Gian nan “kiếp mượn bụng”

"Cô ấy “tra tấn” tôi bằng cách nằm sấp xuống giường hoặc vỗ mạnh tay vào bụng bầu… " (Ảnh: Internet)

Sẽ khó có kẽ hở để thương mại hóa việc mang thai hộ

3 bệnh viện được cho phép thực hiện mang thai hộ

Cho phép mang thai hộ: Hi vọng mới cho các cặp hiếm muộn

Chính thức cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

Bệnh viện (BV) Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế và Bệnh viện Từ Dũ là ba đơn vị được Bộ Y tế cho phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Kể từ đầu năm nay, các bệnh viện này luôn trong tình trạng quá tải bởi các cặp vợ chồng khao khát có một mụn con…

Vẫn phải… chờ!

TS.BS. Hồ Sỹ Hùng - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia, BV Phụ sản Trung ương, cho biết: “Việc thực hiện mang thai hộ không có gì là trở ngại, BV đã chuẩn bị sẵn sàng về kỹ thuật. Tại BV Phụ sản Trung ương, nhiều trường hợp đã đăng ký thực hiện mang thai hộ nhưng vẫn phải chờ văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế”.

Theo BS. Hùng, cách thực hiện mang thai hộ là lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng cho thụ tinh trong ống nghiệm để tạo phôi. Sau đó, phôi được cấy vào tử cung của phụ nữ tự nguyện để người này mang thai và sinh con. Đứa trẻ sinh ra hoàn toàn mang gene di truyền của vợ và chồng, không bị ảnh hưởng bởi người mang thai hộ. Tử cung của người mang thai hộ cũng giống như “vườn ươm” cho thai nhi.

Tuy các phương pháp đã được vạch ra rất rõ ràng, các bệnh viện vẫn phải chờ hướng dẫn chính thức của Bộ Y tế để “kiểm soát” vấn đề mang thai hộ. Điều này khiến nhiều cặp vợ chồng càng thêm “nóng ruột” bởi họ đã chờ đợi rất lâu để có một đứa con và có lẽ không muốn phải chờ thêm chút nào nữa!

Các kỹ thuật đã sẵn sàng nhưng vẫn phải... chờ văn bản của Bộ (Ảnh: Tuổi trẻ)

Mất tiền mà vẫn bị “hành”

Chị Trần Bích Thủy (phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Kiếm người mang thai hộ cực khó nên chúng tôi đành phải qua dịch vụ. Người mang thai hộ cứ sau 2 tháng lại bị hỏng thai và khi đó tôi đã phải trả cho cô ấy 40 triệu đồng. Lần nào cũng vậy, cứ khi mang thai là cô ta bắt đầu đỏng đảnh yêu cầu rất nhiều thứ. mang thai lần đầu, tôi thuê nhà cho cô ấy ở ngoài, lần thứ hai tôi cho ở trong nhà của tôi. Nhưng cô ấy luôn làm tôi khó chịu, ghét nhất cái tính õng ẹo, hay làm nũng chồng tôi, không coi tôi ra gì. Bữa cơm, cô ấy gắp thức ăn cho chồng tôi, làm ra vẻ thân mật lắm. Hoặc khi thèm món gì đó cứ gọi “anh Hoàng, anh Hoàng” (chồng tôi) nheo nhéo, ngay cả lúc nửa đêm cũng vậy”.

“Tôi sốc nhất là có lần vì không làm theo ý của cô ấy, cô ấy “tra tấn” tôi bằng cách nằm sấp xuống giường hoặc vỗ mạnh tay vào bụng bầu… Khi thai được bảy tuần, cô ấy kêu đau bụng rồi bị… hỏng thai. Chúng tôi sẽ vẫn tin cô ấy, nếu không có lần tôi vào thay ga trải giường cô ấy nằm và phát hiện ra dưới đệm có vỏ thuốc Misoclear - loại thuốc dùng để phá thai”, chị Thủy chia sẻ.

Không chỉ chị Thủy, rất nhiều cặp vợ chồng cũng lâm vào hoàn cảnh éo le vì trót “nhờ” mang thai hộ. Thậm chí, chị Nguyễn Thị Minh Hằng (phố Sơn Tây, quận Ba Đình, Hà Nội) bị người cho mang thai hộ (tên H.) lừa tới hai lần, lần đầu người này làm hỏng thai lúc tám tuần tuổi, đến lần thứ hai thì liên tục làm khó vợ chồng chị “bằng cách nhịn ăn, tối không ngủ, ra hành lang đứng và nói là để hít thở không khí trong lành…”.

Vì muốn có một đứa con, nhiều cặp vợ chồng phải lựa chọn phương pháp mang thai hộ

Theo hợp đồng, chị Hằng phải trả trước 20 triệu đồng để H. đồng ý cho cấy phôi vào người, sau hai tháng thì trả thêm 30 triệu đồng. Mọi chi phí ăn uống, sinh hoạt của H. đều do vợ chồng chị chi trả. Sau khi sinh con, H. nhận về 300 triệu đồng. Như vậy, ước tính trong suốt chín tháng mười ngày, vợ chồng chị Hằng mất ngót 500 triệu đồng cho người mang thai hộ.

Từ 1/1/2015, Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi), trong đó có những điều khoản về mang thai hộ đã có hiệu lực. Hy vọng những người hiếm muộn sẽ chấm dứt được “khổ nạn” trên, có được điều mình mong ước.

Thống kê cho thấy mỗi năm có hơn 10.000 người đến khám tại BV Phụ sản Trung ương vì vô sinh, hiếm muộn. Khoảng 0,5% trong số đó không thể mang thai vì các lý do: Bẩm sinh không có tử cung, phải cắt bỏ tử cung (do khối u, tổn thương do ung thư), tử cung có nhiều nhân xơ, niêm mạc quá mỏng khiến phôi không thể làm tổ, dính buồng tử cung do nạo phá thai…
Ngoài ra, người vợ bị bệnh tim mạch, sẩy thai liên tục hoặc thụ tinh trong ống nghiệm thất bại nhiều lần… cũng là những nguyên nhân gây vô sinh.
Tuệ Nhi H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ