Thói quen bóc da môi gây mất thẩm mỹ và tiềm ẩn rủi ro cho sức khỏe
Tiêu chí lựa chọn son nẻ để có đôi môi căng mọng
Tự làm son dưỡng tại nhà “cứu” đôi môi khô nẻ
Mách bạn cách “đánh bay” môi khô, nứt nẻ trong mùa lạnh
Nguyên nhân gây ra tình trạng môi khô, nứt nẻ và cách khắc phục?
Nguyên nhân nào dẫn đến thói quen bóc da môi?
Da môi là vùng da nhạy cảm, có cấu trúc mỏng, tiếp xúc thường xuyên và trực tiếp với môi trường. Nó dễ gặp tình trạng khô ráp, bong tróc và nứt nẻ do chịu ảnh hưởng bởi các tác nhân trong và ngoài cơ thể. Do vậy, nhiều người có thói quen bóc da môi như một cách để loại bỏ lớp biểu bì thô ráp.
Bóc da môi đôi khi được thực hiện trong vô thức. Hành vi này có thể bắt nguồn từ sự lo lắng hay căng thẳng. Lột da môi có thể là cách để giải toả những cảm xúc tiêu cực đó. Trong nhiều trường hợp khác, nó còn liên quan đến các rối loạn tâm lý như rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) và rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD).
Bóc da môi có thể gây hậu quả như thế nào?
Người mắc thói quen này trong nhiều trường hợp nhận thức được vấn đề của mình nhưng không thể dừng lại. Hành động này có thể gây đau, viêm, chảy máu, nhiễm trùng, vết chai và sẹo ở những vùng bị ảnh hưởng.
Môi tiếp xúc với nhiều tác nhân như: bụi bẩn, vi trùng trong không khí, tia cực tím hay thực phẩm chúng ta ăn vào. Lớp da môi đóng vai trò như lớp màng bảo vệ. Da môi không chỉ ngăn chặn những tác hại từ tia tử ngoại mà còn bảo vệ da khỏi các tác nhân tiêu cực từ môi trường. Khi lớp màng này bị lột bỏ, da mất đi lớp bảo vệ tự nhiên. Từ đó, các vi khuẩn, virus sẽ dễ dàng tấn công gây ra viêm môi nhiễm trùng.
Thông thường, viêm môi nhiễm trùng không quá nghiêm trọng. Tình trạng này chỉ mang lại cảm giác khó chịu và một số biểu hiện ngoại vi như sưng hay tấy đỏ. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời và dứt điểm, viêm môi nhiễm trùng có thể lan rộng hơn, không chỉ ở môi mà còn có thể lan tới các vùng da xung quanh, thậm chí gây nhiễm trùng máu - một tình trạng nghiêm trọng và có thể đe dọa đến tính mạng.
Ngoài nguy cơ viêm nhiễm, da môi sẽ trở nên ngày càng mỏng đi do bị bóc đi các lớp màng, Vì vậy, khi tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, môi dễ gặp tình trạng thâm và xỉn màu.
Cần làm gì để từ bỏ thói quen xấu này?
Trong trường hợp da môi bị bong và nứt nẻ khiến bạn muốn loại bỏ lớp biểu bì dày trên môi, điều cần làm là tìm cách nhằm giảm thiểu trạng thái khô của môi. Khô môi là dấu hiệu cho thấy sự thiếu hụt độ ẩm của cơ thể. Để ngăn ngừa tình trạng này, việc thoa son dưỡng và tẩy tế bào chết cho môi thường xuyên được xem là cần thiết. Điều này giúp nâng cao độ ẩm, nuôi dưỡng lớp biểu bì ở môi, tái tạo vùng da mới và giúp môi luôn giữ được độ căng bóng, khỏe đẹp. Thêm vào đó, cần chú trọng uống đủ nước, bổ sung nhiều thực phẩm giàu vitamin và tránh sử dụng thực phẩm có tính axit hay hàm lượng muối cao.
Cũng nên lưu ý hành vi liếm môi vì nó có thể là nhân tố làm tình trạng khô môi trở nên nghiêm trọng hơn. Nhiều người cho rằng liếm môi có thể giúp cấp ẩm tức thì cho môi làm cho môi bớt khô hơn. Thực tế, hành động này có thể gây ra tác dụng ngược và khiến bạn rơi vào vòng luẩn quẩn. Khi liếm môi càng nhiều, bạn sẽ càng cảm thấy môi khô hơn và bạn sẽ càng muốn liếm nó nhiều hơn để bù ẩm.
Bởi lẽ, nước bọt chứa thành phần enzyme Amylase (loại enzyme có vai trò xúc tác thủy phân tinh bột thành đường). Khi liếm môi, enzyme Amylase sẽ tiếp xúc với không khí bên ngoài từ đó vùng da môi sẽ dễ bị khô, bong tróc và mỏng dần. Vì vậy, nên hạn chế hành động liếm môi kể cả khi cảm thấy khô để cải thiện tình trạng môi của bạn.
Theo bác sĩ Benjamin Barankin, chuyên khoa da liễu của Trung tâm Da liễu Toronto, khi cảm thấy môi bị khô và muốn cấp ẩm cho môi ngay, ta có thể thấm một miếng bông ướt trên môi khoảng 10 đến 20 giây và sau đó thoa son dưỡng môi lên để giữ nước.
Nếu da môi bong khô và nứt nẻ trong một thời gian dài mà không có dấu hiệu cải thiện, đó có thể là lời cảnh báo bệnh về da liễu, tình trạng rối loạn tuyến giáp, thiếu hụt các chất dinh dưỡng như kẽm, sắt, vitamin, hay thậm chí là dị ứng mỹ phẩm. Lúc này, cần tìm đến các bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn kỹ càng hơn. Điều này sẽ giúp người bệnh hiểu rõ hơn về vấn đề bản thân đang mắc phải. Từ đó, sớm nhận được các phương án điều trị kịp thời.
Ngoài ra, nếu lo lắng hoặc căng thẳng là nguyên nhân dẫn đến thói quen bóc da môi, điều quan trọng là phải giải quyết những cảm xúc tiêu cực này thông qua thư giãn, trị liệu hoặc tìm kiếm sự trợ giúp từ chuyên gia tâm lý.
Có thể thấy, để từ bỏ thói quen bóc da môi thì điều tiên quyết là người mắc thói quen xấu này cần nhận thức đúng đắn về hậu quả và nguyên nhân dẫn đến hành vi của mình. Từ đó, áp dụng các biện pháp bảo vệ và dưỡng môi cần thiết để luôn có cho mình một bờ môi căng mọng, khỏe đẹp và tràn đầy sức sống.
Để tham khảo thêm nhiều biện pháp chăm sóc môi hữu ích, mời bạn đọc truy cập link bài viết dưới đây:
Bí quyết chăm sóc đôi môi trong mùa Hè để luôn mềm mịn, xinh tươi
Bình luận của bạn