Độc đáo... chao

Ảnh minh họa: internet

Ở Việt Nam chao có hai loại chính: chao nước và chao khô. Chao nước khá phổ biến, được bán khắp mọi nơi, trong khi chao khô thường được làm tại những ngôi chùa ở Huế nên còn được gọi là “chao chùa”. Đặc biệt, chao gần như khá xa lạ với người miền Bắc.

Để làm được hũ chao thơm lừng, hấp dẫn đòi hỏi không ít kinh nghiệm và công phu. Đậu hủ trắng trụng sơ qua với nước muối rồi để ra rổ cho ráo nước (đậu phải ép cho hết nước nếu không sẽ bị hỏng), phía trên rổ đậy một lớp vải thưa, đem phơi nắng khoảng vài ngày để đậu lên meo, đem vào cắt khối vuông. Nấu nước muối có pha thêm chút đường cho dịu, ít ớt băm nếu ăn cay, chờ nguội đổ vào keo với ít rượu, tiếp tục phơi nắng vài ngày nữa là ăn được.

Còn kiểu chao khô thì không nấu nước muối mà lăn miếng đậu đã cắt qua muối tiêu rang cho đều, xếp vào keo, đổ rượu xăm xắp mặt đậu. Kiểu chao khô này phải phơi nắng lâu hơn, trên 20 ngày mới dùng được, mùi vị chao nồng hơn nhưng miếng chao cũng ngậy hơn. Muốn chao ngon hơn phải để lâu, mùi vị chao lúc đó mới dịu đi và độ mặn mòi mới thấm vào từng miếng chao. Ngoài hai kiểu chao này còn có loại chao đỏ, vốn là kiểu chao của người Hoa, được ướp với rượu vang đỏ, dùng làm gia vị cho nhiều món ăn hấp dẫn.

Kiểu ăn chao trắng đơn giản nhất là gắp ra vài miếng cho vào chén, thêm ít nước chao rồi cho đường vào khuấy tan, vắt miếng chanh tươi lên khuấy đều rồi giằm thêm ớt, dùng làm nước chấm các món rau đậu luộc, hay chấm với đậu hủ chiên, dưa leo cà chua. Ngoài ra, còn có rau muống xào chao, cải rổ xào chao, măng tây xào chao, ăn hoài không chán.

Chao trắng còn là “cặp bài trùng” với món thịt dê. Dê nướng, dê hấp, dê tái chanh, dê xào sa tế, lẩu dê… Vị béo ngậy của chao chỉ cần bám vừa đủ vào miếng thịt dê, không mặn không nhạt, cứ thế cái vị ngọt thấm đẫm đầu lưỡi làm mê hoặc biết bao nhiêu thực khách. Không chỉ dùng làm nước chấm, chao còn được ướp với thịt gà, hải sản đem chiên, nướng, hấp hoặc kho, làm nước xốt để ăn với cơm trắng cũng rất “bắt”: cồi sò điệp nướng chao, gà hấp chao, cá xốt chao, đậu hủ nhồi tôm thịt xốt chao, gà kho chao, cánh gà chiên chao… món nào ăn riết cũng ghiền nhờ vào mùi nồng đặc trưng của chao.

Để tăng thêm sắc màu cho món ăn, người ta thường dùng chao đỏ. Màu đỏ của chao quyện lẫn trong thịt cứ nhìn là đã kích thích sự thèm ăn. Kể cũng lạ, trong rất nhiều món ăn dùng chao đỏ, đều phải pha trộn thêm chao trắng mới đặc sắc, có lẽ chao đỏ không béo ngậy như chao trắng, hay do người ta đã quen thuộc với hương vị của chao trắng từ bao đời nay. Vịt nấu chao là một trong những món như vậy. Về miền Tây, nếu chưa thưởng thức món vịt nấu chao là vô cùng đáng tiếc.

Chao không chỉ là gia vị mà còn giúp khử mùi của vịt, quả là cách phối hợp tuyệt vời. Vịt ướp với gia vị và chao trắng, chao đỏ để thấm xào săn, châm thêm nước dừa, nấu đến mềm và phải thêm khoai môn cho đủ vị. Khi ăn đặt lên bếp giữ nóng, dọn ra như ăn lẩu, cũng bún cũng rau cải, thêm nấm, tàu hủ ky chiên, vừa ăn vừa nhúng mới tận hưởng hết cái thú ẩm thực. Thỏ nấu chao đỏ, đùi vịt nướng chao đỏ, khoai môn xào chao đỏ, cà tím um chao đỏ… món nào cũng thơm ngon, ăn rồi cứ mãivấn vương.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp