Giải pháp nào để NVSCC ở Việt Nam hết là nỗi ám ảnh?

Làm thế nào để NVSCC ở Việt Nam được sạch, đẹp và thân thiện như các nước phát triển?

Điểm danh những nỗi sợ mang tên Nhà vệ sinh công cộng

Hiệp hội Nhà vệ sinh – Muộn còn hơn không

Nhiều cơ quan phản đối xây 1.000 nhà vệ sinh công cộng

Sử dụng nhà vệ sinh công cộng: Coi chừng mắc những bệnh này!

Nhiều năm qua, trong khi mải mê với phát triển chỗ ăn, chỗ ngủ, chỗ chơi, chỗ giải trí... thì hầu như chưa có một chiến dịch liên quan đến cải thiện, xây dựng nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) được triển khai. Tựu chung, để giải quyết vấn đề “công trình phụ” thì cần phải “gỡ” được các vướng mắc đang tồn đọng, gồm: số lượng, chất lượng, quản lý và các mối lo về nguy cơ sức khỏe của NVSCC. Rất nhiều giải pháp đã được Hiệp hội Nhà Vệ sinh Việt Nam cùng các Cấp, Ban, Ngành, Chính quyền địa phương và thậm chí hàng thập niên trước Chính phủ đã có chủ trương cải thiện "công trình phụ" để phát triển du lịch. Tuy nhiên, đến nay các giải pháp vẫn chỉ trên giấy tờ, chưa chính thức đưa vào thực hiện.

Sự thiết yếu, tầm quan trọng của hệ thống nhà vệ sinh công cộng có lẽ không cần nói nhiều. Những giải pháp chính, mang tính cấp bách và có thể coi là cuộc “cách mạng NVSCC” ở nước ta gồm:

1. Nâng cao ý thức, thay đổi tư duy người dân

Đây là 1 trong những vấn đề cần cải thiện đầu tiên và cần làm triệt để! Bởi thực tế là phần lớn người dân Việt Nam chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, ý thức sử dụng NVSCC rất kém. Việc ý thức kém khiến cho chất lượng các điểm “công trình phụ” công cộng nhanh chóng xuống cấp, mất vệ sinh và thậm chí sử dụng sai mục đích, công năng. Điều này cũng gây khó khăn trong việc quản lý và vận hành!

Cũng theo ông Lê Văn Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam, việc thay đổi tư duy nhận thức của cộng đồng đổi với NVSCC là hết sức quan trọng. Theo KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội, các địa phương phải có ngân sách và trách nhiệm xây dựng ý thức vệ sinh công cộng của cư dân. Cần có giải pháp thích hợp giải quyết về mặt kinh tế kỹ thuật cũng như pháp lý - chuẩn mực xã hội. Như Singapore tạo dựng kỷ luật xã hội bắt đầu từ việc phạt nặng những người làm mất vệ sinh công cộng, nhờ đó mới có được 1 đất nước Singapore nổi tiếng sạch sẽ trong cảm nhận chung của du khách. Đây chính là bài học thực tiễn và là tấm gương đi trước rất đáng để Việt Nam chúng ta học hỏi.

Biển thường thấy trong các NVSCC để nhắc nhở ý thức người sử dụng

Biển thường thấy trong các NVSCC để nhắc nhở ý thức người sử dụng

2. Cải thiện chất lượng & tăng số lượng NVSCC

Trong bài phân tích trước đây, chúng ta đều nhận thấy tình trạng thiếu số lượng và chất lượng kém (thậm chí nhiều nơi còn rất tệ) của NVSCC là không thể chối cãi và cần được cải thiện. Đây là vấn đề liên quan đến kính phí và quỹ đất (vị trí đặt thêm các NVSCC).

Về vấn đề kinh phí, nhiều giải pháp đã được các bên đưa ra là ngoài sử dụng nguồn lực ngân sách Nhà nước, cần ưu tiên nguồn lực xã hội hóa, vận động kinh phí từ các nhà đầu tư, doanh nghiệp cùng chung tay với chính quyền.

Việc xây dựng bổ sung NVSCC cũng cần tính toán kỹ về vị trí, thiết kế cũng như cách vận hành để vừa đảm bảo vệ sinh chung, vừa không ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Đặc biệt, việc xây NVSCC tại các điểm du lịch, công viên… tuy cần thiết nhưng cần có quy hoạch để tránh xây dựng tràn lan gây lãng phí. Một giải pháp được coi là tối ưu được đưa ra là tăng cường vận động, khuyến khích các siêu thị, TTTM, cửa hàng tiện lợi, cây xăng… xây dựng NVS sạch đẹp và cho phép người dân cũng như du khách được sử dụng. Điều này vừa giúp tăng số lượng NVS, vừa tiết kiệm được quỹ đất xây dựng mà vẫn đảm bảo đôi bên cùng có lợi. Bởi nếu tính về mặt kinh tế, các cửa hàng tiện ích, siêu thị, cây xăng… cũng có khả năng tăng doanh thu nhờ lượng người dân đến sử dụng NVS tại đó.

Trong năm 2023 này, Hiệp hội NVS Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với một số bộ, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trong nước và quốc tế, UBND các tỉnh, thành phố vận động các nguồn lực trong nước và quốc tế tài trợ cho các hoạt động nâng cấp, cải thiện chất lượng các NVSCC trên cả nước.

NVSCC sạch đẹp để sử dụng là nhu cầu chính đáng của người dân lẫn du khách

NVSCC sạch đẹp để sử dụng là nhu cầu chính đáng của người dân lẫn du khách

3. Tăng cường năng lực quản lý và vận hành

Ngoài quy hoạch, các cấp chính quyền cần tính toán vấn đề quản trị cho NVSCC tại địa phương để đưa ra mô hình hoặc quy chuẩn việc quản lý và vận hành chuẩn nhằm ngăn chặn các tình trạng tồn đọng liên quan đến quản lý và vận hành NVSCC. Trong đó, bao gồm các vấn đề như có NVS nhưng không đảm bảo việc lau dọn sạch sẽ gây mất vệ sinh, nhiều nơi đóng cửa không sử dụng được hoặc NVS được sử dụng sai công năng (thành nơi bán hàng, tụ điểm hút chích,…).

Ông Lê Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng kinh tế TPHCM – cũng đồng tình với việc cần có bộ quy chuẩn cho NVSCC. Theo ông, cần giao Sở Xây dựng hoặc Sở Quy hoạch và Kiến trúc đưa ra bộ quy chuẩn NVSCC, như diện tích tối thiểu, điện nước thế nào, mật độ bảng quảng cáo ra sao để các doanh nghiệp tài trợ không lúng túng. Trong Bộ quy chuẩn này, cũng cần có hướng dẫn về việc xây dựng chi phí vận hành để đảm bảo thu hút được các doanh nghiệp, các tài trợ dựa trên mô hình hợp tác công – tư.

Trước đây, Hiệp hội NVS Việt Nam đã đề xuất Chính phủ tập trung nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các thành tựu khoa học và công nghệ trong đầu tư, vận hành các NVSCC ở đô thị theo hướng tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm, bảo đảm mỹ quan, sinh thái. Muốn vậy, phải rà soát, cập nhật các mô hình và công nghệ NVSCC phù hợp với điều kiện của địa phương và phù hợp với tiêu chuẩn ASEAN, hội nhập quốc tế; tăng cường chuyển đổi số trong quản lý và vận hành NVSCC; nghiên cứu các mô hình NVSCC đa chức năng, thân thiện, sạch đẹp.

Vừa qua, Sở Du lịch TP.HCM đã nêu ra các giải pháp cải thiện NVSCC. Theo đó, bên cạnh đề xuất chủ trương chỉnh trang, cải tạo, sửa chữa và nâng cấp 1 số NVS tại các điểm du lịch trên địa bàn, Sở Du lịch sẽ thường xuyên tổ chức lớp tập huấn, đào tạo nghiệp vụ về "Bộ tiêu chuẩn nhà vệ sinh công cộng của ASEAN" dành cho cấp quản lý các khu, điểm du lịch trên địa bàn TPHCM. Từ đó, có thể thấy tầm quan trọng của việc tăng cường năng lực quản lý và vận hành trong giải quyết “bài toán” NVSCC hiện nay. 

Hình ảnh 1 NVSCC sạch đẹp, thân thiện sẽ tạo thiện cảm với du khách

Hình ảnh 1 NVSCC sạch đẹp, thân thiện sẽ tạo thiện cảm với du khách

Tin chắc rằng, khi 3 "bài toán" khó kể trên được tháo gỡ, NVSCC sẽ không còn là nỗi ám ảnh trong lòng người dân cũng như du khách đến với Việt Nam, tạo điều kiện cho du lịch - ngành công nghiệp không khói - của nước ta phát triển!

 
Phiêu Link (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Phòng bệnh chủ động