Khẩu phần ăn của trẻ em Việt Nam mất cân đối

Khẩu phần ăn thực tế của trẻ em 2-5 tuổi qua kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng (2009-2010) của Viện Dinh dưỡng cho thấy: Gạo là lương thực chính, được tiêu thụ bình quân 205 g/trẻ/ngày. Mức tiêu thụ gạo trung bình của trẻ ở nhóm tuổi 25-35 tháng là 183g/ngày, nhóm 36-59 tháng là 216g/ngày (hình 1). Các loại lương thực khác, khoai củ và bột mì được tiêu thụ hầu như không đáng kể.


Các loại đậu, đỗ là nguồn cung cấp protein thực vật được tiêu thụ ở mức 9,2 g/trẻ/ngày. Mức tiêu thụ trung bình về chất béo (Dầu và mỡ, nguồn cung cấp năng lượng quan trọng) trung bình dao động từ 0,7 - 1,6 g/trẻ/ngày, nhưng cao hơn rõ rệt ở các vùng đô thị. Các loại hạt có dầu như lạc, vừng được tiêu thụ hầu như không đáng kể (0,6 g/trẻ/ngày).

Tiêu thụ các thức ăn động vật như thịt, trứng, sữa đã tăng lên, trong đó, sữa được tiêu thụ nhiều nhất ở vùng Đông Nam bộ tính gồm cả thành phố Hồ Chí Minh (229 g/trẻ/ngày). Mức tiêu thụ sữa bột và phomát cũng cao nhất ở Đông nam bộ (25g/trẻ/ngày).

Các loại rau xanh và hoa quả chín được tiêu thụ ở mức trung bình thấp, là khoảng 50 g/trẻ/ngày, cao nhất ở Đồng bằng sông Hồng (61 g/trẻ/ngày) và Đông Nam Bộ (77g/trẻ/ngày). Các loại đậu đỗ, đậu hạt, đậu phụ, một nguồn chất đạm tốt, giá rẻ nhưng chưa được chú trọng đưa vào trong bữa ăn.

Năng lượng trung bình trong khẩu phần mới đạt 1.143 Kcal/trẻ/ngày, xấp xỉ so với nhu cầu khuyến nghị cho trẻ em ở lứa tuổi này (93-98%). Chất đạm tổng số trong khẩu phần 47 g/trẻ/ngày, trong đó đạm động vật chỉ được tiêu thụ ở mức 16,3 g/trẻ/ngày, tỷ lệ đạm động vật/tổng số còn quá thấp, 35%, chưa đạt nhu cầu khuyến nghị cho trẻ em ở lứa tuổi này (>50%).



Cơ cấu năng lượng P:L:G của trẻ em nhóm tuổi trung bình toàn quốc là 16:21:63. Năng lượng do chất béo cung cấp trung bình là 21% và chất đạm 16% đã đạt nhu cầu khuyến nghị (NCKN) về tính cân đối năng lượng trong khẩu phần. Tuy nhiên, khi xem xét mức đáp ứng nhu cầu về một số chất dinh dưỡng theo 2 nhóm tháng tuổi khác nhau cho thấy: khẩu phần của trẻ ở nhóm tuổi từ 24-35 tháng có mức đáp ứng nhu cầu khuyến nghị cao hơn so với khẩu phần của trẻ ở nhóm tuổi từ 36-59 tháng. Có thể khi trẻ ở độ tuổi lớn hơn thì sự quan tâm nuôi dưỡng của gia đình dành cho trẻ cũng ít hơn do hạn chế về thời gian, do quan niệm chưa đúng mức về sự chăm sóc cần thiết trong giai đoạn này, thậm chí có trẻ đã có em, … Và, sự thuyên giảm khả năng đáp ứng nhu cầu các chất dinh dưỡng chắc chắn sẽ làm cho tình trạng thiếu dinh dưỡng của trẻ tiếp tục duy trì ở mức cao sau 3 tuổi và ảnh hưởng tới tầm vóc của trẻ sau này.


Ảnh minh họa

Về một số chất khoáng và vi chất dinh dưỡng, mức tiêu thụ canxi trung bình cả nước là 501 mg/trẻ/ngày, nhưng ở các vùng núi phía Bắc (247 mg/trẻ/ngày), Tây Nguyên (387 mg/trẻ/ngày) và ven biển miền Trung (451 mg/trẻ/ngày), đồng bằng sông Hồng (460 mg/trẻ/ngày), tiêu thụ canxi chưa đạt nhu cầu. Tỷ lệ Ca/P là 0,73, cũng chưa đạt nhu cầu khuyến nghị. Đáng lưu ý là mức tiêu thụ sắt chỉ đạt 6,5 mg/trẻ/ngày. Với khẩu phần có trị sinh học trung bình, nên chỉ có khoảng 5-10% sắt được hấp thu, là mức quá thấp so với nhu cầu trẻ em ở lứa tuổi này. Có thể nhận thấy, riêng mức đáp ứng nhu cầu sắt của khẩu phần trẻ 24-35 tháng chỉ đạt 57% NCKN thấp hơn so với khẩu phần của trẻ 36-59 tháng (đạt 77% NCKN), trung bình ở trẻ 24-59 tháng tuổi chỉ ở mức 70%. Lượng vitamin A động vật trong khẩu phần trung bình là 252 mcg/trẻ/ngày, thấp nhất ở vùng núi phía Bắc (135 mcg/trẻ/ngày), Tây Nguyên (141 mcg/trẻ/ngày), Bắc và ven biển miền Trung (170 mcg/trẻ/ngày). Và, mức đáp ứng NCKN về vitamin A cũng chỉ là 65%. Vì vậy các giải pháp phòng chống thiếu máu và thiếu vitamin A ở trẻ em cần được quan tâm, đặc biệt chú ý đến đối tượng trẻ ở độ tuổi nhỏ hơn - nhóm tuổi có nguy cơ cao hơn. Các nghiên cứu vệ tinh gần đây của Viện Dinh dưỡng cũng cho thấy thiếu kẽm và vitamin D ở trẻ em dưới 5 tuổi rất phổ biến. Cùng với thiếu sắt, thiếu vitamin A và canxi, đây là những yếu tố quan trọng gây nên tình trạng chậm phát triển và bệnh tật ở trẻ em. Phân tích sâu hơn trên ba nhóm lựa chọn từ trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân, thấp còi và thừa cân béo phì trong bảng dưới đây cho thấy, sự thiếu hụt là khá trầm trọng đối với một số vi chất dinh dưỡng quan trọng như vitamin A, sắt, canxi (mức đáp ứng chỉ là 38% đối với vitamin A ở trẻ thấp còi và 73% đối với calci ở trẻ thể nhẹ cân).



Như vậy, sự tăng trưởng kinh tế rõ rệt đã dẫn đến những thay đổi lớn về khẩu phần ăn của người Việt Nam nói chung và trẻ em dưới 5 tuổi nói riêng. Cơ cấu khẩu phần ăn của trẻ em đã thay đổi cả về lượng và chất, có xu hướng tăng chất đạm và chất béo, giảm chất bột. Khẩu phần trẻ em khu vực nông thôn nhất là các vùng núi phía Bắc, Tây nguyên, ven biển miền trung chưa đảm bảo đa dạng, cân đối. Khẩu phần trẻ em thành phố có xu hướng tăng quá mức các loại thức ăn động vật, các thực phẩm chế biến sẵn giàu chất béo, các chất đường ngọt và nước uóng có ga. Tuy nhiên, khi nhu cầu về một số chất dinh dưỡng như chất đạm được thỏa mãn không có nghĩa là khẩu phần đã đủ về số lượng các chất dinh dưỡng khác và cân đối về chất lượng, đặc biệt là đối với các vi chất dinh dưỡng, khẩu phần ăn của trẻ em cả nước vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu khuyến nghị về một số vi chất quan trọng, đặc biệt là vitamin A, sắt, kẽm, canxi và vitamin D.

Thêm vào đó, thực hành cho trẻ 6-24 tháng tuổi ăn bổ sung còn rất nhiều điều đáng thảo luận. Theo PGS. TS. Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, chỉ có 82% trẻ được ăn đa dạng, 70,9% trẻ được ăn đủ bữa và đa dạng, trong khi gần 16% không được ăn đủ bữa, 28% không đủ năng lượng và 18% không được ăn thức ăn giàu sắt. Tính chung chỉ có khoảng 52% trẻ được ăn bổ sung hợp lý.

Trước tình hình đó, bên cạnh các giải pháp chiến lược của nhà nước trong chủ động phòng chống gánh nặng kép về SDD và cải thiện tầm vóc người Việt Nam như nâng cao hiểu biết và thực hành chăm sóc dinh dưỡng, …, việc tăng cường/bổ sung các vi chất dinh dưỡng cần thiết hiện đang thiếu hụt trong khẩu phần trẻ em vào các sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ nói chung và trẻ SDD nói riêng sẽ là những đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm cũng như các thành phần kinh tế tư nhân khác.

Dongoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp