Hậu quả khó lường
Chị Trần Thị Thúy (Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội) kể, mỗi lần chồng chị vào bếp nấu nướng là cả nhà được phen buồn thỉu buồn thiu vì biết chắc món nào cũng ngọt lợ vị mì chính. Chị cho biết, chồng mình thường rất thích các món ăn có vị ngọt đậm đà, anh cho rằng phải ngọt thì mới ngon nên mỗi lần vào bếp, anh không tiếc tay sử dụng mì chính.
Trong khi đó, con gái chị mỗi lần ăn món ăn do bố nấu thường có cảm giác khó chịu, buồn nôn nên cháu thường tránh xa mì chính. Bản thân chị Thúy thường không thể nuốt nổi các món ăn vì vị ngọt “không bình thường” của mì chính gây ra. Chị cho biết, mì chính ngọt nhưng nếu dùng nhiều dễ làm mất vị ngọt, ngon tự nhiên của rau củ, thịt cá. Chị nhiều lần góp ý cho chồng nhưng anh không nghe, cho rằng bao nhiêu năm anh dùng mì chính chưa hề hấn gì, không thể vì mì chính mà mang bệnh tật vào thân.
Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế Thế giới, mọi người nên hạn chế sử dụng mì chính ở mức độ tối đa, không nên dùng mì chính cho trẻ dưới 6 tuổi vì những tác hại nhỡn tiền mà nó gây ra cho sức khỏe con người.
Trả lời báo chí, bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hưng, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP. HCM cho biết, mì chính tạo ra ảo giác có vị đặc biệt của thịt và nấm, làm hương vị của các món ăn trở nên ngọt ngào, hấp dẫn hơn. Bản thân nó không hề có giá trị dinh dưỡng, thậm chí còn gây hại nếu bị lạm dụng.
Ở thể trạng và cơ địa của một số người có bệnh, không nên dùng mỳ chính. Ảnh minh họa
Một chuyên gia khác phân tích, mì chính là muối của axit glutamic, một chất có vai trò trong việc truyền tín hiệu của thần kinh. Nếu dùng quá nhiều, lượng mì chính dư thừa sẽ làm rối loạn hoạt động của não, gây mất trí nhớ, làm tiêu hao B6, dễ gây động kinh. Nó còn hủy diệt tất cả các thụ thể (những điểm tiếp giáp của dây thần kinh ở não)
Tuân thủ nguyên tắc
Để sử dụng mì chính đúng cách, không gây hại cho sức khỏe, người tiêu dùng cần lưu ý một số điều sau:
Không tra mì chính ở nhiệt độ cao: Nhiệt độ thích hợp để hòa tan bột ngọt là khoảng 70 – 90 độ C. Vì vậy, trong khi nấu nướng, nên gia giảm bột ngọt khi thức ăn đã chín và bắc khỏi bếp.
Không cho trực tiếp vào thực phẩm nguội: Mì chính hòa tan kém ở nhiệt độ thấp. Cần hòa tan mì chính với nước ấm trước khi trộn vào thức ăn nguội để tăng vị ngon cho món ăn.
Không cho vào các thực phẩm ngọt: Tuyệt đối không nên thêm bột ngọt vào thức ăn có vị ngọt tự nhiên như cà chua, tôm… vì sẽ làm mất hương vị ngọt, độ ngọt của món ăn và gây vị khó chịu.
Không dùng quá nhiều: Việc lạm dụng mì chính sẽ khiến sức khỏe bị gây hại, các món ăn mất vị tự nhiên
Không nên dùng với trứng: Trứng có nhiều bột và khi kết hợp với muối natri clorua rồi đun nóng sẽ tạo ra thứ bột ngọt tinh khiết, giúp trứng có hương vị thơm ngon. Vì thế, cho mì chính vào trứng là thừa và còn không tốt cho sức khỏe.
Không nên dùng mì chính vào các món ăn chua có giấm: Mì chính không dễ hòa tan trong môi trường axit nên việc thêm mì chính vào các món nộm, gỏi chua ngọt là sai lầm.
Các món ăn từ thịt lợn không cần thêm mì chính: Thịt có chứa acid glutamic, khi kết hợp thêm với muối, gặp nhiệt độ cao tự nhiên sẽ sản xuất ra các thành phần chính của mì chính. Vì thế, khi nấu các món ăn với thị, chúng ta không cần thêm mì chính. Các món ăn như trứng, nấm, hải sản, các chế phẩm từ cơm… cũng đều không cần mì chính.
Nên dùng nước xương non, thịt non: Có thể sử dụng vị ngọt từ các loại thực phẩm này để thay thế mì chính vì chúng có hàm lượng ngọt rất cao, giàu giá trị dinh dưỡng, nhiều axit amin, khoáng…
Bình luận của bạn