“Dịch” cận thị tấn công học đường

Theo thống kê tại Khoa khúc xạ Bệnh Viện Mắt TP.HCM, thì bệnh việc đã tiến hành khảo sát trên gần 5.200 học sinh lớp 1, 6 và 10. Kết quả là 25% học sinh mắc tật cận thị, nhưng chỉ có 8% đeo kính, và chỉ có 30% trong số ấy được đeo kính đúng với tình trạng của mắt. Số còn lại đeo kính không đúng tiêu chuẩn hoặc không mang kính.

Số học sinh mắc bệnh cũng tỷ lệ thuận với cấp học: học càng lên cao thì số học sinh cận thị càng tăng. Cụ thể, học sinh THPT bị cận thị cao gấp 1,3 lần học sinh cấp THCS, và tỉ lệ học sinh cấp THCS bị cận thị cao gấp 2 lần học sinh tiểu học.

Theo kết quả khảo sát của Bệnh viện Mắt TP.HCM, tỷ lệ học sinh bị mắc tật cận thị ở các trường chuyên là rất cao, chiếm 80%.



Đáng nói là, mặc dù số lượng học sinh bị tật cận thị đang ngày càng gia tặng, nhưng nhiều bậc phụ huynh vẫn chưa mấy quan tâm về điều này.

Theo Ths, BS Trần Hải Yến - Trưởng khoa khúc xạ của Bệnh viện mắt TP.HCM thì: “Dựa trên những kết quả khảo sát, chúng ta có thể thấy rằng, không chỉ các em học sinh, mà ngay cả các bậc cha mẹ cũng rất ít quan tâm về tật cận thị và tác hại của nó. Trên thực tế, nhiều học sinh mắc phải tật cận thị từ rất sớm, nhưng không biết. Còn phụ huynh lại cho rằng cận thị là do di truyền, cho nên bệnh thường được phát hiện muộn. Điều này rất đáng lo ngại, bởi không sớm phát hiện và có biện pháp ngăn ngừa kịp thời từ khi mới khởi phát, tật cận thị có thể gây ra các biến chứng như nhược thị, lé... Người đã bị nhược thị hay lé thì thị lực không thể phục hồi như cũ. Dù có áp dụng tất cả các biện pháp điều trị tiên tiến nhất, kể cả phẫu thuật thì thị lực chỉ có thể đạt tối đa ở mức 7/10”.


3 yếu tố gây nên tật cận thị ở trẻ em

Học tập và sinh hoạt thiếu khoa học: Nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến tình trạng gia tăng số học sinh mắc tật cận thị là do quá trình học tập và giải trí thiếu khoa học. Khi đến trường, các em phải học tập với cường độ cao trong điều kiện môi trường ánh sáng không bảo đảm, tư thế ngồi học không đúng, bàn ghế học sinh không phù hợp, đọc sách với cự ly gần trong thời gian dài và không có chế độ nghỉ ngơi hợp lý,... Khi về nhà các em thường xem ti vi, chơi máy vi tính nhiều giờ liên tục với cự ly rất gần, hay đọc sách trong tư thế nằm ngửa, đọc ở những nơi không đủ ánh sáng… Vì thời gian sinh hoạt kéo dài, nên giấc ngủ bị ngắn lại. Điều này khiến cho mức độ bệnh ngày càng tiến triển nhanh hơn, đặc biệt là ở trẻ em lứa tuổi từ 7 đến 9 tuổi và 12 - 14 tuổi.

Trẻ sinh thiếu tháng, trẻ sinh ra mà trọng lượng cơ thể quá nhẹ cũng là yếu tố dễ khiến trẻ cận thị. Cũng theo chia sẻ của ThS.BS Nguyễn Thị Hải Yên, hầu hết trẻ sinh ra với trọng lượng cơ thể trên dưới 2,5 kg, đến tuổi thiếu niên đều bị cận thị. Còn trẻ sinh thiếu tháng từ hai tuần trở lên thường bị cận từ khi học vỡ lòng.

Yếu tố cuối cùng, nếu bố mẹ bị cận thị rất dễ di truyền sang con cái. Mức độ di truyền này liên quan mật thiết với mức độ cận thị của bố mẹ. Thông thường, bố mẹ bị cận thị dưới 3 đi-ốp thì khả năng di truyền sang con cái rất nhỏ. Nếu bố mẹ bị cận thị từ 6 đi-ốp trở lên thì khả năng di truyền sang con cái là 100%.



4 biện pháp khắc phục tật cận thị

Thứ nhất là đảm bảo đủ ánh sáng và tư thế ngồi đúng cách. Theo các bác sỹ chuyên khoa, ánh sáng tự nhiên là tốt nhất, vì vậy, khi xây dựng và sửa chữa các phòng học cần chú ý lắp đặt nhiều cửa sổ để đón ánh nắng mặt trời. Thực tế, nhiều trường học tại TP.HCM không đạt tiêu chuẩn độ sáng quy định, một phần vì khi nghiệm thu các công trình xây dựng phòng học ít ai quan tâm đến việc đo độ sáng mà cứ trang bị đèn chiếu sáng một cách tùy tiện, chấp nhận độ sáng theo "mắt trần" mà không theo cơ sở khoa học.

Theo BS. Trần Quốc Hưng, không nên bỏ qua những dấu hiệu không bình thường về mắt của trẻ. Nếu phát hiện trẻ có dấu hiệu bất thường cần lập tức đưa trẻ đến chuyên khoa khúc xạ để được các bác sỹ chuẩn đoán và có biện pháp ngăn ngừa kịp thời. Tốt nhất là nên đưa trẻ đi khám thị lực định kỳ 6 tháng một lần.

Cụ thể hơn, theo BS. Trần Quốc Hưng (Trung tâm sức khỏe và môi trường, Sở Y tế TP.HCM), ánh sáng mức tối thiểu là 200 lux, đảm bảo phân bố đều, không gây lóa khi học sinh nhìn lên bảng. Ngoài ra, cần cho trẻ ngồi học với bàn ghế vừa với kích cỡ, khoảng cách từ mắt đến sách tốt nhất là 30 - 40cm.

Sinh hoạt hợp lý bao gồm: Không cho trẻ ngồi trước màn hình tivi, máy tính quá lâu. Đảm bảo ngủ đủ giấc. Giấc ngủ hợp lý nhất đối với trẻ em là từ 8 – 10 tiếng/ngày.

Đảm bảo chế độ ăn uống hợp lý. Cận thị có thể cải thiện được nhờ ăn uống những thức ăn chứa nhiều vitamin A có trong các loại gan động vật, sữa bò, sữa cừu, lòng đỏ trứng gà, dầu gan cá…; Các loại thức ăn chứa nhiều caroten, chủ yếu có trong rau xanh, cải trắng, cải xanh, đậu xanh, bí, cà chua, cà rốt, táo, khoai lang, gấc…; Các loại thức ăn có chứa nhiều vitamin B1, niacine... có ở đậu các loại, thịt nạc, gạo lứt, táo, bắp...

Mang kính đúng tiêu chuẩn và kiểm tra khúc xạ định kỳ. Ðối với trẻ em cận thị, đeo kính là biện pháp an toàn nhất. Lưu ý, kính tiếp xúc hay còn gọi là kính áp tròng không thích hợp với trẻ và cũng có nguy cơ gây nhiễm trùng. Hiện nay, có các phương pháp phẫu thuật, nhưng phải đợi đến khi trẻ 18 tuổi, độ cận đã ổn định.

Có thể dùng TPCN để phòng chống cận thị?

Một số sản phẩm TPCN có thể hỗ trợ điều trị chứng cận thị mắt, ngăn chặn tình trạng cận thị tiến triển, các trường hợp khô mắt, nhức mỏi mắt, cay mắt khi đọc sách và làm việc trên máy tính. Các sản phẩm này thường chứa vitamin A tự nhiên (được chiết xuất từ các loại thực phẩm giàu vitamin A như gấc, quả việt quất...). Vitamin A, mà chủ yếu là acid Retinoic, là chất cần thiết cho hoạt động của biểu mô, làm bài tiết chất nhày và ức chế sự sừng hóa. Trong cơ thể vitamin A tham gia vào hoạt động thị giác, giữ gìn chức phận của tế bào biểu mô trụ. Trong máu, vitamin A dưới dạng retinol sẽ chuyển thành retinal. Trong bóng tối, retinal kết hợp với opsin (là một protein) để cho rhodopsin - là sắc tố nhạy cảm với ánh sáng ở võng mạc mắt, giúp võng mạc nhận được các hình ảnh trong điều kiện thiếu ánh sáng.

Tuy nhiên, cần lưu ý là tình trạng thừa vitamin A có thể gây nên một số tác hại cho sức khỏe, đặc biệt là với trẻ em. Ở liều dùng > 300.000UI/ngày, có thể khiến xảy ra tình trạng biểu hiện hoa mắt chóng mặt, buồn nôn, nôn, kích thích, tiêuchảy, co giật, mê sảng ở trẻ em. Với liều > 100.000UI/ngày trong 10 - 15 ngày, có thể khiến cơ thể trẻ mệt mỏi, kích thích, rối loạn tiêu hóa, gan to, lách to, da đổi màu, nứt nẻ, rụng tóc chảy máu, tăng calci, phù nề. Đáng lưu tâm nhất là khả năng gây ngộ độc cho gan. Uống vitamin A quá nhiều là nguyên nhân gây ngộ độc gan, phụ thuộc vào liều lượng có thể đưa đến xơ gan. Uống thường xuyên liều lớn vitamin A (> 25.000 đơn vị/ngày) có thể gây ngộ độc mạn tính và tổn thương gan.

Bởi vậy, cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng khi lựa chọn các sản phẩm TPCN bổ sung vitamin A cho trẻ em.

(Theo Trung tâm Tư vấn Sức khỏe Cộng đồng)

thuychi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ