- Chuyên đề:
- Thoái hóa điểm vàng, đục thủy tinh thể
Đục thủy tinh thể là bệnh gây mù lòa hàng đầu
Chữa đục thuỷ tinh thể bằng thuốc… nhỏ mắt
Những lưu ý khi phẫu thuật thay thủy tinh thể
Khi nào cần phẫu thuật đục thuỷ tinh thể?
Ngừa đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng bằng thực phẩm
Nhận biết sớm đục thủy tinh thể
Đục thủy tinh thể là hiện tượng mờ đục thủy tinh thể. Sự mờ đục này ngăn không cho tia sáng lọt qua, kết quả là võng mạc không thu được hình ảnh, kéo theo là thị lực của người bệnh suy giảm.
Có triệu chứng mắt nhìn mờ và quáng gà, ông H. (Mê Linh, Hà Nội) chỉ nghĩ đơn giản là tuổi già thì mắt kém đi. Ông không hề nghĩ đến việc đi khám mắt. Mãi đến lúc con trai ông phát hiện mắt cha mình càng ngày nhìn càng kém mới vội vã đưa ông đến Bệnh viện Mắt Trung ương khám bệnh. Lúc này, ông H mới biết mình bị đục thủy tinh thể. Căn bệnh của ông nếu không nếu không được điều trị kịp thời thì khả năng mù lòa là rất cao.
Không được may mắn như ông H, bà Q. đến Bệnh viện Mắt Trung ương khám khi mắt gần như không nhìn thấy gì. Tuy nhiên tình trạng mắt mờ của bà Q. Đã kéo dài gần 3 năm nên có thể bà sẽ phải đối mặt với việc sống trong bóng tối suốt phần đời còn lại.
Bệnh đục thủy tinh thể ở mỗi giai đoạn có những dấu hiệu khác nhau. Trong giai đoạn sớm người bệnh thường có những dấu hiệu như: Cảm thấy mắt mờ, thị lực vẫn không cải thiện dù đã thay kính. Đặc điểm của triệu chứng nhìn mờ do đục thủy tinh thể là mức độ nhìn mờ tăng dần, không kèm theo đau nhức mắt hay đỏ mắt. Ngoài nhìn mờ, những người bị đục thủy tinh thể thường bị chói mắt khi nhìn đèn ô tô vào ban đêm, nhìn một vật thành hai hoặc ba.
Điều trị đục thủy tinh thể
Trong giai đoạn sớm, khi sự sụt giảm thị lực chưa ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống thì người bệnh có thể đeo kính râm khi ra ngoài trời nắng, hoặc thay đổi độ kính. Nhưng các biện pháp trên chỉ là tạm thời. Khi mắt mờ nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống thì cần phải phẫu thuật thay thủy tinh thể. Phẫu thuật đục thủy tinh thể được thực hiện khi thị lực giảm, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
Kỹ thuật tiến bộ nhất là phẫu thuật phaco (kỹ thuật nhũ tương hóa thủy tinh thể bằng máy, sau đó hút ra và thay thế thủy tinh thể nhân tạo). Khi sử dụng phương pháp này, thị lực người bệnh phục hồi tốt trong thời gian ngắn, mắt trở nên sáng và bệnh nhân không cần đeo kính độ cao trên 10D như phương pháp mổ lấy thủy tinh thể thông thường trước đây.
Phòng ngừa bệnh như thế nào?
Đối với những người chưa bị đục thủy tinh thể, trước tiên nên quan tâm đến chế độ dinh dưỡng vì nó liên quan mật thiết đến sự hình thành bệnh. Chế độ ăn giàu chất chống oxy hóa sẽ có tác dụng phòng ngừa bệnh đục thủy tinh thể. Cụ thể, nên ăn thức ăn chứa nhiều vitamin A, E, C, B... Bên cạnh đó, cần ăn các thức ăn giàu calci như tôm, sò, ốc... Bỏ thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia.
Ngoài ra, những đối tượng có nguy cơ như người mắc bệnh đái tháo đường, rối loạn nước và điện giải, tăng cholesterol máu... nên kiểm tra sức khỏe để phát hiện sớm và điều trị các bệnh tránh gây biến chứng lên mắt.
Nên thường xuyên khám mắt định kỳ, đặc biệt là người cao tuổi khi thị lực càng ngày càng suy giảm. Với những người bị đục thủy tinh thể nên đi khám và được tư vấn tại cơ sở y tế có bác sỹ chuyên khoa mắt. Trước khi phẫu thuật, việc khám, đánh giá sức khỏe người bệnh, tình trạng mắt, mức độ, hình thái của đục thể thủy tinh và việc quyết định thời gian, phương pháp phẫu thuật phù hợp là rất quan trọng. Ngoài ra, khi chưa phẫu thuật, người bệnh nên hạn chế tham gia giao thông, vì thị lực kém rất nguy hiểm.
Ngoài ra, trước và sau khi phẫu thuật người bệnh cần nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Bệnh nhân bị đục thủy tinh thể có sử dụng thêm một số sản phẩm hỗ trợ để tăng cường thị lực cho mắt. Lưu ý, khi sử dụng bất cứ sản phẩm thực phẩm chức năng nào người bệnh cũng cần sự tư vấn của bác sỹ, chuyên gia.
Thùy Trang H+
Bình luận của bạn