Một chế độ ăn liên quan đến tăng nguy cơ di căn ung thư vú

Hình ảnh tế bào ung thư vú - Ảnh: DDW.

Chất béo thực vật có thể giảm nguy cơ tử vong sớm

Cách bổ sung chất béo có lợi cho người mỡ máu cao

Tập thể dục giúp giảm nguy cơ tái phát ung thư vú

Podcast: Thật hư thông tin ăn đậu nành gây ung thư vú?

Theo News Medical, nhiều nghiên cứu đã cho thấy béo phì có liên quan đến nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn và khả năng ung thư di căn sang các cơ quan khác cao hơn, tuy nhiên, nguyên nhân của mối liên quan này đến nay vẫn chưa được rõ ràng. 

Nghiên cứu mới đây do Héctor Peinado, người đứng đầu Nhóm vi mô môi trường và di căn của CNIO, được tiến hành trên các mô hình động vật mắc bệnh ung thư vú ba âm tính phát triển di căn phổi. Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Nature Communications.

Nhóm nghiên cứu giải thích, để ung thư di căn sang các cơ quan khác, nhiều tế bào khối u phải rời khỏi khối u chính, di chuyển qua mạch máu, "làm tổ và sinh sôi" ở một vị trí mới. Đôi khi khối u ban đầu sẽ gửi đi các phân tử đến nơi mà nó định di căn, chuẩn bị sẵn một môi trường giống như "tổ" để các tế bào bệnh trú ngụ, được gọi là "hốc tiền di căn".

Thí nghiệm trên những con chuột mắc ung thư vú bộ ba âm tính, các nhà nghiên cứu CNIO nhận thấy, chế độ ăn quá nhiều chất béo sẽ tạo ra một số thay đổi khiến "hốc tiền di căn" dễ hình thành ở phổi hơn.

Cụ thể, quá trình hoạt hóa tiểu cầu đi kèm với khả năng đông máu tăng lên. Ngoài ra, fibronectin cũng được kích hoạt. Fibronectin là một loại protein xây dựng mô kết nối các tế bào phổi, do vậy, tạo điều kiện cho việc tạo ra hốc tiền di căn cũng như cho phép tế bào khối u tương tác hiệu quả hơn với tiểu cầu.

Một giả thuyết cho rằng tiểu cầu có thể khiến hệ thống phòng thủ tự nhiên của cơ thể khó phát hiện và tiêu diệt các tế bào ung thư hơn, do tạo ra một lớp "áo tàng hình" xung quanh tế bào khối u.

Ngoài việc ảnh hưởng đến tiểu cầu, nhóm nghiên cứu CNIO phát hiện ra rằng, chế độ ăn nhiều chất béo làm tăng biểu hiện của protein fibronectin trong mô phổi nơi các tế bào khối u di căn.

"Chúng tôi đã thấy rằng sự tương tác của tế bào khối u với cả nội mô phổi và tiểu cầu được điều chỉnh bởi fibronectin" - Héctor Peinado, trưởng nhóm nghiên cứu của CNIO chia sẻ, theo News Medical.

Những phát hiện này "có thể giúp xác định thêm các yếu tố nguy cơ ở những bệnh nhân ung thư vú đang điều trị, do đó góp phần vào việc quản lý lâm sàng tốt hơn căn bệnh này", Peinado cho biết.

Nghiên cứu mới đã giúp chỉ ra cụ thể hơn một trong những con đường mà tình trạng béo phì, thường liên quan đến ăn uống không lành mạnh tác động đến cơ thể.

Mặc dù vậy, tin tốt là từ cơ chế này, nhóm nghiên cứu cũng tìm ra cách chống lại sự di căn thông qua thay đổi chế độ ăn ở mô hình động vật.

"Khi chế độ ăn nhiều chất béo được ngừng lại và chuột giảm cân, tiểu cầu và hành vi đông máu trở lại mức bình thường. Kết quả là, di căn đã giảm" - Báo cáo của nhóm nghiên cứu cho biết.

"Tôi nghĩ rằng những kết quả này, kết hợp với các nghiên cứu lâm sàng từ các nhóm khác, mở ra tương lai mà can thiệp chế độ ăn uống hoặc thay đổi chế độ ăn uống, cùng với việc kiểm soát hoạt động của tiểu cầu, có thể làm tăng hiệu quả của một số phương pháp điều trị chống lại khối u", nhà nghiên cứu Héctor Peinado chia sẻ.

 
Hiệp Nguyễn (Theo News-Medical)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Ung thư