Hạt vi nhựa: “Sát thủ thầm lặng” tác động đến quá trình đông máu

Hạt vi nhựa ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình đông máu

Kết quả giám định polymer trong thạch dừa

Thay đổi nhỏ giúp giảm nguy cơ tiếp xúc với vi nhựa

Hóa chất vĩnh cửu (PFAS) và nỗi lo tới sức khỏe, môi trường

Hóa chất vĩnh cửu & câu chuyện của một trang trại gia đình

Nghiên cứu được thực hiện trên 36 người trưởng thành khỏe mạnh tại Hàn Quốc, từ 20 đến 60 tuổi (độ tuổi trung bình là 41), trong đó có 72% là nữ. Những người tham gia hầu hết đều có trình độ đại học hoặc sau đại học và làm việc văn phòng, phần lớn không hoạt động thể chất, có sử dụng rượu bia, không hút thuốc; không có tiền sử rối loạn tâm thần, ung thư hoặc bệnh gan. Mục tiêu của nghiên cứu là xác định sự hiện diện của hạt vi nhựa trong máu và mối liên hệ tiềm tàng với các chỉ số đông máu và các yếu tố sức khỏe khác.

Các thông tin về nhân khẩu học và các yếu tố lối sống liên quan đến nhựa, như hoạt động thể chất, tiêu thụ hải sản và tần suất sử dụng hộp nhựa đựng thực phẩm được thu thập qua bảng câu hỏi. Máu của các tình nguyện viên được phân tích để xác định hàm lượng hạt vi nhựa và các dấu hiệu viêm, đông máu như fibrinogen, thời gian prothrombin, và protein C-reactive.

Sau khi loại trừ các yếu tố khác như lối sống, tuổi tác và giới tính, các nhà nghiên cứu đã sử dụng phân tích thống kê để tìm hiểu mối quan hệ giữa hạt vi nhựa và các dấu hiệu đông máu. Kết quả cho thấy hạt vi nhựa xuất hiện trong máu của 32 mẫu xét nghiệm, với nồng độ trung bình 4,2 hạt/ml, kích thước phổ biến từ 20 đến 50 μm.

Nghiên cứu đã chỉ ra hạt vi nhựa ảnh hưởng đến quá trình đông máu qua các cơ chế:

- Gây viêm nhiễm: Hạt vi nhựa làm tăng các dấu hiệu viêm, góp phần hình thành mảng xơ vữa trong mạch máu, từ đó tăng nguy cơ cục máu đông.

- Tăng chỉ số đông máu: Nồng độ hạt vi nhựa cao trong máu có liên quan đến sự gia tăng các dấu hiệu đông máu như fibrinogen và protein C-reactive.

- Kích hoạt chuỗi đông máu: Các hạt polystyrene carboxyl hóa (cPS) có thể kích hoạt chuỗi phản ứng đông máu, làm tăng tốc độ hình thành fibrin và độ bền của cục máu đông.

Ngoài ra, hạt vi nhựa đã được tìm thấy trong các cục máu đông của bệnh nhân bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim và huyết khối tĩnh mạch sâu. Đáng chú ý, mức độ hạt vi nhựa trong cục máu đông có liên quan đến mức độ nghiêm trọng của bệnh đột quỵ.

 

Nhựa là polymer tổng hợp từ dầu mỏ, khí đốt hoặc than đá, được sử dụng rộng rãi nhờ giá thành rẻ, tính ổn định hóa học và dễ sản xuất. Sản lượng nhựa toàn cầu đã tăng từ 1,5 triệu tấn vào năm 1950 lên 390 triệu tấn vào năm 2021, với mức tiêu thụ tăng gấp 20 lần trong nửa thế kỷ qua.

Hạt vi nhựa là những hạt nhựa nhỏ được hình thành từ sự phân hủy của các sản phẩm nhựa lớn hoặc được sản xuất với kích thước nhỏ. Con người tiếp xúc với hạt vi nhựa qua hít thở, ăn uống và tiếp xúc da. Hạt vi nhựa xuất hiện trong thực phẩm, nước uống và các sản phẩm hàng ngày như túi trà, bao bì thực phẩm.

 
Đào Dung (Theo Time of India)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp