“Chuyển đổi số” & mục tiêu đặt ra cho báo chí

Chuyển đổi số đang là câu chuyện quốc gia, là định hướng phát triển đất nước và báo chí không nằm ngoài câu chuyện chuyển đổi số

Có những cách nào kiểm soát triệu chứng run do bệnh Parkinson?

5 thành phần cải thiện làn da không đều màu do tăng sắc tố

Tư thế giúp người bệnh COPD giảm khó thở

Tử vi thứ Ba (11/4/2023): Bọ Cạp có thể tỏ ra khá hòa đồng

“Chuyển đổi số” là một nội dung được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh và giao nhiệm vụ cho thanh niên tại phiên trọng thể Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, tháng 12/2022. Nhắc đến vai trò tiên phong, xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ, Tổng Bí thư gợi ý: "Thanh niên phải tiên phong trong lao động, sản xuất, sáng tạo, thực hiện chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo".

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, tronng cuộc làm việc với Ban Bí thư Trung ương Đoàn ở Hà Nội ngày 21/3, đánh giá cao việc T.Ư Đoàn lựa chọn chủ đề công tác năm 2023 và chủ đề Tháng Thanh niên gắn với “chuyển đổi số”. Ông coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, đáp ứng xu thế chung của thời đại, đưa nước ta hội nhập sâu rộng vào sự phát triển chung của thế giới; là hoạt động cụ thể hóa chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc và phiên họp lần thứ 5 của Ủy ban Quốc gia và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, ngày 25/2/2023, nhấn mạnh: Chuyển đổi số quốc gia và phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử là nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo động lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí, tăng năng suất lao động, mở ra không gian phát triển mới.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, trao đổi với các nhà báo tại Hội Báo Toàn quốc 2023 - tháng 3/2023, cho rằng sự bùng nổ của công nghệ thông tin, các nền tảng trực tuyến, mạng xã hội đang tạo ra sức ép cạnh tranh rất lớn đối với các cơ quan báo chí. Vì vậy, các cơ quan báo chí không thể đứng ngoài xu thế chuyển đổi số, hướng tới phương thức sản xuất, cung cấp thông tin đa phương tiện, đa nền tảng, đa thiết bị, đa dạng hóa thị trường và đa dạng hóa nguồn thu.

"Các cơ quan báo chí phải tập hợp thành một lực lượng thống nhất, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, đóng vai trò dòng chảy chính về thông tin, định hướng dư luận trên không gian mạng", Phó Thủ tướng bày tỏ. “Mỗi sản phẩm báo chí phải bảo đảm yếu tố thẩm mỹ, giáo dục, đề cao tính nhân văn, trở thành hình mẫu trong giao tiếp, ứng xử văn hóa trong cộng đồng, nhất là trên không gian mạng và môi trường số”, ông nói. Phó Thủ tướng mong muốn Hội Nhà báo Việt Nam phải tiên phong trong bồi dưỡng và xây dựng bản lĩnh chính trị cho các nhà báo, hội viên, đồng thời tạo lập không gian văn hóa trong hoạt động báo chí, từ đó giúp "chấn chỉnh" những "lệch chuẩn" về đạo đức nghề nghiệp, nhân lên những giá trị nhân văn trong hoạt động báo chí. "Hội cần có thêm nhiều hoạt động, nhiều đóng góp vào công cuộc hiện đại hóa báo chí, trước mắt là công cuộc chuyển đổi số, làm thế nào để chuyển đổi số báo chí thực sự "thấm" và tác động tích cực tới từng cơ quan báo chí, từng người làm báo".

1(1118)

Đến năm 2025, 70% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số

Thay mặt Thủ tướng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 6/4/2023 phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030’’. Chiến lược xác định các mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và những mục tiêu định hướng đến năm 2030, như sau:

Mục tiêu đến năm 2025:

- 70% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước).

- 50% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động.

- 80% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ, phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số.

- Các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 30% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%.

- 100% các cơ sở giáo dục đại học chuyên ngành báo chí hoặc có khoa báo chí cập nhật các kiến thức, kỹ năng tác nghiệp trong môi trường báo chí số trong chương trình đào tạo cho sinh viên.

- 100% lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số báo chí.

- 100% cơ quan báo chí điện tử có giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên.

- Hình thành và phát triển các nền tảng số quốc gia cho báo chí.

Mục tiêu đến năm 2030:

- 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước).

- 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động.

- 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số.

- Các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 50% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%.

Chiến lược nêu ra một số nhiệm vụ, giải pháp thực hiện nhằm đạt tới các mục tiêu trên. Trong đó có việc:

- Thúc đẩy hình thành và phát triển nền tảng phát thanh số (trực tuyến) và nền tảng truyền hình số (trực tuyến) quốc gia; nền tảng báo chí điện tử.

- Thúc đẩy phát triển nền tảng số cho các cơ quan báo chí thực hiện phân phối nội dung báo chí, chia sẻ dữ liệu báo chí;

- Hỗ trợ các cơ quan báo chí đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành tác nghiệp thông qua ứng dụng nền tảng quản lý tòa soạn điện tử tại các cơ quan báo chí;

- Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ trong chuyển đổi số lĩnh vực báo chí qua các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia.

Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực:

- Xây dựng và ban hành chuẩn chương trình đào tạo lĩnh vực báo chí và thông tin các trình độ của giáo dục đại học, đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số;

- Tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý thông tin, truyền thông, lãnh đạo các cơ quan báo chí về kỹ năng cơ bản, cần thiết cho chuyển đổi số báo chí.

Về tổ chức thực hiện Chiến lược, Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành, địa phương. Trong đó, yêu cầu các cơ quan chủ quản báo chí phê duyệt và chỉ đạo triển khai Kế hoạch chuyển đổi số của cơ quan báo chí trực thuộc. Tăng cường trách nhiệm cơ quan chủ quản báo chí trong tạo điều kiện về cơ sở vật chất, tài chính cho cơ quan báo chí triển khai chuyển đổi số. Nâng cao nhận thức, kiến thức cho đội ngũ lãnh đạo cơ quan báo chí, biên tập viên, phóng viên về chuyển đổi số.

 

Bộ Thông tin và Truyền thông, quản lý nhà nước lĩnh vực, cũng đã xác định những nhiệm vụ quan trọng của ngành trong năm 2023 này.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trong phát biểu giao ban quản lý nhà nước Quý I, ngày 7/4/2023 đã xác định rõ: Năm 2023 là năm đưa báo chí, xuất bản lên các nền tảng số. Là năm biến các cơ quan báo chí, nhà xuất bản thành các nền tảng số. Báo chí, xuất bản phải đa nền tảng, tức là đa hình tướng để thâm nhập nhiều đối tượng khán giả. Năm 2023 là năm thay đổi nhận thức của các cấp chính quyền về truyền thông. Truyền thông là một chức năng của chính quyền các cấp, không như trước đây coi truyền thông là việc của báo chí. Báo chí chỉ là một trong các phương tiện truyền thông. Bởi vậy, các bộ ngành, các địa phương phải có bộ máy chuyên trách, bố trí ngân sách hàng năm cho truyền thông, đặt hàng các cơ quan báo chí.

Năm 2023 là năm tập trung lành mạnh hoá báo chí, đây là bước phát triển báo chí sau giai đoạn sắp xếp. Những báo đài, tạp chí, trang tin tổng hợp sai phạm nghiêm trọng là phải xử lý nghiêm, sau đó là giám sát, nhắc nhở thường xuyên. Năm 2023 cũng là năm nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí, nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ quản báo chí và cơ quan báo chí.

Câu chuyện chuyển đổi số với báo chí để hướng tới nhiều mục tiêu, như xây dựng các cơ quan báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số. Thực hiện Chiến lược "Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030’’ đạt tới những mục tiêu đề ra là cơ hội lớn đồng thời cũng là thách thức không nhỏ đối với các cơ quan báo chí. 

Xem toàn văn Chiến lược TẠI ĐÂY

Diệu Vi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý