Cẩn trọng tử vong do đột quỵ trong mùa lạnh

Người cao tuổi dễ bị đột quỵ vào mùa lạnh

“Già” cũng… vẫn cần “yêu”

Ai bảo già là không thể... "sướng"

Vận động - Nhu cầu thiết yếu tuổi già

Để cái tuổi chẳng đuổi “khỏe” đi

5 thức uống giúp người già khỏe đẹp

Mùa lạnh dễ đột quỵ hơn

Đột quỵ (còn gọi là tai biến mạch máu não, xuất huyết não) xảy ra khi lượng máu cung cấp cho một phần của não bộ đột nhiên bị chặn lại hoặc khi có một mạch máu trong não bộ bị vỡ khiến máu tràn vào những khoảng không xung quanh các tế bào não.

Theo thông tin được đưa ra tại Hội nghị về đột quỵ não khu vực Châu Á Thái Bình Dương 2014, cứ mỗi 45 giây trôi qua, trên thế giới lại có ít nhất một người bị đột quỵ và cứ 3 phút thì có một người tử vong do bệnh này. Tai biến mạch máu não là nguyên nhân gây tử vong thứ ba sau tim mạch và ung thư, đứng hàng đầu về mức độ tàn tật… Mỗi năm, trên thế giới có 5 triệu người bị tai biến mạch máu não và con số này ở Việt Nam là 200.000 người.

Thống kê ở các bệnh viện cho thấy, vào mùa lạnh số bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ tăng từ 15 - 30%, đa phần xảy ra ở người cao tuổi. Lý giải nguyên nhân, các bác sỹ cho hay, cơ thể tăng tiết các catecholamine - là những chất thần kinh thể dịch làm trung gian cho nhiều hoạt động sinh lý và chuyển hóa - trong máu dẫn đến co mạch ngoại biên. Mạch máu ở một số vùng co lại sẽ đẩy máu ra những khu vực ít chịu ảnh hưởng hơn, gây giãn mạch thụ động ở những nơi đó (như mạch não, mạch phổi), do đó, dễ gây các biến chứng đứt mạch não hoặc phù phổi cấp.

Thời tiết lạnh cũng làm tăng số lượng tiểu cầu, hồng cầu và độ nhớt của máu, làm tăng nguy cơ bệnh động mạch vành, đột quỵ và bệnh mạch máu ngoại vi. Người già khả năng miễn dịch và tính chịu đựng cơ thể kém, mạch máu giảm tính đàn hồi, trở nên cứng hơn, máu tăng độ quánh do tăng cholesterol, giảm enzyme tiêu hủy sợi huyết, lòng mạch bị thu hẹp, máu hay bị vón cục, lưu lượng máu qua não giảm đến 1/5 so với thông thường, dự trữ chức năng không còn nhiều nên rất khó thích nghi với những thay đổi bất thường của thời tiết.

Chóng mặt, mắt nhìn không rõ là một trong những biểu hiện của đột quỵ

Đặc biệt, với những người có tiền sử tăng huyết áp, thành mạch máu thoái hóa dày lên, sẽ ảnh hưởng tới tuần hoàn não. Khi gặp thay đổi đột ngột từ bên ngoài, những động mạch đưa máu lên não bị tắc nghẽn, não sẽ bị thiếu chất dinh dưỡng và oxy, dẫn đến đột quỵ và tử vong.

Thêm vào đó, vào mùa đông, số người uống rượu càng nhiều. Chất cồn lưu lại trong máu lâu do khả năng bài tiết qua đường mồ hôi giảm, dẫn tới tăng huyết áp, nhịp tim, tăng lưu lượng máu và làm giảm độ kết dính của máu. Khi đó, chỉ cần xuất huyết nhẹ là đã đủ dẫn tới tai biến.

Những triệu chứng của đột quỵ rất dễ phát hiện, bao gồm: Đột nhiên bị tê liệt hoặc đuối sức, đặc biệt là ở một nửa cơ thể; Đột nhiên khó phát âm hoặc đầu óc lẫn lộn không hiểu được người khác nói; Một mắt nhìn không rõ; Đi loạng choạng, chóng mặt, mất thăng bằng và tự dưng đau đầu trầm trọng mà không rõ nguyên nhân.

Làm gì khi người già bị đột quỵ?

Các bác sỹ chia sẻ, hiện nay, nhiều gia đình để sẵn thuốc đột quỵ trong nhà. Khi bệnh nhân bị ngất hoặc bị đột quỵ, ý thức chưa mất hẳn, người nhà vội vàng tìm mọi cách đưa thuốc vào miệng bệnh nhân để chữa trị tạm thời. Việc làm này rất nguy hiểm, có thể khiến người bệnh bị sặc và nguy cơ tử vong rất cao.

Người già cần giữ đủ ấm để phòng đột quỵ mùa lạnh

Ngoài ra, với một số thể tai biến, khi tai biến, huyết áp sẽ tăng lên. Do đó, với những người bị bệnh tăng huyết áp mà bị đột quỵ, người thân lại cứ nghĩ bị tăng huyết áp nên cho bệnh nhân uống thuốc. Huyết áp của bệnh nhân giảm đột ngột khiến cho người bệnh đang từ trạng thái lơ mơ chuyển sang hôn mê sâu, rất nguy hiểm đến tính mạng.

Vì vậy, khi phát hiện người cao tuổi bị đột quỵ, đầu tiên phải để người bệnh nằm im, mặt nghiêng một bên cho đỡ sặc, không cho ăn uống và gọi ngay nhân viên y tế để được tư vấn xử trí trong lúc chờ đợi và đưa tới cơ sở y tế kịp thời. Không tự ý sơ cứu, chỉ hô hấp nhân tạo khi bệnh nhân có biểu hiện ngừng thở. Nói chuyện với người bệnh giúp họ bình tĩnh, thở chậm lại để máu đi lên não nhiều hơn.

Chủ động phòng ngừa

Để dự phòng bệnh đột quỵ trong mùa đông và hỗ trợ điều trị cần phải kết hợp đồng thời giữa chế độ sinh hoạt hợp lý. Hạn chế ăn mỡ động vật, tránh rượu, thuốc lá; Giữ đủ ấm, tránh những đợt gió lạnh bất thường ùa vào khi cửa mở; Sống thư thái, tránh căng thẳng, ngăn ngừa stress...

Thay đổi nếp sống tĩnh tại, ít vận động; Tăng cường tập thể dục, vận động vừa sức sao cho phù hợp với tình hình sức khỏe; Kiểm tra sức khỏe định kỳ thường xuyên. Thêm vào đó, người cao tuổi có thể dùng một số sản phẩm Thực phẩm chức năng có tác dụng giảm độ quánh của máu, tăng sức bền và độ đàn hồi thành mạch, kéo dài thời gian đông máu, ức chế ngưng tập tiểu cầu, ngăn ngừa sự hình thành cục máu đông, giúp cho việc lưu thông máu lên não tốt. sẽ giúp người cao tuổi thích ứng tốt hơn với môi trường sống, tránh được đột quỵ.

M.Hiếu H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Chăm già