Bệnh ho gà xuất hiện trở lại ở miền Bắc

Trẻ mắc bệnh ho gà thường ho gay gắt cả ngày và đêm

60 tỷ đồng giúp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

Vaccine DTaP: Miễn dịch bạch hầu, ho gà, uốn ván cho trẻ

Khuẩn ho gà đang biến thể nguy hiểm

WHO: Gần 56 nghìn ca sởi tại 75 quốc gia chỉ trong 3 tháng đầu năm

Bệnh “hiếm” trở lại

Hiện tại khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương đang điều trị cho 8 bệnh nhi có biểu hiện mắc bệnh ho gà.

Thời gian qua, tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã tiếp nhận một số ca trẻ nghi ngờ mắc ho gà. Các bệnh nhi nhập viện trong tình trạng suy hô hấp vì ho, biến chứng viêm phổi. Trên lâm sàng, các bệnh nhi đều có biểu hiện nghi ngờ với những cơn họ dữ dội, kéo dài, sau ho xuất tiết nhiều đờm nhớt, đặc biệt các trẻ đều có tiền sử chưa tiêm phòng vaccine ho gà. Tuy nhiên xét nghiệm dịch mũi họng để tìm vi khuẩn ho gà nhưng đều âm tính.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Trước đây, khi chưa được tiêm phòng ho gà, tỷ lệ trẻ em mắc căn bệnh này khá nhiều. Bởi đây là bệnh dễ lây lan qua đường hô hấp khi tiếp xúc với người mắc bệnh. Tuy nhiên suốt thời gian dài vài năm qua không ghi nhận ca bệnh nào mắc ho gà”.

Tác nhân gây bệnh ho gà là trực khuẩn ho gà Bordetella pertussis. Bệnh lây truyền từ người bệnh sang người lành bằng đường hô hấp qua các giọt chất tiết ra từ miệng có chứa vi khuẩn ho gà. Không có người lành mang vi khuẩn hoặc người khỏi bệnh mang vi khuẩn.

Cần hiểu rõ về bệnh ho gà

Bệnh khởi phát có thể không có sốt hoặc sốt nhẹ (37°C - 38°C), với các triệu chứng viêm long đường hô hấp (ho khan, hắt hơi, chảy nước mũi, đau rát họng). Ho tăng dần thành cơn, hay gặp về đêm. Ở thời kỳ toàn phát, xuất hiện các cơn ho gà điển hình. Cơn ho xuất hiện đột nhiên vô cớ sau các kích thích, cả ngày và đêm nhưng hay gặp ho nhiều về đêm.

Mẹ bầu nên tiêm vaccine DTP nhằm tăng cường khả năng phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván cho cả mẹ và con

Mỗi cơn ho điển hình trải qua 3 giai đoạn. Trẻ ho rũ rượi từng chuỗi liên tục, không tự kìm hãm được. Mỗi chuỗi 15-20 lần ho liên tục, càng về sau càng yếu và giảm dần. Ho nhiều làm trẻ thở yếu dần có lúc như ngừng thở, mặt tím tái, mắt đỏ ngầu, tĩnh mạch cổ nổi, chảy nước mắt, nước mũi. Cuối cơn ho hoặc xen kẽ sau mỗi chuỗi tiếp theo, trẻ thở rít vào thật dài nghe như tiếng gà rít.

Sau mỗi cơn ho, trẻ mệt mỏi bơ phờ, vã mồ hôi, mạch nhanh, thở nhanh. Phải mất ít phút, trẻ mới trở lại chơi bình thường. Các cơn ho có thể làm mặt nặng, loét dây hãm lưỡi. 3 tuần sau khi cơn ho xuất hiện, bệnh phát triển tới cực độ và giữ nguyên ở mức đó trong một thời gian tùy từng trường hợp, rồi bệnh lui dần (các cơn ho giảm, thời gian ho ngắn dần, khạc đờm ít sau đó hết dần).

Nguyên tắc điều trị ho gà là dùng kháng sinh; Điều trị triệu chứng (ho, khó thở) và điều trị biến chứng. Bệnh nhi cần được quan tâm chăm sóc và cho chế độ dinh dưỡng hợp lý. Trong cơn ho phải để trẻ ở tư thế ngồi để tránh trào đờm dãi vào phổi, trẻ nhỏ phải cho nằm nghiêng để dễ móc đờm dãi. Cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, dễ tiêu, chia thành nhiều bữa. Trẻ còn bú, tiếp tục cho bú.

Hiện nay, tiêm vaccine là cách phòng bệnh ho gà hiệu quả nhất. Trẻ em cần được tiêm đầy đủ 3 mũi vaccine 5 trong 1 phòng bệnh ho gà theo đúng độ tuổi. Ngoài ra, để phòng các bệnh hô hấp cho trẻ, nên tránh cho trẻ tiếp xúc với những đối tượng nghi ngờ mắc bệnh. Khi chăm sóc, tiếp xúc gần với trẻ người lớn cần thường xuyên rửa tay xà phòng, vệ sinh răng miệng, mũi họng để phòng nguy cơ lây truyền bệnh hô hấp cho trẻ.

Cần tiêm 3 liều vaccine ho gà cho trẻ dưới 1 tuổi theo lịch tiêm chủng của Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia:
Liều 1: khi trẻ được 2 tháng tuổi.
Liều 2: khi trẻ được 3 tháng tuổi.
Liều 3: khi trẻ được 4 tháng tuổi.
Vi Dũng H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ