Làm sao phòng ngừa các dịch bệnh mùa Hè cho trẻ?

Các bệnh sốt xuất huyết, viêm đường hô hấp… thường phổ biến hơn vào mùa Hè

Cảnh giác với một số dịch bệnh mùa Hè thường gặp

Năm nay, dù đã vào Hè nhưng đôi khi vẫn có những đợt không khí se lạnh thất thường. Sự thay đổi đột ngột này là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ dễ mắc các bệnh đường hô hấp, cũng như một số căn bệnh mùa Hè khác.

Trẻ dễ bị nôn, tiêu chảy

Trong thời điểm giao mùa, bắt đầu mùa Hè, trẻ sẽ dễ bị nhiễm khuẩn, gây ra nhiều vấn đề tiêu hóa như nôn, đau bụng. Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hà, Trưởng khoa Tiêu hoá, Bệnh viện Nhi Trung ương, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ đau bụng, nôn vào Hè thường gặp nhất là nhiễm khuẩn tiêu hoá, cụ thể là do các virus gây viêm dạ dày - ruột cấp như Rotavirus, Norovirus, Calicivirus, Adenovirus...

Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hà, một số nguyên nhân sau cũng có thể dẫn tới tình trạng trẻ bị nôn, tiêu chảy:

- Ngộ độc thực phẩm do chế độ ăn uống không phù hợp (như ăn uống quá độ, dị ứng thực phẩm).

- Dùng thuốc quá liều cũng có thể gây nôn trớ và đau bụng.

- Thời tiết nắng nóng trong mùa Hè có thể làm gia tăng sự phát triển của ruồi, muỗi, gián, kiến… dẫn đến dễ lây lan dịch bệnh.

- Trẻ ăn phải thực phẩm bị nhiễm khuẩn, hoặc nhiễm độc tố vi khuẩn, từ đó gây ra tình trạng viêm dạ dày - ruột do nhiễm khuẩn.

- Trẻ đang mắc COVID-19 hoặc từng có tiền sử mắc COVID-19 cũng có thể bị nôn, đau bụng, tiêu chảy. Khi có những biểu hiện này, gia đình nên đưa con đi khám vì trẻ có thể bị viêm ruột thừa, lồng ruột, viêm tuỵ cấp…

Vào mùa Hè, nguy cơ ngộ độc thực phẩm gây nôn, tiêu chảy có xu hướng tăng lên

Vào mùa Hè, nguy cơ ngộ độc thực phẩm gây nôn, tiêu chảy có xu hướng tăng lên

Viêm đường hô hấp

Khi vào Hè, trẻ sẽ dễ bị viêm đường hô hấp do các bé hay ham chơi, chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân. Trong khi đó, đường hô hấp chính là nơi nhiều mầm bệnh, virus, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập khi trẻ hít thở.

Một đặc điểm nữa là đường thở của trẻ ngắn và hẹp, do đó mầm bệnh cũng dễ lây lan hơn. Kết hợp với việc sức đề kháng, khả năng miễn dịch còn kém, tré sẽ khó có đủ sức để chống đỡ với sự tấn công của các mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài.

Viêm đường hô hấp trên bao gồm: Cảm lạnh, viêm mũi họng, viêm họng, viêm xoang, viêm thanh quản. Dù có nhiều bệnh đơn lẻ nhưng chúng đều có một số biểu hiện chung, dễ nhận thấy như: Sốt, hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi, đau rát họng, ho, khàn tiếng, có khi mất tiếng, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ khớp… Nếu trẻ không được điều trị dứt điểm, rất có khả năng chuyển thành viêm đường hô hấp dưới như viêm phế quản, viêm phổi, đặc biệt là dạng viêm phế quản, phổi cấp tính.

Sốt xuất huyết

Hàng năm, thời điểm mùa Hè thời tiết nóng ẩm tại khu vực miền Bắc và bắt đầu mùa mưa tại khu vực miền Trung, miền Nam là điều kiện thuận lợi để dịch sốt xuất huyết bùng phát.

Sốt xuất huyết thường kéo dài trong 7 ngày, nhưng nhiều chuyên gia, bác sỹ khuyến cáo các bậc phụ huynh không nên chủ quan khi thấy con bắt đầu giảm sốt trong ngày thứ 4 hoặc thứ 5. Trẻ có thể chỉ còn lừ đừ, mệt nhiều, nôn, đau bụng, chảy máu chân răng... nhưng đây lại có thể là những dấu hiệu cảnh báo bệnh trở nặng.

Theo ThS. BS. Nguyễn Đình Qui, Phó khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM): “Thông thường, trẻ bị sốt xuất huyết sẽ sốt cao liên tục từ 3 - 4 ngày. Nếu thấy trẻ sốt từ 3 ngày trở lên, tốt nhất nên đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để làm xét nghiệm máu, nhằm có kết quả và kế hoạch điều trị".

Đối với các trường hợp chưa có chỉ định nhập viện, trẻ sẽ được theo dõi và chăm sóc tại nhà. Với trường hợp này, cha mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước, ăn thực phẩm dễ tiêu và nâng cao thể trạng, tăng cường sức đề kháng.

Tay chân miệng

 

HIện nay, dịch tay chân miệng đang có xu hướng bùng phát mạnh tại nhiều nơi, đặc biệt là ở TP.HCM. Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, thời tiết vào Hè, cộng với việc trẻ quay trở lại trường là nguyên nhân khiến các bệnh lây nhiễm như tay chân miệng có xu hướng gia tăng.

Bệnh tay chân miệng dù là bệnh thường gặp ở trẻ, nhưng lại có thể gây biến chứng nặng khi ảnh hưởng lên thân não và tim. Do đó, phụ huynh cần đặc biệt chú ý, nếu thấy bé bị sốt, giật mình chới với, hoảng sợ 2 lần trong 30 phút hay bé đi loạng choạng, dễ té ngã nên đưa con đi khám ngay. Với những bé sốt có phát ban thì nên đi khám để bác sỹ chẩn đoán bệnh và có hướng điều trị tốt nhất cho con.

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, do virus đường ruột gây ra. Hiện vẫn chưa có vaccine phòng ngừa bệnh. Thời gian ủ bệnh từ 3 - 7 ngày. Trẻ tiếp xúc với mầm bệnh phải theo dõi trong vòng 7 ngày kể từ ngày tiếp xúc.

Làm sao để phòng các dịch bệnh mùa Hè cho trẻ?

Theo bác sỹ Trương Thị Hoài, Khoa Nhi Bệnh viện 199 (Đà Nẵng) chia sẻ: “Biện pháp phòng ngừa chính của những bệnh truyền nhiễm không khác gì với những biện pháp phòng ngừa COVID-19 như sát khuẩn tay thường xuyên, đeo khẩu trang, rửa tay dưới vòi nước sau khi đi vệ sinh, trước khi cho trẻ ăn. Bố mẹ cũng cần tăng sức đề kháng cho con, vệ sinh mũi họng cho trẻ bằng cách cho con ngủ đủ giấc, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung vi chất như kẽm, vitamin C theo hướng dẫn của bác sỹ, tuỳ vào độ tuổi của trẻ”.

Khi trẻ bị bệnh, gia đình cần cách ly bé với những trẻ khác trong gia đinh. Vệ sinh các vật dụng, tay nắm cửa, đồ chơi của trẻ, tốt nhất là khử khuẩn mọi thứ trong tầm với của bé.

Trong trường hợp trẻ mắc các bệnh truyền nhiễm, phụ huynh cần đưa con đến khám ở các cơ sở y tế khi có những triệu chứng như con sốt cao, nôn ói, không ăn được gì, bé lừ đừ, bỏ bú, ăn kém, uống kém, ngủ li bì, khó đánh thức, khó thở, ho nhiều, ho đờm, tím tái, co giật, phát ban dưới da…

Vi Bùi (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ