Kính chống ánh sáng xanh được cho là bảo vệ mắt hiệu quả khỏi các ánh sáng nhân tạo phát ra từ màn hình TV, điện thoại thông minh, máy tính bảng, laptop...
Vệ sinh kính thuốc thế nào cho đúng?
Podcast: Ánh sáng xanh có phải nguyên nhân gây cận thị?
Ánh sáng xanh có đẩy nhanh quá trình lão hoá da?
3 thói quen bảo vệ mắt tốt hơn kính chống ánh sáng xanh
Theo đó, nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Cơ sở Dữ liệu Cochrane về các bài Đánh giá có hệ thống (Cochrane Database of Systematic Reviews) đã chỉ ra, mắt kính trên thị trường hiện nay có chức năng lọc ánh sáng xanh có thể không giúp giảm mỏi mắt hoặc cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Chia sẻ về vấn đề này, TS. Laura Downie - giảng viên chuyên khoa Mắt và Thị giác, Đại học Melbourne (Australia), cho biết, hiện các bằng chứng chưa rõ ràng về việc liệu kính lọc ánh sáng xanh có thực sự hiệu quả trong việc giảm mỏi mắt so với các loại kính thông thường hay không. Kết luận này được đưa ra sau khi xem xét kết quả từ 3 thử nghiệm lâm sàng tập trung vào tình trạng mỏi mắt, với thời gian nghiên cứu kéo dài từ 2 giờ đến 5 ngày. Điều này đặt ra câu hỏi về những lợi ích mà nhiều người vẫn tin tưởng ở công nghệ tròng kính này.
Trước đây, ánh sáng xanh từ màn hình máy tính thường được cho là nguyên nhân gây mỏi mắt. Tuy nhiên, TS. Downie khẳng định điều này vẫn còn gây tranh cãi. Bà giải thích rằng lượng ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị hiện đại nằm trong ngưỡng an toàn và không gây rủi ro đáng kể cho sức khỏe mắt. "Không có bằng chứng rõ ràng hay cơ chế sinh học thuyết phục nào cho thấy ánh sáng xanh có thể trực tiếp gây mỏi mắt," bà cho biết.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng không tìm thấy minh chứng chắc chắn về việc đeo kính lọc ánh sáng xanh trước khi ngủ có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ. Các tác động tiềm ẩn của kính lọc ánh sáng xanh đối với nhiều khía cạnh quan trọng của sức khỏe mắt và thị lực vẫn chưa được làm rõ, bao gồm:
- Độ nhạy tương phản: Khả năng nhận biết sự khác biệt về sắc thái và hoa văn.
- Phân biệt màu sắc: Khả năng phân biệt các màu khác nhau.
- Chói mắt khó chịu: Mức độ khó chịu của mắt khi tiếp xúc với ánh sáng mạnh.
- Sức khỏe điểm vàng: Tác động đến phần mắt chịu trách nhiệm cho thị lực trung tâm.
Nghiên cứu đã xem xét hơn 600 người tham gia với các quy mô và thời lượng nghiên cứu khác nhau. Tuy nhiên, các nhà khoa học nhấn mạnh rằng cần có thêm nhiều nghiên cứu với thời gian theo dõi dài hơn và trên các nhóm dân số đa dạng hơn để có cái nhìn toàn diện hơn.
Ánh sáng xanh ảnh hưởng đến thị lực và giấc ngủ như thế nào?
Ánh sáng xanh là một phần của quang phổ ánh sáng nhìn thấy được, nổi bật với bước sóng tương đối ngắn và năng lượng cao. Nguồn chính của loại ánh sáng này là mặt trời, mặc dù các thiết bị nhân tạo như bóng đèn LED và màn hình điện thoại, máy tính cũng phát ra ánh sáng xanh nhưng với cường độ thấp hơn nhiều.

Hiện nay "chức năng" chống ánh sáng xanh được tích hợp vào nhiều loại mắt kính.
Trong bối cảnh cuộc sống hiện đại, việc tiếp xúc thường xuyên với ánh sáng xanh nhân tạo đã làm dấy lên những lo ngại về tác động tiềm ẩn của nó đối với thị lực, đặc biệt là nguy cơ tổn thương võng mạc. Tuy nhiên, giới khoa học vẫn chưa đưa ra kết luận thống nhất về việc liệu ánh sáng xanh từ màn hình có thực sự gây hại cho võng mạc ở người hay không. Học viện Nhãn khoa Mỹ (The American Academy of Ophthalmology) khẳng định chưa có bằng chứng khoa học cho thấy ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử gây hại cho mắt. Ngược lại, Quỹ Thoái hóa điểm vàng Mỹ (The American Macular Degeneration Foundation) lại cho rằng cả tia UV và ánh sáng xanh đều có thể làm tổn thương võng mạc, tăng nguy cơ thoái hóa điểm vàng do tuổi tác.
Theo BS. Inna Lazar, nhà sáng lập Trung tâm Chăm sóc thị lực Greenwich Eye Care (Mỹ) lưu ý rằng những trường hợp tiếp xúc với ánh sáng xanh gây hại rõ rệt thường là do nhìn trực tiếp vào mặt trời hoặc các nguồn sáng cường độ cao mà không có biện pháp bảo vệ, khác biệt hoàn toàn so với việc sử dụng màn hình hàng ngày. Bà nhấn mạnh rằng việc nghỉ ngơi thường xuyên khi sử dụng màn hình có thể giúp giảm tình trạng khô mắt.
Bên cạnh đó, ánh sáng xanh còn có thể ảnh hưởng đến sự tỉnh táo, tâm trạng, quá trình sản xuất hormone và chu kỳ giấc ngủ. Tiếp xúc với ánh sáng xanh, đặc biệt là trước khi ngủ, có thể ức chế sản xuất horme melatonin, dẫn đến khó ngủ và giảm chất lượng giấc ngủ do làm chậm nhịp sinh học tự nhiên của cơ thể.
Mặc dù những tác động lâu dài của ánh sáng xanh đối với sức khỏe mắt vẫn đang được nghiên cứu, nhưng các bằng chứng hiện tại cho thấy việc sử dụng thiết bị kỹ thuật số thông thường không có khả năng gây ra tổn thương nghiêm trọng và không thể phục hồi cho mắt.
Cần làm gì để ngừa mỏi mắt?
Cũng theo BS. Lazar, việc sử dụng màn hình điện tử kéo dài có thể dẫn đến khô mắt do giảm tần suất chớp mắt. Để hạn chế tình trạng này, nên thường xuyên nghỉ giải lao, điều chỉnh độ sáng màn hình phù hợp với môi trường xung quanh, và đặt màn hình hơi thấp hơn tầm mắt. Đồng thời, nên sử dụng kính râm.
Về kính lọc ánh sáng xanh, BS. Lazar cho biết không nhất thiết phải vứt bỏ chúng nếu cảm thấy hữu ích hoặc đơn giản là thích đeo. Tuy nhiên khi thấy tình trạng mỏi mắt kéo dài, bạn nên đi khám hoặc tham khảo ý kiến của các chuyên gia nhãn khoa bởi đây có thể là dấu hiệu của các vấn đề thị lực.
Bình luận của bạn