Dự đoán 9 xu hướng dinh dưỡng, thực phẩm chức năng cho năm 2022

Người tiêu dùng đang chú trọng hơn tới việc kéo dài khoảng thời gian sống khỏe

Xu hướng mới giúp giảm đau lưng bằng thảo dược

6 xu hướng nổi bật trong ngành thực phẩm chức năng năm 2021

5 xu hướng thực phẩm chức năng hứa hẹn đi đầu trong năm 2021

Kỹ thuật số: Xu hướng tất yếu của ngành y tế

Nhóm chuyên gia dinh dưỡng từ công ty Natural Grocers (Mỹ) đã hợp tác với nhóm phân tích thị trường, cùng nghiên cứu sở thích mua sắm của người tiêu dùng, xem xét các nghiên cứu mới nhất cũng như đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 tới cộng đồng để dự đoán xu hướng thực phẩm chức năng (TPCN) cho năm 2022, những thay đổi của ngành dinh dưỡng, TPCN trong thời gian tới.

“Nhìn lại thêm một năm chung sống với đại dịch, chúng tôi chắc chắn đa số mọi người đều đã cảm nhận được những ảnh hưởng rõ ràng, cũng như ảnh hưởng tiềm ẩn từ đại dịch. Không thể phủ nhận rằng mọi người đang có xu hướng thay đổi cách tiếp cận với tình trạng sức khỏe của chính mình”, ThS. Shelby Miller từ công ty Natural Grocers cho biết.

“Mọi người có xu hướng xem xét kỹ các lựa chọn hàng ngày ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe về lâu dài. Đây cũng là hướng đi chính trong xu hướng dinh dưỡng, TPCN trong năm tới”.

Dưới đây là dự đoán 9 xu hướng dinh dưỡng, TPCN nổi bật trong năm 2022:

Từ kéo dài tuổi thọ tới kéo dài khoảng thời gian sống khỏe

Dường như đa số mọi người đều muốn sống lâu, sống thọ, nhưng đã bao giờ bạn nghĩ tới việc tập trung vào kéo dài khoảng thời gian sống một cuộc sống khỏe mạnh, không bệnh tật? Nhiều người thường tập trung vào việc kéo dài tuổi thọ, mà quên đi việc cần ưu tiên có những năm tháng sống khỏe mạnh hơn.

Do đó, trong năm 2022, các chuyên gia dự đoán người tiêu dùng sẽ không chỉ tập trung vào việc họ có thể sống được bao lâu, mà còn chú ý tới việc họ có thể sống khỏe mạnh như thế nào trong những năm tháng đó.

Người tiêu dùng đang rất quan tâm tới việc làm sao để sống một cách khỏe mạnh

Người tiêu dùng đang rất quan tâm tới việc làm sao để sống một cách khỏe mạnh

Nói cách khác, không chỉ những người trong độ tuổi trung niên, người cao tuổi mới cần chú ý tới việc hỗ trợ sức khỏe bằng chế độ ăn uống, lối sống, các thực phẩm bổ sung. Bạn cần chú ý tới sức khỏe của mình trong suốt cả cuộc đời, thay vì chờ tới khi các vấn đề sức khỏe dần dần phát sinh.

Mọi người có thể duy trì sức khỏe tốt trong mọi lứa tuổi, bằng cách cải thiện tình trạng viêm trong cơ thể, cân bằng lượng đường huyết, giảm các gốc tự do, tăng cường miễn dịch, duy trì sức khỏe của lá gan…

Năm 2022 sẽ chứng kiến việc tăng cao nhận thức của người dân về sức khỏe, cũng như nhu cầu bổ sung dưỡng chất như các loại vitamin (như các vitamin nhóm B, vitamin C, D, E), magne, lecithin, lutein… ngày càng cao.

Tăng cường miễn dịch trở thành một thói quen không thể thiếu

Với ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, không có gì khó hiểu khi vấn đề về tăng cường miễn dịch luôn xuất hiện trong danh sách xu hướng TPCN 2 năm trở lại đây. Mọi người đều biết ốm đau là điều không thể tránh khỏi, nhưng việc nuôi dưỡng hệ miễn dịch mỗi ngày (ngay cả khi bạn khỏe mạnh) có thể giúp cơ thể sẵn sàng đối phó với các mầm bệnh, giúp bạn giảm thiểu triệu chứng, rút ngắn thời gian đau ốm nếu không may mắc bệnh.

Trong năm 2022, bạn cần tiếp tục bổ sung dưỡng chất (như vitamin C, vitamin D, K và quercetin) để hệ miễn dịch có thể hoạt động tối ưu mỗi ngày. Ngoài ra, để tăng cường miễn dịch, cải thiện sức khỏe tổng thể, bạn cũng cần chú ý cải thiện chế độ ăn uống thường ngày (ví dụ như hạn chế đường, đồ ngọt) và vận động thể chất đều đặn hơn.

Thông qua đại dịch, mọi người cũng đã nhận thấy mối nguy của các bệnh nền tới sức khỏe. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, người mắc các bệnh về gan, bệnh tim mạch, đái tháo đường, hội chứng chuyển hóa… thường có tiên lượng kém hơn nếu không may mắc COVID-19.

Tăng cường miễn dịch là ưu tiên hàng đầu trong đại dịch COVID-19

Tăng cường miễn dịch là ưu tiên hàng đầu trong đại dịch COVID-19

Đây là lý do tại sao trong năm 2022, các chuyên gia khuyên mọi người đều nên chú trọng tới việc tăng cường miễn dịch, đồng thời chú ý hơn tới việc duy trì lối sống lành mạnh để ngăn ngừa, giảm thiệu các bệnh nền.

Chú ý hơn tới sức khỏe của thú cưng

Nhu cầu sở hữu các bé thú cưng có xu hướng tăng vọt trong thời kỳ đại dịch. Do đó, bên cạnh việc chú ý hơn tới sức khỏe của bản thân, những người chủ cũng ngày càng có tiêu chuẩn cao hơn khi mua sắm cho những người bạn đặc biệt của mình.

Các chuyên gia nhận thấy nhu cầu về thức ăn hữu cơ cho vật nuôi đang ngày càng có xu hướng tăng lên. Nhiều người chủ cũng tìm kiếm các loại thức ăn không chứa các chất gây dị ứng phổ biến (như ngô, đậu nành, lúa mì) cho thú cưng. Số người tìm mua các sản phẩm TPCN giúp giảm lo lắng, cải thiện tiêu hóa, cải thiện sức khỏe xương khớp… cho thú cưng cũng ngày càng tăng.

Bổ sung dinh dưỡng để chống lại tình trạng ô nhiễm

Các chuyên gia ước tính rằng, tình trạng ô nhiễm không khí có thể dẫn tới ít nhất 7 triệu ca tử vong trên toàn thế giới mỗi năm. Ô nhiễm không khí có liên quan tới bệnh hen suyễn, rối loạn chức năng phổi, tổn thương thần kinh, bệnh tim, ung thư và tử vong do mọi nguyên nhân, làm giảm đáng kể khoảng thời gian sống khỏe của mỗi người.

Giờ đây, mọi người đã dần hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ mình trước các tác động tiêu cực của ô nhiễm không khí. Các chuyên gia dự đoán trong năm 2022, người tiêu dùng sẽ có xu hướng ưu tiên lựa chọn các thực phẩm có thể giảm thiểu ô nhiễm từ các nguồn sản xuất nông nghiệp, cũng như ưu tiên việc bổ sung các dưỡng chất giúp chống lại ô nhiễm như acid béo omega-3, các vitamin nhóm B, vitamin C, E, sulfurophane.

Ăn vặt lành mạnh

Người tiêu dùng đang có xu hướng lựa chọn các món ăn vặt lành mạnh hơn

Người tiêu dùng đang có xu hướng lựa chọn các món ăn vặt lành mạnh hơn

Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi nhiều thói quen ăn vặt. Theo đó, doanh số bán các loại đồ ăn nhẹ, bánh quy và kem “tăng vọt” khi nhiều người tìm tới các loại thực phẩm này để tìm cảm giác thoải mái, giải tỏa căng thẳng. Tuy nhiên, người tiêu dùng đã có ý thức bảo vệ sức khỏe hơn khi chủ động tìm kiếm các món ăn vặt nhưng vẫn lành mạnh, tốt cho sức khỏe.

Các nhà khoa học dự đoán một số món ăn nhẹ lành mạnh có thể kể tới như olive, bắp rang bơ, phô mai lát, các loại hạt, trái cây sấy khô, trái cây đông lạnh ăn kèm nước cốt dừa…

Chống lại tình trạng căng thẳng, kiệt sức do đại dịch

Khi đại dịch COVID-19 vẫn còn tiếp tục kéo dài, ngày càng nhiều người phải tìm cách chống chọi với tình trạng mệt mỏi, cảm xúc căng thẳng trong cuộc sống. Tuy nhiên, nếu không thể trốn chạy khỏi những điều khiến mình thấy căng thẳng, có lẽ bạn nên tìm cách cải thiện tình trạng này, giúp mình có đủ khả năng đối phó với chúng.

Các tác nhân gây căng thẳng mạn tính có thể ảnh hưởng tới tâm trạng và cảm xúc, dẫn đến cảm giác kiệt sức, cáu kỉnh, hoài nghi. Để chống lại tình trạng căng thẳng, cải thiện sức khỏe tinh thần, các chuyên gia dự đoán nhu cầu dùng các thực phẩm bổ sung sẽ ngày càng tăng cao. Theo đó, các thực phẩm adaptogen như cây rễ vàng (Rhodiola rosea), nấm đông trùng hạ thảo, các dưỡng chất như vitamin B1 và phosphatidyl serine có thể giúp chống lại ảnh hưởng của căng thẳng mạn tính.

Cái nhìn mới về quá trình trao đổi chất

Nhiều người cho rằng kể từ sau độ tuổi 20, quá trình trao đổi chất trong cơ thể sẽ dần suy giảm, kéo theo đó là việc khó duy trì cân nặng, dễ tăng cân hơn. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Science (Mỹ) đã chỉ ra rằng tỷ lệ trao đổi chất không suy giảm sớm như nhiều người vẫn nghĩ.

 

Theo đó, quá trình trao đổi chất có xu hướng khá ổn định trong độ tuổi từ 20 - 50 và chỉ suy giảm dần khi bắt đầu bước vào độ tuổi từ 60 - 70. Điều này có nghĩa là bạn vẫn có thể làm nhiều điều để kiểm soát quá trình trao đổi chất.

Các nhà khoa học dự đoán, năm 2022 sẽ chứng kiến nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm, các thói quen sống giúp duy trì quá trình trao đổi chất bằng cách duy trì khối lượng cơ, hỗ trợ sức khỏe ty thể. Các chất bổ sung như chuỗi 3 acid amin thiết yếu (BCAAs), acetyl-L-carnitine, CoQ10 và acid alpha lipoic (ALA) sẽ ngày càng trở nên phổ biến hơn.

Các loại gia vị, thảo mộc tốt cho sức khỏe

Không chỉ chú ý tới việc mang lại hương vị thơm ngon cho món ăn, giờ người tiêu dùng còn coi trọng việc sử dụng các loại gia vị, thảo mộc tốt cho sức khỏe, giúp tăng giá trị dinh dưỡng cho thực phẩm.

Trong năm 2022, các chuyên gia dự đoán những nguyên liệu như quế, nghệ, gừng, húng quế, húng tây, cây xô thơm và hương thảo sẽ chiếm vị trí trung tâm trong nhà bếp vì chúng có nhiều đặc tính giúp hỗ trợ sức khỏe tổng thể.

Người tiêu dùng TPCN vẫn có xu hướng tin tưởng các doanh nghiệp truyền thống

Đối với các sản phẩm TPCN, nhiều người tiêu dùng muốn trải nghiệm mua sắm của mình có tính xác thực cao, ví dụ như doanh nghiệp phải cung cấp được đội ngũ nhân viên có hiểu biết, cung cấp được cho người tiêu dùng trải nghiệm mua sắm thực tế, nơi họ có thể xây dựng mối quan hệ với doanh nghiệp và từ đó tin tưởng hơn vào chất lượng của sản phẩm.

Hơn bao giờ hết, người tiêu dùng đang có xu hướng tìm kiếm các sản phẩm TPCN từ các nhà sản xuất và nhà bán lẻ đáng tin cậy. Họ có xu hướng tìm tới các doanh nghiệp truyền thống bán sản phẩm và dịch vụ trực tiếp cho khách hàng, có sự hiện diện thực tế dưới dạng mặt tiền cửa hàng, nhà kho, nhà máy...

Mô hình kinh doanh này cho phép người tiêu dùng có thể nghiên cứu sản phẩm kỹ lưỡng, từ đó sàng lọc được các sản phẩm có chất lượng kém/không an toàn, tránh được các rủi ro khi mua sắm trực tuyến (online).

Vi Bùi (Theo Prnewswire)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Kinh doanh - Tiêu dùng