccine nào sẽ thành công. Về cơ bản, các quốc gia như Vương quốc Anh đã bỏ trứng vào nhiều giỏ, điều này hiện đã được chứng minh là một ý tưởng hay.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bày tỏ quan ngại về điều này và lo ngại rằng những thỏa thuận đơn phương như vậy với các nước giàu có sẽ khiến vaccine không thể tiếp cận được với người dân ở một số vùng nghèo nhất trên thế giới. Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, đã viết cho các quốc gia thành viên vào ngày 18/8/2021: “Chúng ta cần ngăn chặn chủ nghĩa dân tộc về vaccine. Tất nhiên là các nhà lãnh đạo đều có mong muốn bảo vệ người dân của họ trước tiên, nhưng việc chống đại dịch này phải mang tính toàn cầu".

Mối quan tâm về việc các quốc gia nghèo hoặc đang phát triển (như Việt Nam), trong việc tiếp cận với vaccine là một vấn đề nghiêm trọng và đó là vấn đề của tất cả mọi người. Đại dịch là một vấn đề toàn cầu; chúng ta đã thấy nó có thể lan truyền khắp thế giới nhanh chóng như thế nào, kéo theo một số nền kinh tế hùng mạnh nhất cũng có thể phải rơi vào khủng hoảng.

COVAX-COVID-19-vaccine

Chương trình COVAX đã đem vaccine Covid-19 đến cho người dân ở các nước nghèo trên khắp thế giới

Nếu chúng ta chỉ tiêm chủng cho những quốc gia đã mua phần lớn nguồn cung cấp vaccine, điều đó có nghĩa là virus sẽ tiếp tục hoành hành ở các quốc gia không tiêm chủng khác. Và chúng ta đã thấy loại virus này có thể đột biến nhanh chóng và hiệu quả như thế nào khi được phép tàn phá không bị kiểm soát thông qua các chùm lây nhiễm ở bất kỳ đâu.

Một khi nó càng lây nhiễm cho nhiều người, thì càng có nhiều khả năng xảy ra các đột biến tiếp theo và không thể tránh khỏi việc đột biến “thoát” cuối cùng sẽ xuất hiện. Đây là một dạng đột biến cho phép virus né tránh phản ứng miễn dịch do tiêm chủng, làm cho vaccine trở nên kém hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa bệnh. Các công ty dược phẩm cho biết họ có thể "điều chỉnh" vaccine của mình để chống lại bất kỳ biến thể mới nào có thể xảy ra, nhưng điều đó có thể mất thời gian - điều mà kinh nghiệm cho thấy là rất quan trọng khi đề phòng đại dịch. Chúng ta cũng chưa biết liệu vaccine có ngừng lây truyền virus hay không - nhưng chúng cho phép những người được tiêm chủng phản ứng miễn dịch nhanh hơn, có nghĩa là ít thời gian hơn để virus có khả năng đột biến bên trong vật chủ của nó. Vì lý do này, chúng ta cần một phản ứng toàn cầu hơn đối với đại dịch này.

Do đó, chủ nghĩa dân tộc vaccine là hết sức thiển cận. Giải pháp thay thế là một chương trình vaccine toàn cầu và đây là những gì WHO hướng tới thông qua COVAX, một cơ chế toàn cầu được thành lập vào tháng 4/2020 để tăng tốc phát triển thuốc điều trị Covid-19 và cung cấp chúng ở khắp mọi nơi.

Được thành lập cùng với Liên minh vaccine và Sáng kiến Hợp tác Chuẩn bị sẵn sàng chống Dịch bệnh (CEPI), chương trình của COVAX là cung cấp khả năng tiếp cận công bằng và sáng tạo đối với các chẩn đoán, phương pháp điều trị và vaccine Covid-19. Cho đến nay, hơn 170 quốc gia đã đăng ký COVAX, bao gồm cả Anh và Trung Quốc. Mục tiêu rất thách thức, nhưng bằng cách làm việc cùng nhau, tất cả các quốc gia là thành viên của COVAX phải tuân theo một kế hoạch phân phối vaccine một cách công bằng để ngăn chặn tình trạng tích trữ riêng ở mỗi quốc gia. Điều này sẽ giúp đảm bảo rằng ngay cả những nước nghèo nhất cũng có thể tiếp cận với vaccine trong khi những người giàu nhất vẫn được bảo vệ.

Vaccine cho tất cả. Y tế cho tất cả. Chỉ có như vậy con người mới có hy vọng trước sự lây nhiễm của dịch bệnh!

Vì sao Việt Nam mua vaccine muộn hơn so với nhiều nước?

Tại diễn đàn phiên chất vấn ở Quốc hội, trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu về việc xây dựng và triển khai chiến lược vaccine, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam tiếp cận vaccine sớm nhưng mua muộn hơn so với nhiều nước.

Theo Bộ trưởng, có nhiều lý do gồm khách quan và chủ quan. Từ tháng 9/2020, Việt Nam đã làm việc và có thỏa thuận với COVAX. Tháng 11/2020, Việt Nam đã có thỏa thuận với Astra Zeneca để cung ứng 30 triệu liều vaccine. Trước đó, từ tháng 5/2020, Bộ Y tế đã gặp gỡ các công ty để thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan dẫn đến việc mua chậm.

Thứ nhất là do tình trạng khan hiếm vaccine trên quy mô toàn cầu diễn ra cả năm qua và kéo dài đến nay.

Thứ hai, một số nước phát triển sản xuất được vaccine đã đặt hàng mua với số lượng rất lớn. Bộ trưởng cho rằng đây là tình trạng bất bình đẳng trong vấn đề cung ứng vaccine trên quy mô toàn cầu. Có nước đặt hàng cao hơn nhu cầu sử dụng đến 4 lần.

Thứ ba, là do tâm lý sử dụng vaccine "không phải lúc nào cũng như hiện nay". Vào đầu năm 2021 đã có tình trạng tẩy chay, từ chối sử dụng vaccine diễn ra không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới.

Thứ tư, hàng loạt khó khăn Việt Nam gặp phải khi mua vaccine, trong đó có cả rào cản về pháp luật. Bên bán đề ra các điều kiện và không cho thương thuyết. Bộ Y tế đã tổ chức hơn 200 cuộc đàm phán với các hãng, nhưng điều kiện các công ty cung ứng vaccine đưa ra đều không thể thay đổi, bởi đây là những điều kiện áp dụng chung trên toàn cầu.

Ngoài ra, Việt Nam phải chấp nhận toàn bộ rủi ro khi mua vaccine, như có thể giao hàng chậm, giá mua sau này thấp hơn cũng không được giảm giá, không được trả lại vaccine kể cả trong trường hợp chất lượng không đảm bảo; chỉ khi nào quốc tế công nhận vaccine đó không đảm bảo mới được trả lại. Bên bán cũng không chịu trách nhiệm về giao hàng không đúng thời hạn.

"Đây là những khó khăn trong việc mua vaccine. Những vấn đề này, luật pháp Việt Nam cũng chưa có quy định", Bộ trưởng nói.

Sau khi có Nghị quyết của Bộ Chính trị tháng 2/2021 và Nghị quyết của Chính phủ từ tháng 5/2021, Việt Nam thúc đẩy rất nhanh tiến trình mua vaccine. Đến nay, Việt Nam được đánh giá là nước tổ chức tiêm và bao phủ vaccine rất nhanh.

(nguồn VGP)

Trần Ngọc Châu
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bạn đọc viết