Chuyện nghề thuốc, làng thuốc xứ Nghệ

Xứ Nghệ có một vị trí đặc biệt với nhiều danh y nổi tiếng

Cẩm nang dinh dưỡng ngày Tết cho người mỡ máu cao

Podcast: Uống rượu thuốc có giúp bổ thận tráng dương?

Trung Quốc ghi nhận ca tử vong vì nhiễm cùng lúc 2 chủng cúm gia cầm

5 chất béo lành mạnh giúp giảm cholesterol

Xứ Nghệ nghèo khó truyền đời nhưng cũng truyền đời tinh thần hiếu học, khổ học, khổ luyện thành tài để giúp dân, cứu nước. Lâu nay, nhiều người nói về những câu chuyện học giỏi, đỗ đạt cao của người Xứ Nghệ. Còn một câu chuyện khác liên quan, đó là không phải ai ai cũng học giỏi, đỗ đạt rồi làm quan to, quan bé, mà nhiều người thi đỗ nhưng không ra làm quan, nhiều người thi trượt nhưng không bao giờ từ bỏ, phát huy truyền thống hiếu học, hay chữ, hay nghĩa của quê hương, dòng họ, gia đình… Những người đọc nhiều sách vở, am tường chữ nghĩa, việc nước, việc đời này thường chọn con đường làm thầy dạy học, thầy thuốc, hòa mình vào cuộc sống của cộng đồng, xã hội.

Theo một số nghiên cứu mới đây của Trung tâm Khoa học xã hôi và nhân văn Nghệ An, trong lịch sử nền y học cổ truyền Việt Nam, Xứ Nghệ có một vị trí đặc biệt với nhiều danh y nổi tiếng.

Thời nhà Lý (1010 - 1225) có Lương y Lê Lộ ở tổng Võ Liệt, huyện Thanh Chương được nhân dân địa phương tôn là “Lê Lộ sở tài”, “Đức thánh Kỳ xuyên”, sau khi ông mất được nhân dân lập đền thờ. Thời nhà Trần (1225 - 1400), có Lương y Phạm Bình, quê làng Thịnh Khánh, Trang Cao Xá (nay là xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu) là danh y nổi tiếng khắp Nghệ An thời bấy giờ. Thời Hậu Lê (1533 - 1548) có Lương y Trương Công Thai, ở thôn Hoàng Trường, huyện Đông Thành nổi danh về châm cứu, ông được mệnh danh là “Diệu dụng châm cứu”. Đặc biệt là dòng họ Hoàng ở Nghệ An có những danh y vừa tinh thông Nho học, vừa giỏi nghề thuốc, tiếng tăm vượt ra khỏi đất Nghệ, đó là: Hoàng Nguyên Cát, Hoàng Danh Sưởng, Hoàng Nguyên Lễ, Hoàng Văn Thâm,…

Trong số rất nhiều lương y nổi danh ở Xứ Nghệ trong lịch sử, nhiều người biết đến câu chuyện của Lê Hữu Trác (1724-1791)Hoàng Nguyên Cát (1702-1779). Sử sách chép lại thuở ban đầu khi bị ốm nặng, chữa chạy tới 2 năm mà không khỏi, Lê Hữu Trác thời bấy giờ tìm đến một vị lương y ở Nghệ An tên là Trần Độc để chữa chạy. Lương y Trần Độc là bậc lão nho, học rộng biết nhiều nhưng thi không đỗ, trở về học nghề thuốc. Khi bắt gặp Lê Hữu Trác, người vừa chữa bệnh vừa đọc sách “Phùng thị cẩm nang” và hiểu thấu mọi sâu xa của sách thuốc, ông Trần Độc quyết định truyền nghề cho một người “nhanh chóng hiểu sâu y lý, say mê sách y học, nhận ra nghề y không chỉ lợi ích cho mình mà có thể giúp người đời”. Để rồi, một quá trình dài sau đó, Lê Hữu Trác vừa chữa bệnh cứu người vừa viết sách “Y tôn tâm lĩnh” gồm 28 tập, 66 quyển gồm đủ các mặt về Y đức, Y lý, Y thuật, Y Dược, Y dưỡng.

Bộ sách “Qùy viên gia học” bằng chữ Hán Nôm của Lương y Hoàng Nguyên Cát

Bộ sách “Qùy viên gia học” bằng chữ Hán Nôm của Lương y Hoàng Nguyên Cát

Cũng ở Nghệ An, ông Hoàng Nguyên Cát (1702-1779) quê ở làng Vạn Lộc, huyện Chân Phúc, nay là phường Nghi Tân, Thị xã Cửa Lò, từng đỗ kỳ thi hương nhưng không ra làm quan mà chuyên tâm tìm thầy, học nghề thuốc chữa bệnh cứu người nức tiếng xa gần. Ông được truyền nghề từ Châu Vạn tiên sinh ở Thanh Chương, rồi dốc lòng nghiên cứu, học tập, tìm tòi để dần trở thành một thầy thuốc có trình độ học vấn y lý uyên thâm, với phương pháp, tay nghề thực tiễn cao và y đạo nổi danh khắp nơi. Bên cạnh việc chữa bệnh cho hàng ngàn người, ông còn viết sách “Quỳ viên gia học” gồm 11 quyển, với hơn 1.000 trang chữ Hán đề cập nhiều lĩnh vực từ lý luận cơ bản về Kinh dịch, quan điểm về y đức, nghiên cứu mô hình bệnh tật, dược liệu và đặc biệt là các bệnh án ông đã gặp hoặc trực tiếp điều trị, các bài thuốc…

Có thể thấy với một môi trường hiếu học, ham học, với khối lượng sách vở hướng dẫn và môi trường thực tế sinh động từ thời Tuệ Tĩnh (1330-1400) truyền lại, với tầm ảnh hưởng lớn lao của Lê Hữu Trác và Hoàng Nguyên Cát và nhiều người nổi tiếng khác, dễ hiểu vì sao nhiều người ở Xứ Nghệ chuyên tâm và giỏi nghề thầy dạy học và thầy thuốc từ đời này qua đời khác.

Nhiều người biết và khâm phục về làng học hành, đỗ đạt cao Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu-Nghệ An. Nhưng làng Quỳnh Đôi trên thực tế còn là làng của nhiều thầy giáo giỏi và thầy thuốc giỏi.

Theo ông Hồ Ngọc Quang, làng Quỳnh từ xưa nay luôn lưu giữ và phát huy “nghề truyền thống” là nghề dạy học và nghề bốc thuốc, chữa bệnh cứu người. Nhiều người không chỉ nổi tiếng ở Xứ Nghệ mà tạo được tiếng thơm ra cả vùng, cả nước.

 

Người làng Quỳnh đi dạy học và làm thuốc ở khắp nơi, trong đó có khoảng vài chục người vì hoàn cảnh gia đình nên ở lại làng quê “lập nghiệp”. Đó là những thầy thuốc nổi tiếng “dụng dược như dụng binh” là các danh y Phan Đình Khang, Hồ Phi Thống, Phạm Quỳnh Anh, Hồ Sỹ Bằng, Dương Ngọc Khoáng, Hồ Như Sơn, Hồ Cừu, Dương Như Cầm

Tất cả họ đều thấm nhuần tinh thần phục vụ nhân dân “Lương y như mẹ hiền” và mỗi người đều có phương thuốc bí truyền riêng, độc đáo, hợp thành “bách khoa y của làng”. Khi trong làng có trường hợp bệnh nặng, các thầy thuốc đến theo dõi, hội chẩn, đưa ra “phác đồ” điều trị tốt nhất, y như hoạt động của một bệnh viên đông y vậy!

Ở làng Quỳnh vẫn lưu truyền bài thuốc chữa bênh dại của lương y Hồ Phi Thống, bài thuốc chữa hen xuyễn và xương khớp của lương y Dương Ngọc Khoáng… Đặc biệt, nhiều bài thuốc của lương y làng Quỳnh đã được “tiến cử” cho Hội Đông y Việt Nam như bài thuốc chữa dạ dày chế từ cây dạ cẩm của lương y Dương Như Cẩm.

Còn rất nhiều câu chuyện lý thú trong sách vở, trong dân gian về nghề giáo, nghề thuốc ở Xứ Nghệ từ trong lịch sử cho đến thời hiện tại và hướng đến tương lai. Xứ Nghệ là “đất thuốc” với vô vàn thảo dược quý, bài thuốc quý đang được bảo tồn và phát triển. Con người Xứ Nghệ ham học, ham hiểu biết, bên cạnh phát huy truyền thống, còn ra sức tiếp thu thành tưu của cả nước và thế giới, bổ sung vào “kho” kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn phong phú, trong bối cảnh thuốc bắc, thuốc nam đang phải cạnh tranh khốc liệt hiện thời.

BÙI HOA
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bạn đọc viết