Hương mùi già và bữa tắm Tất niên

Cuối năm, hương mùi già dường như thêm vấn vít

Những thực phẩm nên hạn chế trong dịp Tết

Kỳ vọng sức khỏe của Tổ chức Y tế Thế giới trong năm 2023

Thời tiết Tết Nguyên đán từ 28 tháng Chạp đến mùng 5 Tết

Người cao tuổi, tăng huyết áp cần lưu ý gì trong ngày Tết?

Ngày Tết, ở quê cũng như ở phố luôn có rất nhiều câu chuyện nhỏ nhặt nhưng thật khó quên. Tôi nhớ ngày nhỏ, từ độ sau rằm tháng Mười, đến tháng Mười Một, đầu tháng Chạp, cả xóm, cả làng đã rục rịch chuyện Tết. Nào là đổ cám để vỗ béo con lợn Tết, thúc ngô để vỗ béo đàn gà Tết…. Đến ngày cận Tết thì rủ nhau vào rừng hái lá dong gói bánh chưng, vào rừng sâu chặt củi Tết, ngược bãi đi cắt cỏ Tết. Tranh thủ đi cắt tóc cho gọn gẽ người ta cũng nói là “cắt tóc Tết”. Ồn ào, háo hức làng trên, xóm dưới.

Riêng một chuyện này người ta ít nói đến chỗ đông người nhưng nhà nào cũng vậy, tuyệt không năm nào bỏ. Ấy là chuyện tắm tết, người ta còn gọi là “tắm tất niên”. Từ chiều ba mươi, mẹ tôi đã hái về các loại lá bưởi, lá sả, cho vào một nồi to đổ đầy nước, đun sôi sùng sục tỏa mùi thơm lừng, chia cho cả nhà pha nước tắm. Đứa nhỏ được tắm trước, đứa lớn sau. Dịp tết thường rét đậm nên đứa nào đứa nấy tắm ào ào xong là run rẩy, thút thít vơ vội quần áo, có khi chạy vào hơ bếp hoặc leo lên giường đắp chăn kín mít, hít hà… Mẹ tôi bao giờ cũng là người cuối cùng vì còn bận làm bao nhiêu việc khác và nhất là để thu dọn đồ đạc, sắp xếp gọn ghẽ mọi thứ trước khi cả nhà cùng đón giao thừa.

Empty

Bữa tắm Tất Niên theo các cụ xưa là để gột bỏ những xui xẻo của năm cũ

Tôi vẫn nhớ Mẹ vừa kỳ cọ cho tôi vừa nói “Năm hết, Tết đến rồi mà không đứa nào biết lo công việc cho mẹ. Chỉ mỗi việc tắm rửa sạch sẽ, gột cho hết mấy cái không hay ho gì của năm cũ, mà cũng phải mồm năm, miệng mười, tay mười mấy mới xong. Lớn tồng ngồng rồi, phải biết tự mà làm đi chứ, cứ ngồi đấy mà đợi năm mới may mắn với nọ kia có mà… đến Tết”. Mẹ bật cười rồi lại thoăn thoắt tay thoa, tay lau lên lưng, lên tóc đầy thương mến từng đứa con gái, con trai…

Sau này, lớn lên đi học rồi đi làm, tôi biết thêm chuyện tắm nước mùi già ngày ba mươi tết rất phổ biến ở phố. Các vùng trồng rau ngoại thành, ngoài xu hào, cải bắp, ngô đậu các loại, không bao giờ thiếu những luống mùi già để phục vụ phiên chợ tết trên phố. Đó là loại cây mảnh khảnh, có một mùi hương gợi nhớ xưa cũ, có người nói rất đúng là “hễ bắt gặp mùi hương ấy là bất cứ ai cũng muốn trở về nhà”. Những luống cây đượm nắng gió, đã ra hoa, kết trái. Phải đến khi cây chuyển già, từ màu xanh chuyển sang màu nâu tía, mang màu sắc thâm trầm bóng dáng thời gian, chính là lúc cây ướp sẵn cho ta một mùi hương tinh diệu, để đến với từng người, từng nhà trong những khoảnh khắc thiêng liêng nhất khi năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến, lòng người thanh tao, hy vọng, bâng khuâng…

Empty

Đun một nồi nước mùi già, pha với nước nóng cho con trẻ tắm trước, người lớn tắm sau giống như một nghi lễ của chiều 30

Chuyện tắm tất niên ở phố, tôi tin rằng kể hay nhất phải chính là người phố cổ, như nhà văn Trung Sỹ ở Hà Nội chẳng hạn. Nhà văn kể vô cùng rành rẽ những câu chuyện thời bao cấp, riêng chuyện “những phiên tắm mùa đông”, trong đó có tắm tất niên, lại càng thú vị, thi vị. Chẳng hạn “…Nước nóng già được múc từng xô, xách vào nhà tắm, pha với nước mùi già đã đun trong một nồi riêng. Trẻ con tắm trước, người lớn tắm sau, coi như nghi lễ rửa chiếc thùng thần thánh trước khi xếp bánh chưng vào luộc. Hương mùi già tất niên tẩy trần bay xa lắc dưới một trời mờ mờ khói pháo, ám cả vào nỗi nhớ đến tận bây giờ…” “Bâng khuâng chiều 30. Cả phố vừa cắm trộm bếp điện ninh măng vừa nhúng “tàu ngầm…” (Trang cá nhân, 24/12/2022)

Empty

Hương mùi già vấn vít mang tới hương Tết cổ truyền

Bây giờ, ở quê và ở phố tất nhiên vẫn lưu giữ cái việc không chỉ ý nghĩa về đảm bảo sức khỏe mà mang cả ý nghĩa tâm linh ấy, dù nhiều điều đã thay đổi theo thời gian, năm tháng. Không phải đợi đến 30 tết mà hàng ngày, từ chợ cóc đến siêu thị đã có rất nhiều sản phẩm được chế biến từ các loại dược liệu sẵn có, như sả, chanh, mùi già…phục vụ cả nhu cầu cá nhân lẫn tâm linh. Trong từng nhà ở quê, ở phố, có thể bếp củi cháy hừng hực và nồi nước sôi thơm lừng cũng không còn nữa khi đều đã sử dụng nhà tắm tiện nghi với đầy đủ sản phẩm ưa dùng. Nhưng chắc chắn trong mỗi chúng ta, không gì có thể làm nhạt phai hương vị truyền thống, riêng có của nồi nước mùi già, của tấm lòng Mẹ lo lắng, chăm lo cho từng đứa con trong cả cuộc đời và mỗi chiều 30 Tết. Điều đó xứng đáng được gọi là “nghi lễ thần thánh” trong tâm hồn mỗi chúng ta, hễ gặp lại mùi hương ấy là ngay lập tức muốn về nhà, về bên Mẹ. Mùi hương ấy cứ “ám cả vào nỗi nhớ” như bụi khói ám trên mái nhà mưa nắng, như nhà văn Trung Sỹ đã nói hộ bao người...

 
Bùi Sỹ Hoa
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa