Đầu năm ăn món ngon Hà thành - bún thang

Món bún thang của Hà Nội xưa được chế biến rất cầu kỳ và tinh tế (ảnh Phương Chi)

2 tháng giám sát ngẫu nhiên chất lượng "nước Sông Đà" của Bộ Y tế

2020 - Thực phẩm chức năng không thiếu, chất lượng sẽ tăng!

Những yếu tố chính làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường

Dừng thực hiện thủ tục hải quan đối với người, phương tiện vận tải nhập cảnh qua các lối mòn, lối mở với Trung Quốc

Món bún thang của Hà Nội xưa được chế biến rất cầu kỳ và tinh tế, thâm chí còn phải chuẩn bị nguyên liệu sẵn từ trước Tết thì mới có thể đủ để nấu cho thật thơm ngon và chuẩn vị. Nào là: tôm he khô, tinh dầu cà cuống, lạp xường mai quế lộ, củ cải khô, vài ba con sá sùng hoặc mực khô, nấm hương dày cánh và thơm, giò lụa, thịt gà, trứng…, tính ra phải gần 20 loại nguyên liệu chứ không ít. 
Ngày nay, bún thang vẫn là món yêu thích của nhiều gia đình, nhất là vào thời điểm ngày hóa vàng khi kết thúc những ngày Tết, tuy nhiên món bún này bây giờ được chế biến đơn giản hơn, cải tiến khá nhiều, chủ yếu tùy thuộc vào khẩu vị từng nhà. Mặc dù vậy, để có món bún thang thơm ngọt, mang đặc trưng hương vị Hà Thành cũng đòi hỏi người nội trợ mất nhiều thời gian và không ít công sức.
Nước dùng để chan bún là thành phần cốt yếu, rất quan trọng làm nên hương vị nổi bật cho bát bún thang. Nước làm sao phải trong, nhưng lại thật ngọt và dậy mùi thơm của tôm xen lẫn vị gà, nấm hương, hành nướng. Thành phần chính của nước dùng là tôm khô, xương gà sau khi đã lọc hết thịt để riêng, có thể thêm ít xương lợn để ngọt nước hơn. Ngoài ra, còn cần cho vào nồi nước dùng các nguyên liệu khác, đó là: hành củ và gừng nướng, sá sùng hoặc mực khô, nấm hương để nguyên cánh, nước mắm nhĩ, gia vị và một thìa đường nhỏ. 
Trong quá trình ninh xương và nguyên liệu làm nước dùng, cần chú ý thường xuyên hớt bọt để làm trong nước. Mùi vị của nước dùng trong lúc đun đã thơm và hấp dẫn lắm rồi.
Sau khi đã chuẩn bị xong nồi nước và chờ ninh cho ra hết chất ngọt, chúng ta tiếp tục quay sang làm nhân cho bún thang. 
Các nguyên liệu cho phần nhân bún đều phải được thái nhỏ sợi, bao gồm: Thịt gà đã lọc thường thì phải xé cho nhỏ mới đúng kiểu của gà trong bát bún thang cổ xưa, tuy nhiên nếu muốn nhanh thì có thể thái mỏng; giò lụa, nấm hương ngâm mềm, trứng gà tráng mỏng rồi tất cả thái sợi nhỏ; tôm khô sau khi ngâm mềm thì giã dập, xé nhỏ cho bông như ruốc, đảo qua với ít hành phi thơm; củ cải khô ngâm mềm rồi bóp qua với chút dấm, đường, gia vị, vắt khô. Ngoài ra, nếu cầu kỳ, bạn có thể hấp tôm tươi, lột bỏ vỏ để xếp vào bát bún, vừa thêm hấp dẫn về màu sắc, vừa thêm vị ngon.
Gia vị ăn kèm với bún thang sẽ có rau dăm, hành chẻ, chanh ớt, mắm tôm (tùy khẩu vị), có tinh dầu cà cuống là chuẩn nhất nhưng ngày nay khó có thể tìm được bởi người ta đã làm hương liệu thay thế, chưa chắc đã có mùi thơm đặc trưng.
Bún cần chọn loại sợi nhỏ, chần sơ trong nước sôi rồi chia sẵn ra các bát to. Nguyên liệu của phần nhân sau khi đã chuẩn bị xong sẽ được xếp tròn lên trên bát bún sao cho đều và đẹp mắt, mang nhiều màu sắc hấp dẫn. Nước dùng đã ninh kỹ sẽ ngọt đậm, đun sôi lại rồi chan vào bát, hơi nóng bốc lên nghi ngút, dậy mùi thơm lừng.
Bún thang thanh ngọt, sợi bún trắng mềm kết hợp với thịt gà, trứng, ruốc tôm, giò… làm nên hương vị đặc biệt, gây thương nhớ. Lúc ăn, đợi cả nhà cùng nhau quây quần, từng bát bún được chan nước nóng hổi, ai cũng xuýt xoa, tấm tắc khen, làm không khí dư âm ngày Xuân thêm ấm áp và hạnh phúc. 
Phương Chi H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Món ngon - Nhà hàng