Tác nhân gây ô nhiễm không khí văn phòng, ô nhiễm trong nhà có thể chính từ những hoạt động thông thường của bạn
Thải độc cơ thể khi không khí ô nhiễm bằng các loại thảo mộc
13 cách ngăn ngừa ô nhiễm không khí trong nhà đơn giản, hiệu quả
Video: 5 hậu quả của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe con người
Chuyên gia chia sẻ về tác hại của ô nhiễm không khí tới sức khỏe con người
Chỉ bằng cách hít thở, dùng chất khử mùi hay nước hoa, bạn có thể ảnh hưởng đến không gian văn phòng nơi bạn làm việc nhiều hơn là bạn nghĩ.
Để tìm hiểu vấn đề này, một nhóm các kỹ sư tại Đại học Purdue (Mỹ) đã tiến hành một trong những nghiên cứu lớn nhất thuộc loại này. Nghiên cứu diễn ra trong không gian văn phòng của một tòa nhà được trang bị hàng ngàn cảm biến, mục tiêu là xác định tất cả các loại chất gây ô nhiễm không khí trong nhà và đề xuất các cách để kiểm soát chúng.
Tác giả nghiên cứu là Brandon Boor cho biết: “Nếu muốn nhân viên văn phòng được hưởng chất lượng không khí tốt để làm việc hiệu quả hơn, điều quan trọng trước tiên là phải tìm hiểu có những gì trong không khí, yếu tố nào ảnh hưởng đến khí thải và loại bỏ chất ô nhiễm như thế nào”.
Dữ liệu cho thấy con người và hệ thống thông gió ảnh hưởng lớn đến các hóa chất trong không khí trong nhà, thậm chí là tác động nhiều hơn bất cứ thứ gì khác trong không gian văn phòng. Những phát hiện này sẽ được công bố rộng rãi tại Hội nghị nghiên cứu về Aeriosol của Hiệp hội Mỹ năm 2019 tại Oregon (Mỹ) từ 14 - 18/10 năm nay.
“Hóa chất có trong không khí trong nhà có thể biến đổi liên tục trong cả ngày tùy thuộc vào điều kiện ngoài trời, cách hệ thống thông gió vận hành và các vật thể chiếm chỗ trong văn phòng”, tác giả Brandon Boor cho biết
Nghiên cứu diễn ra trong tòa nhà được gọi là Living Labs (Phòng thí nghiệm Đời sống tại Phòng thí nghiệm Ray W. Herrick của Đại học Purdue), sử dụng một loạt các cảm biến để giám sát chính xác không gian văn phòng có không gian mở, nhằm theo dõi luồng không khí trong nhà và ngoài trời thông qua hệ thống thông gió. Nhóm nghiên cứu đã phát triển một kỹ thuật mới để theo dõi các vật thể chiếm chỗ trong văn phòng bằng cách thêm các cảm biến nhiệt độ vào mỗi vị trí bàn ghế.
Thông qua việc sử dụng Living Labs, nhóm nghiên cứu đã bắt đầu xác định các hoạt động chưa từng được biết đến của các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, như cách chúng được biến đổi trong các hệ thống thông gió và được loại bỏ bằng các bộ lọc. Từ đó làm rõ vai trò của các hệ thống thông gió đối với chất lượng không khí mà dân văn phòng hít thở.
Nhóm nghiên cứu này đã hợp tác với các nhà khoa học tại Tập đoàn RJ Lee (Mỹ) để tạo ra “chiếc mũi” có độ nhạy cao, đây là một dụng cụ mà các nhà khoa học gọi là quang phổ kế khối ToF phản ứng trao đổi proton, thường được sử dụng để đo chất lượng không khí ngoài trời. Thiết bị này đã giúp “đánh hơi” các hợp chất trong hơi thở của con người trong thời gian thực, như isoprene. Nhóm nghiên cứu thấy rằng isoprene và nhiều hợp chất dễ bay hơi khác vẫn tồn tại trong văn phòng ngay cả khi mọi người đã rời khỏi phòng.
Càng có nhiều người trong phòng, càng phát hiện nhiều các hợp chất nêu trên hơn. Tìm hiểu thêm tại https://youtu.be/mi1xi31QAfQ.
Tác giả Brandon Boor nhận định: “Kết quả sơ bộ của chúng tôi cho thấy rằng con người là nguồn chủ yếu thải hợp chất hữu cơ dễ bay hơi trong môi trường văn phòng hiện đại. Mức độ của nhiều hợp chất trong nhà còn cao hơn ngoài trời từ 10 đến 20 lần. Nếu không gian văn phòng không được thông gió đúng cách, các hợp chất dễ bay hơi này có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và hiệu suất làm việc của nhân viên”.
Nhóm nghiên cứu cũng tiết lộ rằng ozone - một chất ô nhiễm từ bên ngoài xâm nhập vào lại biến mất bên trong không gian văn phòng. Điều này là do ozone phản ứng với các hợp chất trong nhà khác và bề mặt lớn của các thiết bị, nội thất trong văn phòng. Các nhà khoa học còn phát hiện ra rằng ozone trộn lẫn với monoterpene (các hợp chất được giải phóng từ việc bóc một quả cam) có thể tạo thành các hạt siêu nhỏ, chỉ nhỏ bằng 1nm. Các hạt mới hình thành có thể rất nguy hiểm, vì chúng có thể dễ dàng đi sâu vào phổi của con người.
Tác động của các hợp chất dễ bay hơi được phát thải nêu trên có thể không chỉ giới hạn ở trong nhà. Các nhà nghiên cứu tin rằng các hóa chất phát thải từ các sản phẩm chăm sóc cá nhân, như chất khử mùi, mỹ phẩm, nước hoa và keo xịt tóc có thể thoát ra bên ngoài bởi hệ thống thông gió.
Bình luận của bạn