Các bác sĩ da liễu khuyên kiểm tra thành phần trong son dưỡng môi để đảm bảo chúng không gây khô môi - Ảnh: Getty Images
Nguyên nhân gây ra tình trạng môi khô, nứt nẻ và cách khắc phục?
Tiêu chí lựa chọn son nẻ để có đôi môi căng mọng
Tự làm son dưỡng tại nhà “cứu” đôi môi khô nẻ
Khắc phục môi khô nứt nẻ trong mùa Đông
Nguyên nhân nào khiến môi khô nứt nẻ?
Bác sỹ da liễu Reshmi Kapoor - người sáng lập Brooklyn Dermatology cho biết, hãy coi đôi môi của bạn như một phần mở rộng của làn da. Không giống như vùng da bạn nhìn thấy trên cánh tay, môi thiếu các lớp bảo vệ để tránh mất độ ẩm.
Da có một lớp rào cản giữ độ ẩm được gọi là lớp sừng - đây là lớp da trên cùng ngăn nước rời khỏi cơ thể. Lớp sừng trên môi rất mỏng nên dễ bị tổn thương hơn so với da ở các bộ phận khác trên cơ thể. Ngoài ra, môi còn thiếu các đặc điểm khác của da, chẳng hạn như nang lông, tuyến mồ hôi và tuyến bã nhờn cung cấp thêm độ ẩm hoặc dầu.
Vì môi không thể tự tạo ra độ ẩm nên chúng có thể dễ dàng bị khô khi nhiệt độ tăng. Tiếp xúc quá nhiều với tia UV cũng có thể làm bỏng môi, khiến môi bị nứt, sưng tấy và kích ứng. Thời tiết lạnh cũng không mang lại lợi ích gì cho đôi môi của bạn. Độ ẩm thấp và gió sẽ lấy đi độ ẩm trên môi và khiến chúng dễ bị bong tróc.
Một vấn đề khác là liếm môi. Mọi người thường có cảm giác muốn liếm môi như một cách để dưỡng ẩm cho môi. Tuy nhiên, thói quen này thực sự khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn. BS. Kapoor lưu ý rằng nước bọt là chất gây kích ứng da vì các enzyme bên trong nước bọt có tác dụng phân hủy thức ăn cũng làm mất đi lớp rào cản độ ẩm.
Liếm liên tục quanh môi và vùng da xung quanh thậm chí có thể dẫn đến phát ban quanh vùng miệng hay còn gọi là viêm da do liếm môi. Tình trạng này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, phổ biến nhất là ở trẻ nhỏ. Tiến sĩ Shayan Cheraghlou, Trưởng Khoa Da liễu, Trường Y Grossman, Đại học New York (Mỹ) cho biết, liếm môi gây ra một vòng luẩn quẩn là liếm môi để dưỡng ẩm nhưng chỉ làm chúng khô hơn.
Một số thành phần trong son dưỡng có thể khiến cho đôi môi bị nứt nẻ
Để đối phó với tình trạng khô môi, nhiều người tìm đến son dưỡng như một cứu tinh. Tuy nhiên, không phải loại son dưỡng môi nào cũng giúp giải quyết hiệu quả vấn đề khô mà môi bạn gặp phải. Thậm chí, nhiều người gặp tình trạng mặc dù thoa son dưỡng liên tục nhưng môi vẫn khô, nghiêm trọng hơn còn bị kích ứng. Điều này có thể do loại son dưỡng bạn đang dùng có chứa một vài thành phần không "thân thiện".
Nếu bạn từng có cảm giác mát lạnh hay châm chích trên môi sau khi thoa son dưỡng thì rất có thể thỏi son của bạn có chứa tinh dầu bạc hà hoặc long não. Cả hai thành phần này hoạt động như thuốc gây tê nhẹ để giảm bớt cảm giác nóng rát môi. Tuy nhiên, bác sĩ Kapoor cảnh báo những thành phần này có thể làm bong tróc lớp da mỏng trên môi, làm tăng nguy cơ khô môi.
Sáp ong là một chất gây dị ứng khác thường được tìm thấy trong son dưỡng môi. Bác sĩ Cheraghlou lưu ý, tuy sáp ong tạo ra hàng rào khóa ẩm, nhưng những người nhạy cảm với thành phần này có thể có cảm giác khô và ngứa rát ở môi hơn.
Thêm vào đó, acid salicylic là một thành phần khác cần tránh. Nó làm khô môi theo hai cách. Đầu tiên, nó thay đổi độ cân bằng pH khiến môi nhanh bị mất nước hơn. Thứ hai, nó hoạt động như một chất tẩy tế bào chết loại bỏ tế bào da khô nhưng cuối cùng lại làm hư tổn hàng rào độ ẩm.
Đặc biệt, son dưỡng môi thường chứa nhiều loại hương liệu khác nhau để che đi mùi hóa chất, chẳng hạn như geraniol và cinnamaldehyde. Tuy nhiên, các hương liệu tạo mùi này có khả năng gây viêm môi. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã tìm thấy 26 chất gây dị ứng thường thấy trong các sản phẩm dược mỹ phẩm có mùi hương.
Thành phần lành tính cho đôi môi khô, nứt nẻ
Cả hai bác sĩ da liễu Cheraghlou và Kapoor đều đưa ra lời khuyên nên sử dụng son dưỡng môi có thành phần dầu khoáng (petrolatum) hay thạch dầu khoáng (petrolatum jelly). Petrolatum hoạt động như một chất khóa ẩm trên môi, tạo màng bảo vệ vật lý giúp ngăn không cho độ ẩm thoát khỏi bề mặt da. Thành phần này đã được Cơ quan quản lý thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt có tác dụng bảo vệ da và không gây kích ứng.
Bên cạnh petrolatum, bác sĩ Kapoor gợi ý nên tìm các sản phẩm son dưỡng môi có chứa SPF để ngăn ngừa tia UV - một trong những tác nhân gây khô môi. Ngoài ra, bác sỹ Kapoor cũng khuyên nên sử dụng sản phẩm chứa oxyd kẽm và oxyd titan vì các thành phần chống nắng khác có thể gây kích ứng.
Để giữ ẩm cho môi, bác sĩ Kapoor khuyên dùng bơ hạt mỡ và ceramide - một loại chất béo có trong tế bào da. Cả hai thành phần này đều tăng cường hàng rào độ ẩm cho da và ngăn nước thoát ra ngoài.
Ngoài việc lưu tâm đến các thành phần có trong son dưỡng, bạn nên chú ý hạn chế tẩy tế bào chết cho môi. bác sĩ Kapoor giải thích tẩy tế bào chết cho môi thường xuyên sẽ đồng thời lấy đi lớp sừng mỏng của môi. Từ đó, môi dễ bị tổn thương hơn trước các tác động từ môi trường.
Bình luận của bạn