Chuyên gia chia sẻ 4 điều người bệnh đái tháo đường nên tránh dịp Tết

Những điều cần tránh để giữ sức khỏe trong dịp Tết dành cho bệnh nhân đái tháo đường.

Người bệnh đái tháo đường phải phối hợp thuốc điều trị như thế nào?

Loại trái cây nào nhiều đường nhất và cách ăn giúp tránh bị tiểu đường?

Đái tháo đường bị đau dây thần kinh liên sườn phải làm sao?

Mới mắc đái tháo đường nhưng lo thuốc Tây có tác dụng phụ, phải làm sao?

Tết đến, Xuân về là dịp tất cả mọi người gặp gỡ, quây quần bên nhau, nên chắc chắn sẽ không thể thiếu các buổi tiệc tùng, ăn uống. Với truyền thống món ăn ngày Tết ở Việt Nam phải nhiều thịt, nhiều đồ dầu mỡ, lượng calories cao, ít rau củ… khiến chế độ dinh dưỡng trong những bữa ăn ngày Tết bị thiếu cân bằng.

Ngoài ra, việc sử dụng những loại đồ uống như nước ngọt có ga, hay đồ uống có cồn như rượu, bia thường xuyên khiến cho những bệnh nhân mắc đái tháo đường không tránh khỏi những lo ngại.

Vì vậy, TS. BS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai đã chia sẻ 4 điều sau bệnh nhân đái tháo đường cần tránh để giữ sức khỏe trong dịp Tết.

Tránh uống nhiều rượu

- Rượu, nhất là các loại rượu mạnh (Whisky, Cognac hay rượu tự nấu) có tác dụng ức chế gan sản xuất glucose nên những người bị đái tháo đường uống nhiều rượu có nguy cơ cao bị hạ đường huyết nặng.

- Uống rượu say nên quên uống thuốc đái tháo đường, trong khi lại ăn nhiều nên bị đường huyết quá cao.

- Nhiều người bệnh mải uống rượu mà quên ăn nên bị hạ đường huyết.

- Uống các loại rượu ngâm với động vật, rễ cây lạ gây ngộ độc, thậm chí suy thận cấp

Để tốt cho sức khỏe mà vẫn vui vẻ dịp Tết cổ truyền, người bị đái tháo đường chỉ nên uống 1 - 2 ly rượu vang khi ăn cơm Tết, cần biết từ chối khi bị mời/ép uống rượu, nhất là những loại rượu lạ.

Tránh uống nhiều nước ngọt

Nhiều người bệnh, nhất là trẻ em, trẻ vị thành niên thường rất thích uống nước ngọt. Ngày thường họ bị cấm đoán hoặc nhắc nhở thường xuyên nhưng những ngày Tết thì nhà ai cũng có vài chai hoặc lon nước ngọt, và vì tâm lý thoải mái hoặc nể khách nên sẽ uống khá nhiều nước ngọt, hậu quả là đường huyết tăng rất cao và rất nhanh.

Trong những trường hợp này, có thể chuẩn bị sẵn một số chai nước ngọt dành riêng cho người bị đái tháo đường, hoặc sử dụng các loại đường không làm tăng đường huyết khi uống cà phê hay ăn chè.

Tránh để bị ốm

Ngày Tết cổ truyền là dịp để mọi người gặp mặt, vui chơi nhưng dự báo thời tiết ngày Tết thường khá lạnh ở miền Bắc và khá nóng ở miền Nam.

Người bị đái tháo đường, nhất là những người kiểm soát đường huyết kém hoặc đã có nhiều biến chứng, thường có sức đề kháng giảm nên rất dễ bị các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp, rối loạn tiêu hóa... và đáng ngại nhất hiện nay là COVID-19.

Vì vậy, người bị đái tháo đường cần lưu ý ăn mặc đủ ấm, tránh để bị cảm lạnh. Những người đi lễ chùa hay đi du lịch nên tránh những chỗ quá đông người, cần uống đủ nước và nhớ kiểm tra bàn chân thường xuyên. Với người bình thường thì cảm sốt, tiêu chảy hay vết loét nhỏ ở chân là không đáng ngại nhưng với người bị đái tháo đường thì họ sẽ rất dễ bị nhiễm khuẩn nặng, loét chân lan rộng... đe dọa tính mạng hoặc phải nhập viện.

Tránh để bị hạ đường huyết

Trưởng khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hạ đường huyết (nồng độ glucose trong máu thấp < 4,0 mmol/L) là biến chứng khá phổ biến ở người bệnh đái tháo đường, chủ yếu do nguyên nhân ăn ít, ăn chậm hay bỏ ăn hoặc vận động quá sức.

Đường huyết thấp dẫn đến hôn mê và làm nặng thêm các biến chứng tim mạch, thần kinh... nên nó là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến người bệnh đái tháo đường phải nhập viện cấp cứu trong dịp Tết. Tuy nhiên đây là biến chứng hoàn toàn có thể phòng ngừa được và nếu người bệnh đái tháo đường tuân thủ tốt những lời khuyên trên đây về chế độ ăn uống và dùng thuốc thì họ sẽ tránh được biến chứng này.

"Cách phòng ngừa sớm là nên thả lỏng mục tiêu đường huyết trong những ngày Tết, không nên để đường huyết xuống dưới 5,6 mmol/L, nhất là ở những người lớn tuổi, người bị đái tháo đường đã lâu hoặc đã có nhiều biến chứng. Quan trọng nhất là khi đi chơi, đi lễ hay đi du lịch thì người bệnh đái tháo đường nên thông báo cho 1-2 người bạn thân biết là mình bị đái tháo đường và luôn mang theo kẹo, bánh ngọt để ăn ngay khi đường huyết xuống thấp hoặc khi có các biểu hiện của hạ đường huyết như đói, run chân tay, hồi hộp đánh trống ngực....", TS. BS Nguyễn Quang Bảy khuyến cáo.

 
Hiệp Nguyễn
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn