Cá ngừ khô - thành phần không thể thiếu trong nhiều món ăn của người Nhật Bản
Để làm cá ngừ khô katsuobushi, cá ngừ sau khi đánh bắt sẽ được làm sạch ruột và lọc phi lê. Mỗi con cá được phi lê thành 2 miếng, bỏ xương. Mỗi miếng cắt thành 2 theo chiều dài thành 2 miếng nhỏ dài, một từ phía lưng, một từ phía bụng...
Phần phi lê cá ngừ sẽ được bỏ vào xửng hấp, để lửa sôi nhẹ trong vòng 1 giờ.
Sau đó, cá sẽ được xông khói bằng gỗ sồi/gỗ anh đào cho đến khi cá khô lại. Quá trình này được lặp đi lặp lại từ 8 – 10 lần. Phần cháy và chất bẩn ngoài miếng thịt được cạo bỏ và phơi khô. Tiếp theo, miếng cá sẽ được phun xịt vi nấm Aspergillus glaucus và bảo quản trong phòng kín để lên mốc.
Trong quá trình này, mốc sẽ liên tục được cạo bỏ đi cho đến khi chúng ngừng phát triển. Quá trình này được lặp đi lặp lại chừng 4 – 5 lần. Do phức tạp như vậy nên katsuobushi chỉ được sản xuất ở một số vùng ở Nhật như nam Kagoshima và Shizuoka. Người ta cho rằng cách sản xuất katsuobushi ngày nay có lẽ đã được phát triển từ đầu thế kỷ XVIII.
Cá ngừ khô sẽ cứng và khô như thanh gỗ và trọng lượng chỉ còn vẻn vẹn 20% so với ban đầu.
Theo truyền thống, các miếng cá ngừ khô katsuobushi sẽ được bảo quản, khi chế biến mới lấy ra bào bằng dụng cụ chuyên dùng.
Hiện nay, các lát cá bào sẵn màu hồng nâu cũng được đóng gói sẵn.
Loại cá bào mỏng dùng để thêm hương vị và rắc lên bề mặt món ăn, trong khi cá bào dày sẽ được dùng làm nước dùng dashi.
Cá bào cũng được dùng để rắc lên nước xì dầu, rắc lên cơm viên, làm món chấm, rắc lên mì lạnh soba, bánh xèo Nhật hoặc takoyaki...
Katsuobushi có đến 25% là protein, ngoài ra là các loại acid amin, khoáng chất như vitamin B12, niacin, sắt, taurine, DHA rất tốt cho sức khỏe, giúp ngăn ngừa hội chứng chuyển hóa, chống các bệnh về tim như xơ cứng động mạch, đau tim; đái tháo đường, cải thiện thị lực, ngăn ngừa sa sút trí tuệ; giải tỏa căng thẳng...