3 vấn đề thị lực thường gặp ở người cao tuổi và cách phòng tránh

Cần làm gì để bảo vệ thị lực, phòng tránh các bệnh về mắt ở người cao tuổi?

9 thói quen nhỏ mỗi ngày giữ mắt khỏe mạnh

Người bị rối loạn nhịp tim có nên tập thể dục thường xuyên không?

4 thực phẩm giúp ngăn ngừa bệnh đục thủy tinh thể

3 thói quen bảo vệ mắt tốt hơn kính chống ánh sáng xanh

Đục thủy tinh thể

Thủy tinh thể có chức năng như một thấu kính hội tụ, điều tiết để tập trung các tia sáng đi vào võng mạc tạo hình ảnh sắc nét rõ ràng. Đục thủy tinh thể xảy ra khi các protein trong mắt bắt đầu thoái hóa do tuổi tác, khiến “thấu kính” mờ đục, người bệnh nhìn khó. Bệnh lý này là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa trên thế giới. Ở Việt Nam, bệnh thường gặp ở người trên 50 tuổi.

Nguyên nhân gây đục thủy tinh thể phổ biến gồm chấn thương, đái tháo đường, lạm dụng thuốc và lão hóa. Ngoài tuổi tác, một số yếu tố như nghiện rượu bia, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, hút thuốc lá… cũng làm tăng tốc độ đục thủy tinh thể.

May mắn thay, hiện nay vấn đề thị lực này có thể điều trị dễ dàng nhờ phẫu thuật khá an toàn.

Thoái hóa điểm vàng

Tầm nhìn bình thường (bên trái) và tầm nhìn của người bị thoái hóa điểm vàng

Tầm nhìn bình thường (bên trái) và tầm nhìn của người bị thoái hóa điểm vàng

Thoái hóa điểm vàng là bệnh lý về mắt ảnh hưởng đến hoàng điểm - bộ phận giúp chúng ta có thể nhìn thấy chi tiết hình ảnh ở trung tâm. Đa số người trên 65 tuổi dễ bị suy giảm thị lực do thoái hóa điểm vàng.

Với bệnh thoái hóa điểm vàng thể khô, những tế bào nhạy sáng ở hoàng điểm dần mỏng dần và thoái hóa, dẫn tới tích tụ drusen – tức các mảng chất béo và protein dưới võng mạc. Ngoài ra, còn có thoái hóa điểm vàng thể ướt xảy ra do mạch máu sau võng mạc phát triển bất thường, gây rò rỉ và tổn thương hoàng điểm.

Thoái hóa điểm vàng thể ướt tuy hiếm gặp hơn, nhưng lại khiến thị lực suy giảm nhanh chóng.

Giai đoạn đầu, thoái hóa điểm vàng không có triệu chứng rõ rệt. Vì vậy, người cao tuổi nên đi khám mắt định kỳ, đặc biệt khi phát hiện thị lực thay đổi đột ngột.

Bệnh glaucoma (tăng nhãn áp)

Bệnh glaucoma có nhiều thể bệnh với nguyên nhân khác nhau, nhưng đều khiến hệ thần kinh thị giác bị tổn thương

Bệnh glaucoma có nhiều thể bệnh với nguyên nhân khác nhau, nhưng đều khiến hệ thần kinh thị giác bị tổn thương

Glaucoma (hay glocom) là một nhóm bệnh lý gây tổn hại thần kinh thị giác qua cơ chế làm tăng áp lực (nhãn áp) trong mắt. Trường hợp cơn glaucoma cấp, bệnh nhân có thể thấy đau nhức mắt, nhức xung quanh hốc mắt, nhức lan lên nửa đầu cùng bên, nhìn đèn có quầng xanh đỏ. Thể glaucoma mạn tính lại diễn biến thầm lặng, không đặc hiệu, bệnh nhân không đau nhức mắt mà chỉ có dấu hiệu nhìn mờ dần.

Các dây thần kinh thị giác mỏng manh rất dễ tổn thương, có thể dẫn đến mù lòa vĩnh viễn nếu không điều trị kịp thời. Các bác sĩ có thể kê đơn thuốc nhỏ mắt nhằm kiểm soát nhãn áp.

Biện pháp phòng ngừa suy giảm thị lực do lão hóa

Theo khuyến cáo của Viện hàn lâm Nhãn khoa Mỹ, người trưởng thành từ 40 tuổi trở lên nên thực hiện khám mắt tổng quát định kỳ. Không nên chờ tới khi tuổi cao mới tầm soát các bệnh lý về mắt.

Tăng huyết áp, đái tháo đường, các tật khúc xạ, hút thuốc lá… là các yếu tố làm tăng nguy cơ gặp các vấn đề về thị lực nói trên. Đặc biệt, người có đường huyết tăng cao nên kiểm tra mắt thường xuyên để phòng ngừa các tổn thương trong mắt.

Chế độ tập luyện kết hợp ăn uống lành mạnh có thể giúp cải thiện sức khỏe nói chung và đôi mắt nói riêng. Người cao tuổi nên ăn thực phẩm đa màu sắc để cung cấp cho cơ thể đa dạng các chất chống oxy hóa giúp bảo vệ thị lực.

Tia UV trong ánh nắng có thể làm tổn thương mắt, dẫn tới đục thủy tinh thể, thậm chí ung thư. Vì vậy, khi hoạt động ngoài trời nắng, tốt nhất nên đeo kính râm có khả năng ngăn chặn 99-100% tia UV. 

 
Quỳnh Trang (Theo Discover Magazine)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Mắt