Quà xứ Nghệ Tết này!

Món quà Tết từ những sản vật địa phương làm ấm lòng người con xa xứ (ảnh do tác giả cung cấp)

Thời tiết Tết Nguyên đán từ 28 tháng Chạp đến mùng 5 Tết

Ông Park Hang-seo và 2 nghìn ngày với bóng đá Việt Nam

Vi chất cần thiết giúp tăng cường sức khỏe nam giới

Để thành công và hạnh phúc, thanh thiếu niên cần rèn luyện 5 kỹ năng này

Hàng năm, vào dịp đón Tết, mừng Xuân, Hội Đồng hương Nghệ An tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều nơi trong và ngoài nước thường tổ chức họp mặt đông vui, đoàn tụ. Rất nhiều thế hệ người dân xứ Nghệ xa quê chờ mong dịp gặp gỡ đông vui này sau một năm miệt mài, bận rộn với công việc; là dịp để thăm hỏi, thông tin chia sẻ buồn vui cùng nhau và thậm chí để biết thêm nhiều người mới từ quê ra…nhập hội. Bất ngờ và thú vị hơn cả là những lần hội ngộ ấm áp ấy, bà con xa quê lại có dịp đón nhận những món quà mộc mạc, ý nghĩa từ trong quê gửi ra biếu tặng, gửi gắm. Dịp đón Xuân Quý Mão 2023 này, túi quà quê đất Nghệ mang theo điều đặc biệt và mới mẻ. Ấy là những sản phẩm dược liệu như cà gai leo, mướp đắng, sắn dây, chè dây… được nuôi trồng, chế biến trên mảnh đất lắm nắng, nhiều mưa rất có giá trị và đang được xã hội ưa dùng.

Nhiều người biết câu chuyện nổi tiếng trong lịch sử liên quan đến vùng đất Nghệ An là trước khi trở thành Đại Danh Y, Lê Hữu Trác từng được một ông thầy thuốc quê Nam Đàn - Nghệ An chữa chạy bằng nhiều vị thuốc quý của đất Nghệ. Quả vậy, theo thống kê cho đến nay, riêng miền tây Nghệ An đã có gần 1.000 loài dược liệu, trong đó có nhiều loại quý hiếm. Tỉnh Nghệ An và ngành Y tế gần đây đã tập trung rất cao vào việc bảo tồn các cây thuốc quý trên địa bàn với 38 loài cây thuốc; đồng thời tổ chức trồng mới, phát triển diện tích cây dược liệu lên tới hàng ngàn ha trong toàn tỉnh, đi đôi với chế biến để nâng cao giá trị sản xuất, hàng hóa thông qua việc hình thành các tổ nhóm, hợp tác xã dược liệu, thực hiện các dự án lớn về nuôi trồng, chế biến trên địa bàn…

z4027340032730_6fcc5359493e7aec1ac68584e86a798c

Nuôi trồng và chế biến dược liệu cũng đang tạo ra bước phát triển mới (Ảnh do tác giả cung cấp)

Được biết, ở huyện Con Cuông, trồng cây dược liệu là một trong những hướng sản xuất chính của bà con. Toàn huyện đã hình thành vùng trồng dược liệu khoảng 23ha, được liên kết với một doanh nghiệp, trồng các loại cây cà gai leo, mướp đắng rừng, thìa canh, đinh lăng… Ở Tương Dương, trồng dược liệu cũng được bà con chăm lo sau khi nhận thấy hiệu quả rõ rệt. Chỉ riêng xã Yên Hòa đã có 10ha diện tích trồng dược liệu, trong đó 7ha trồng chè hoa vàng và 3ha trồng cây khôi nhung tía. Xã Yên Tĩnh trồng 5ha chè dây, đang tiếp tục quy hoạch khoanh nuôi, bảo vệ thêm 10ha trên địa bàn. Gia đình ông Lữ Văn Tiệp ở bản Cành Toong trong năm 2022 trồng hơn 1ha chè dây. Ông Tiệp cho biết, cứ 15kg chè tươi thì cho 1kg chè khô, giá bán 250.000/kg, mỗi tháng gia đình ông có thu nhập bình quân từ 4 - 5 triệu đồng. Với việc trồng chè dây, khôi nhung tía…, bà con có thể có thu nhập từ 80 - 120 triệu đồng/năm nếu chăm sóc tốt, thu hoạch 2 - 3 lần…

Riêng ở huyện miền núi rẻo cao Kỳ Sơn, quá trình bảo tồn, phát triển dược liệu được tập trung cao độ với sự vào cuộc của các doanh nghiệp lớn và sự tham gia tích cực của chính quyền, nhân dân, lao động cơ sở. “Cú đấm” lớn hình thành trên diện tích 2.846 ha, được đầu tư 3.200 tỷ đồng nhằm khai thác thế mạnh về đất đai, thời tiết đặc biệt của “Sapa xứ Nghệ” là vùng Mường Lống, để trồng các loại dược liệu quý như sâm Puxailaileng, sâm 7 lát 1 hoa, tam thất, hà thủ ô đỏ… Từ 5ha trồng khảo nghiệm sẽ được nhân rộng thành 200 ha với nhiều dược liệu quý hiếm. Hiện tại, nhiều sản phẩm như chè Shan Tuyết, giảo cổ lam, hoài sơn, mướp đắng rừng… từ Mường Lống, Huồi Tụ… đã được tung ra thị trường, tạo được niềm tin và triển vọng về thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội thông qua phát triển vùng dược liệu ở vùng miền núi rẻo cao này.

Ở vùng đồng bằng và trung du, nhiệm vụ nuôi trồng và chế biến dược liệu cũng đang tạo ra bước phát triển mới, trong đó có sự vào cuộc của nhiều cá nhân, hợp tác với trong và ngoài nước để tạo ra sản phẩm chất lượng cao. Sản phẩm tảo xoắn, đậu tương lên men, đông trùng hạ thảo của Công ty Cổ phần Công nghệ tảo Việt Nam ở huyện Quỳnh Lưu hiện được đánh giá là nhóm sản phẩm từ chuyển đổi số công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, sản phẩm Việt Nam tiêu biểu cấp quốc gia. Công ty nói trên còn có thêm sản phẩm mới bột nhung hươu, tận dụng nguyên liệu đặc sản sẵn có trong vùng, chuẩn bị cho ra đời nhiều sản phẩm mới như cốm tảo cho trẻ em, bánh cho người tiểu đường… đáp ứng từng bước nhu cầu của đời sống…

Câu chuyện của những người Nghệ xa quê, thông qua những món quà xuân ấm áp và có giá trị cứ thế lan tỏa qua từng người, từng nhà, thông qua báo chí, truyền thông để vươn ra xã hội rộng lớn. Mừng vui với bước phát triển đi lên của quê nhà thông qua những sản phẩm quý được gieo trồng trên vùng đất quý, nhiều người Nghệ xa quê đã bày tỏ sự đồng tình với một trong những hướng đi để khai thác tiềm năng, lợi thế, tạo việc làm, thu nhập cho bà con; đồng thời sẽ góp sức, góp lực để quá trình này được đẩy nhanh, được nâng lên một tầm cao mới, giá trị mới.

Ấy là món quà quê nặng tình, nặng nghĩa, không chỉ gợi nhớ tình cảm với quê hương mà còn mang theo trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ truyền thống quý báu của cha ông để lại, gìn giữ và tô thắm mảnh đất luôn mang trong mình những giá trị trường tồn từ cây cỏ, từ không gian mát lành đến nếp nghĩ, tầm nhìn của mỗi con người, mỗi tấc đất sinh thành...

 
Bùi Sỹ Hoa
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bạn đọc viết