Chăm sóc trẻ bị thủy đậu như thế nào?

Thủy đậu vốn thường dễ bùng phát trong mùa Xuân

Cha mẹ cẩn thận nhầm lẫn giữa sởi và thủy đậu ở trẻ nhỏ

Điều trị thủy đậu như thế nào cho hiệu quả?

Thủy đậu tấn công người lớn

6 biến chứng nguy hiểm thường gặp khi bị thủy đậu

Giữ vệ sinh sạch sẽ

Nhiễm trùng (chủ yếu là nhiễm trùng da) là một trong những biến chứng thường gặp nhất của bệnh thủy đậu. Khi người nổi lên những nốt đỏ, trẻ bị ngứa ngáy, thường gãi khiến nốt đậu bị vỡ, da trầy xước… Vi trùng có thể dễ dàng xâm nhập, gây nên mủ và để lại sẹo lõm trên da. Vi trùng cũng có thể xâm nhập từ mụn nước vào máu, dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm màng não… vô cùng nguy hiểm.

Trẻ bị thủy đậu thường bị ngứa, hay gãi nên nốt đậu bị vỡ...

Nhiều người vẫn truyền tai nhau rằng, khi bị thủy đậu cần tuyệt đối kiêng nước, kiêng gió nên không tắm và lau rửa cho trẻ. Đây là một sai lầm vì có nhiều trường hợp do không giữ vệ sinh sạch sẽ nên trẻ dễ bị biến chứng nhiễm trùng.

Để giữ cho da trẻ luôn sạch sẽ, bạn có thể dùng nước ấm, khăn mềm thấm nước lau người cho trẻ. Lau rửa nhẹ nhàng, tránh làm các nốt đậu bị trợt và chảy nước (vì nếu nước trong nốt đậu chảy đến đâu là mụn lên đến đấy, chỉ 1-2 ngày là lên khắp người). Sau đó, dùng khăn xô thấm khô người và mặc quần áo cho trẻ. Nếu nốt thủy đậu bị vỡ cần bôi thuốc xanh methylen để làm se nốt mụn thủy đậu. Nên cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát. Cần rửa tay, cắt ngắn móng tay, trẻ nhỏ cần được đeo bao tay.

Nếu được điều trị đúng cách và giữ vệ sinh sạch sẽ, chỉ sau 7 - 10 ngày, nốt đậu sẽ xẹp xuống, khô và bong vảy, vết thâm sẽ hết sau một thời gian, không để lại sẹo.

Cách ly người bệnh

Thủy đậu do virus Varicella zoster gây ra, loại virus này rất dễ phát tán trong không khí khi người bệnh ho, hắt hơn, nói chuyện… Trung bình, một người sau khi tiếp xúc với người bệnh khoảng 1-2 tuần thì có thể lây bệnh.

Do vậy, nếu trẻ bị thủy đậu thì cần cách ly trẻ với những người khác. Tất cả đồ dùng cá nhân của trẻ như bát đũa, khăn mặt, bàn chải đánh răng… đều phải dùng riêng.

Thông thường, mỗi người chỉ bị thủy đậu 1 lần và có miễn dịch dài. Nhưng với những người có sức đề kháng yếu thì vẫn có thể bị tái phát nếu có dịch. Do đó, dù trẻ từng bị thủy đậu, cũng không nên cho trẻ tiếp xúc với những người đang bị để tránh tái phát.

Thủy đậu nếu điều trị sai cách có thể gây biến chứng

Cần vệ sinh phòng ốc, giường chiếu, ga đệm sạch sẽ. Cho trẻ nằm trong phòng kín gió, nhưng không được ẩm thấp.

Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ

Trong suốt thời gian bị thủy đậu, cần cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ăn những thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, đồ loãng như nước canh gà, cháo, súp; Uống nhiều nước để bù nước do trẻ bị mất nước khi mụn vỡ, trợt; Cho trẻ ăn nhiều hoa quả để bổ sung vitamin như cam, chuối… Không nhất thiết phải kiêng khem trừ khi trẻ bị dị ứng với loại thực phẩm đó.

Khi nào cần đưa trẻ đi khám bác sỹ?

Khi trẻ bị thủy đậu có các biểu hiện như sốt nhẹ, đau họng, nhức đầu, nổi hồng ban sau đó chuyển thành bóng nước, lúc đầu chứa dịch trong sau hóa đục, mọc ở thân mình, đầu mặt, tay chân, niêm mạc miệng, cơ quan sinh dục… Cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và được điều trị phù hợp.

Trong quá trình điều trị thủy đậu, vẫn cần chú ý theo dõi tình trạng của trẻ. Nếu thấy trẻ có dấu hiệu sốt cao không hạ nhiệt hoặc hạ sốt nhưng đột nhiên sốt cao trở lại. Đồng thời, các mụn thủy đậu bị vỡ gây trầy xước da, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để điều trị kịp thời.

Tình trạng vỡ mụn nhiều có thể làm cho trẻ bị mất nước, nhiễm trùng dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Trên thực tế, đã có nhiều trẻ bị trầy xước da nhiều đã bị mất nước, phải có chế độ điều trị đặc biệt, rửa hàng ngày, truyền, tiêm thuốc chống nhiễm khuẩn…

Phòng bệnh như thế nào?

Để phòng bệnh, tốt nhất nên cho trẻ tiêm vaccine phòng thuỷ đậu, trẻ lớn và người lớn mà chưa miễn dịch với thuỷ đậu cũng nên tiêm phòng.

Hoài Thương H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ