Nắng nóng, trẻ em thi nhau đổ bệnh

Trẻ liên tục nhập viện vì nắng nóng

Tiêu chảy so Rotavirus: Số trẻ nhập viện tăng vọt

70% trẻ nhập viện do tiêu chảy, viêm đường hô hấp

Nhiều trẻ nhập viện vì nắng nóng

Dự báo thời tiết 7/5: Bắc Bộ tiếp tục nắng nóng

Trẻ mắc bệnh tăng cao

Trong những ngày qua, số bệnh nhi đến khám và điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương tăng nhanh. Các bác sỹ tại đây cho biết, mặc dù mới chỉ gần 1 tuần nắng nóng nhưng trung bình mỗi ngày có trên 1.500 trẻ bị ốm được gia đình đưa tới viện khám.

Cũng tương tự tình trạng của Bệnh viện Nhi Trung ương, tại nhiều bệnh viện khác như Xanh Pôn, Bạch Mai, Thanh Nhàn... nhiều khoa phòng cũng rơi vào tình trạng quá tải. Tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, gần một tuần nay, mỗi ngày có gần 300 bệnh nhi đến viện. Các giường bệnh của Khoa Nhi đều kín chỗ, một số bệnh nhân bắt buộc phải nằm ghép.

Trời nắng nóng, trẻ nhập viện gia tăng

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai: “Trẻ mắc bệnh do thời tiết quá nóng bức gây ra chủ yếu là sốt virus, viêm đường hô hấp, viêm phổi, rối loạn tiêu hóa và tiêu chảy. Đặc biệt có nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng biến chứng bệnh viêm phế quản, viêm phổi nặng do gia đình chủ quan, tự mua thuốc điều trị tại nhà".

Mắc bệnh do lạm dụng điều hòa, quạt máy

Để xua đi cái nóng bức của mùa hè, cha mẹ vô tư bật quạt số lớn, mở điều hòa nhiệt độ thấp khiến trẻ bị khô niêm mạc mũi. Chưa kể, khi để điều điều hòa ở nhiệt độ thấp khiến nhiệt độ trong phòng và bên ngoài có sự chênh lệch lớn. Cơ thể trẻ không thích nghi kịp nên trẻ dễ nhiễm bệnh.

Ba ngày nay chị Thúy Phương (Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) phải nghỉ làm để chăm con bị viêm đường hô hấp trong bệnh viện Xanh Pôn. Bé Quang Anh con chị vốn có cơ địa dị ứng nên rất nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết. Biết thể trạng con như vậy nên vợ chồng chị Phương rất cẩn thận khi dùng điều hòa. Nhưng mấy ngày gần đây, Hà Nội nắng nóng, không dùng điều hòa nhà sẽ chẳng khác gì lò bát quái. Chị Phương than thở: "Tôi có dám bật điều hòa lạnh đâu, chỉ dám để 27, 28 độ. Ấy vậy mà con vẫn bị hắt hơi, sổ mũi, khó thở, lười ăn... Đưa con đến viện bác sỹ mới bảo con bị viêm đường hô hấp".

Nhiều trẻ mắc bệnh hô hấp vì cha mẹ sử dụng điều hòa sai cách

Viêm đường hô hấp là bệnh hàng đầu mà trẻ thường mắc trong thời tiết nắng nóng. Nếu bệnh nhẹ thì phần lớn tự khỏi sau 7 – 10 ngày nếu được chăm sóc tốt. Có 20 – 25% viêm đường hô hấp trên chuyển thành viêm đường hô hấp dưới (viêm phổi và viêm tiểu phế quản), thường phải nhập viện điều trị dài ngày.

Phòng bệnh mùa nóng cho trẻ như thế nào?

Theo các sỹ chuyên khoa nhi, các loại bệnh mà trẻ mắc phải trong mùa nóng thường không đáng sợ nếu được phát hiện kịp thời. Vì vậy, cha mẹ nên thường xuyên quan tâm, để ý đến những phản ứng bất thường của trẻ. Khi trẻ có dấu hiệu bị bệnh, cha mẹ nên đưa trẻ tới gặp bác sỹ để được chẩn đoán đúng bệnh, tránh biến chứng. Nếu nghi trẻ bị sốt thì phụ huynh nên nhúng nước ấm lau trán, nách và cho trẻ mặc đồ thông thoáng để tránh tăng thân nhiệt. Khi xác định trẻ sốt thì cho uống thuốc hạ sốt. Nếu trẻ lên cơn co giật tuyệt đối không nên nhỏ giọt chanh, nước sả vì trong lúc co giật trẻ uống sẽ bị sặc, ngưng thở. Sau khi cho trẻ uống thuốc hạ sốt, phụ huynh nên sớm đưa trẻ vào cơ sở y tế gần nhất.

Trong thời tiết nắng nóng hiện nay, các bậc phụ huynh cần chú ý phòng bệnh cho trẻ bằng các biện pháp giữ gìn vệ sinh cá nhân, ăn uống đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hạn chế đưa trẻ ra đường khi nắng nóng trên 30 độ C, nhất là tránh để trẻ bị thay đổi nhiệt độ đột ngột. 

Người già cũng là đối tượng dễ bị ảnh hưởng sức khỏe do thời tiết nắng nóng. Đối với người già có bệnh mạn tính thì cần chú ý uống thuốc đều đặn, không bỏ thuốc vì thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi để bệnh tái phát.
Thanh Tú H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ