Cách chọn được một huấn luyện viên cá nhân phù hợp

Để tìm được một huấn luyện cá nhân phù hợp, điều quan trọng nhất là xác định rõ nhu cầu của bản thân.

Tại sao bạn lại mất ngủ sau khi tập luyện?

Nên ăn gì và khi nào để đạt hiệu quả tập luyện tối đa?

8 mẹo đơn giản giúp bạn tăng cường sức bền trong tập luyện

Lợi ích của việc tập luyện với nhịp tim thấp

Vài năm trước, một huấn luyện viên cá nhân (Personal Trainer - PT) tại phòng tập đã nhiệt tình mời Talya Minsberg, phóng viên mảng thể thao và sức khỏe của tờ The New York Times, tham gia một buổi tập thử cùng PT miễn phí. Là một người đam mê chạy bộ và luôn muốn cải thiện thêm sức mạnh bản thân, Talya đã rất hào hứng.

Tuy nhiên, buổi tập đó để lại cho cô rất nhiều suy nghĩ. Sau khi trao đổi ngắn về mục tiêu, PT bất ngờ yêu cầu cô lên cân. Talya Minsberg khá ngạc nhiên vì cô không có ý định giảm cân. Rõ ràng, đây là một sự không phù hợp giữa huấn luyện viên và học viên, và kết quả là không có buổi tập luyện nào giữa 2 người được diễn ra sau đó.

Câu chuyện của Talya Minsberg, đã phản ánh thực tế mà nhiều người Việt Nam cũng đang gặp phải tại các phòng tập. Việc PT tiếp cận khách hàng tiềm năng là chuyện thường thấy. Đặc biệt, nhiều phòng tập còn cung cấp các buổi tập miễn phí để thu hút thành viên mới. Tuy nhiên, các chuyên gia thể dục khuyên rằng để có được kết quả tốt nhất, bạn nên chủ động tìm kiếm một huấn luyện viên phù hợp với mục tiêu và phong cách cá nhân của mình.

Dưới đây là một số yếu tố quan trọng bạn cần cân nhắc khi lựa chọn:

1. Xác định mục tiêu của bạn

Xác định rõ mục tiêu tập luyện là bước đầu tiên và quan trọng nhất khi bạn muốn tìm kiếm một PT. Việc có những mục tiêu cụ thể sẽ giúp bạn tận dụng tối đa quá trình huấn luyện. Ví dụ, bạn muốn cải thiện kỹ thuật nâng tạ, chuẩn bị cho một cuộc thi chạy bộ, hay chỉ đơn giản là cần người giúp phục hồi sau chấn thương? Mỗi mục tiêu sẽ đòi hỏi những kiến thức và kinh nghiệm khác nhau từ huấn luyện viên.

Theo Cole Reagan, một PT tại Brooklyn (Mỹ), việc hiểu rõ mục tiêu và lý do đằng sau mục tiêu đó của khách hàng là vô cùng quan trọng. Điều này giúp anh đánh giá được tính phù hợp giữa hai bên và đưa ra những kế hoạch tập luyện hiệu quả nhất.

2. Hiểu rõ về các chứng chỉ của PT

Việc đánh giá trình độ của một PT có thể khiến nhiều người cảm thấy bối rối, bởi có quá nhiều chứng chỉ khác nhau và tiêu chuẩn của mỗi chứng chỉ cũng không đồng nhất. Hầu hết các chương trình đào tạo PT đều cung cấp kiến thức cơ bản về khoa học tập thể dục, giải phẫu và phương pháp huấn luyện hiệu quả. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng, bạn nên tìm hiểu kỹ về các chứng chỉ mà huấn luyện viên đó sở hữu.

Theo Rae Reichlin, chủ sở hữu của phòng tập Ladies Who Lift ở Chicago (Mỹ), việc trở thành một PT thường không quá khó. Vì vậy, bên cạnh việc xem xét các chứng chỉ, bạn cũng nên tham khảo ý kiến từ những người đã từng tập luyện cùng với PT đó để có thể có một lựa chọn chính xác.

3. Chú ý đến những dấu hiệu cảnh báo

Chứng chỉ chỉ là một phần trong bức tranh tổng thể khi đánh giá khả năng của một PT. Bởi một số PT trong quá trình huấn luyện có thể đưa ra những lời hứa hẹn hoặc cam kết không thực tế, như giảm cân nhanh chóng hoặc đốt cháy một lượng calo cụ thể trong mỗi buổi tập... Cơ thể mỗi người là khác nhau và không có công thức chung nào áp dụng cho tất cả.

Một PT giỏi sẽ luôn lắng nghe bạn và quan sát cách bạn phản ứng với các bài tập. Họ sẽ giúp bạn phân biệt giữa cảm giác đau đớn bình thường và những dấu hiệu cảnh báo chấn thương. Quan trọng hơn, họ sẽ giúp bạn xây dựng một kế hoạch tập luyện phù hợp với mục tiêu và khả năng của bạn, đồng thời truyền cảm hứng để bạn luôn cố gắng.

PT sẽ hướng dẫn bạn từng động tác một cách bài bản, an toàn và hiệu quả, giúp bạn tự tin hơn trong quá trình tập luyện.

PT sẽ hướng dẫn bạn từng động tác một cách bài bản, an toàn và hiệu quả, giúp bạn tự tin hơn trong quá trình tập luyện.

4. Lựa chọn PT có thể duy trì sự ổn định và lâu dài

Sự nhất quán là yếu tố quyết định khi bạn muốn xây dựng một thói quen tập luyện mới. Vì vậy, việc lựa chọn một PT có phòng tập hoặc lịch làm việc thuận tiện là điều cần ưu tiên. Đi đến một phòng tập xa nhà hoặc phải sắp xếp lịch quá phức tạp có thể khiến bạn dễ dàng bỏ cuộc.

Bên cạnh đó, sự phù hợp về mặt tài chính cũng rất quan trọng. Nếu ngân sách hạn hẹp, hãy lựa chọn những gói huấn luyện phù hợp và cùng PT đặt ra những mục tiêu thực tế. Thay vì tập trung vào những bài tập phức tạp, hãy ưu tiên việc học hỏi những kỹ năng cơ bản mà bạn có thể tự thực hiện sau này.

Trong trường hợp nếu việc lên lịch gặp khó khăn ngay từ đầu, điều đó có thể cho thấy PT quá bận rộn hoặc không thực sự quan tâm đến khách hàng. Hãy tìm kiếm một PT sẵn sàng lắng nghe, hỗ trợ và cùng bạn xây dựng một kế hoạch tập luyện phù hợp.

5. Kiểm tra mức độ phù hợp

Điều cuối cùng, sự hòa hợp giữa bạn và PT mới yếu tố quyết định thành công của quá trình huấn luyện. Vì vậy, khi bắt đầu thuê PT, bạn nên hỏi rõ PT về cách họ thường khuyến khích và thúc đẩy học viên. Một PT tốt thường sẽ luôn lắng nghe và tôn trọng ý kiến của bạn. Họ sẽ điều chỉnh cường độ và phong cách huấn luyện dựa trên phản hồi của bạn. Hãy nhớ rằng, mục tiêu cuối cùng là giúp bạn đạt được những kết quả tốt nhất một cách bền vững.

 
Việt An (Theo The New York Times)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp