Tiếp xúc với cún cưng từ sớm giúp giảm nguy cơ mắc bệnh Crohn

Thêm một lý do các gia đình nên cân nhắc cho trẻ tiếp xúc với chó

Khi thú cưng là vật lây nhiễm trung gian

Thú cưng cũng bị căng thẳng

Podcast: Nuôi thú cưng cần đề phòng nhiễm giun đũa chó mèo

Khoa học đã bắt đầu hướng đến chó, mèo như thế nào?

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sống chung với thú cưng đem lại ảnh hưởng tích cực với sức khỏe thể chất, kỹ năng xã hội và sự phát triển nhận thức của trẻ em. Nhưng ít ai ngờ, gia đình nuôi chó còn đem lại lợi ích với sức khỏe tiêu hóa của con.

Theo nghiên cứu trên tạp chí Tiêu hóa và Gan mật Lâm sàng (Clinical Gastroenterology and Hepatology), người sống trong các gia đình có nuôi chó từ năm 5 đến 15 tuổi có hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh hơn và có nguy cơ mắc bệnh Crohn thấp hơn.

Bệnh Crohn là bệnh viêm ruột mạn tính với triệu chứng đau bụng, đi phân lỏng, về lâu dài khiến người bệnh thiếu máu, gầy sút cân, mệt mỏi. Nguyên nhân gây bệnh chưa được xác định rõ ràng, nhưng có liên quan tới yếu tố di truyền, yếu tố môi trường, thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột, chế độ ăn uống kém lành mạnh, hút thuốc lá... Bệnh phổ biến nhất ở độ tuổi 15-30.

Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Viêm ruột, Bệnh viện Mount Sinai đã tìm hiểu các yếu tố về môi trường ảnh hưởng tới nguy cơ mắc bệnh Crohn. Dữ liệu được thu thập từ Dự án Gene, Môi trường và Vi sinh vật (GEM) trên hơn 5.000 người có cha mẹ, anh chị em mắc bệnh Crohn. Sau 15 năm theo dõi, có hơn 120 người trong số họ được chẩn đoán mắc bệnh Crohn.

Trẻ em sống trong gia đình nuôi chó có hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh hơn

Trẻ em sống trong gia đình nuôi chó có hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh hơn

Họ phát hiện ra rằng, trẻ sống trong gia đình đông người trong năm đầu đời, hoặc trong nhà có nuôi cún cưng sẽ ít mắc bệnh Crohn hơn.

Trái lại, trong suốt thời gian theo dõi, người nuôi chim cảnh lại dễ gặp bệnh viêm ruột mạn tính này. Các nhà khoa học chỉ phát hiện ra mối liên hệ mà chưa rõ cơ chế đằng sau.

Theo nhà nghiên cứu Kenneth Croitoru, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Viêm ruột Canada, bên cạnh ảnh hưởng của yếu tố di truyền, nguy cơ mắc bệnh Crohn chịu tác động lớn do yếu tố môi trường. Trong khi nguồn gene không thể thay đổi, chúng ta có thể điều chỉnh môi trường sống quanh mình và chế độ ăn uống để phòng ngừa căn bệnh này.

Thống kê tại Canada cho thấy, số trẻ dưới 10 tuổi mắc bệnh Crohn đã tăng gấp đôi so với năm 1995. Crohn cùng các bệnh viêm ruột khác gây ra gánh nặng bệnh tật lên tới 5,4 tỷ đô la mỗi năm cho quốc gia này.

Tại Việt Nam, bệnh Crohn đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Đặc biệt, theo báo cáo năm 2022 của Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh Crohn ảnh hưởng tới sự phát triển thể chất và sinh dục của trẻ. Căn bệnh này khiến trẻ đau bụng, đại tiện phân máu, mệt mỏi, chán ăn, hậu quả là bị suy dinh dưỡng, chậm dậy thì. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh còn gây tổn thương sâu ở ruột với biến chứng rất nặng nề: Thủng, hẹp ruột, rò ruột, áp xe…

 
Quỳnh Trang (Theo Medical Xpress)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ