Mẹo giảm cân cho người bệnh đái tháo đường

Giảm cân giúp bạn kiểm soát bệnh đái tháo đường hiệu quả hơn

Theo ước tính của Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ, có khoảng 350 triệu người dân toàn cầu đang sống chung với bệnh đái tháo đường, con số này dự kiến sẽ còn tăng gấp đôi trong 20 năm tới. Thừa cân, béo phì đứng sau 95% số trường hợp mắc đái tháo đường tại Mỹ và ở nước này việc “giảm cân, duy trì trọng lượng khỏe mạnh” là một vấn đề y tế công cộng cấp bách. Bệnh đái tháo đường type 2 có một mối liên kết phức tạp với cân nặng, “nạn dịch” béo phì lan rộng khiến cho việc kiểm soát bệnh đái tháo đường trở nên vô cùng khó khăn.

“Khi bạn tăng cân, đặc biệt là tăng cân vùng bụng, bạn có nguy cơ cao đề kháng insulin”, Laura Rooney – Giám đốc Chương trình Ăn uống và Lối sống lành mạnh dành cho người bệnh đái tháo đường (Đại học Texas, Mỹ), cho biết.

Insulin là một hormone điều chỉnh lượng đường trong máu, được sản xuất ở tuyến tụy. Insulin đóng vai trò vận chuyển đường glucose từ máu vào trong các tế bào và sử dụng chúng làm năng lượng cho tế bào hoạt động. Nếu bị béo phì, lượng chất béo dư thừa có thể cản trở khả năng sử dụng insulin của cơ thể gọi là kháng insulin. Ban đầu, tuyến tụy sẽ tích cực sản xuất insulin để bù đắp vào lượng hormone không được sử dụng. Nhưng qua thời gian, tuyến tụy bị quá tải và không đủ khả năng sản xuất insulin nữa, bạn sẽ bị đái tháo đường type 2.

Kiểm soát cân nặng – kiểm soát đái tháo đường

Nếu bạn đang bị đái tháo đường type 2, có chỉ số BMI (cân nặng/chiều cao bình phương) lớn hơn 23, bạn có thể cần phải giảm khoảng 5 – 10% trọng lượng cơ thể. Điều đó cũng giúp bạn giảm đường huyết, hạ huyết áp và mỡ máu. Nếu bạn nặng 90kg, hãy cố gắng giảm ít nhất 4,5 – 9kg!

Tuy nhiên, giảm cân chưa bao giờ là điều dễ dàng, kể cả với người khỏe mạnh. Dưới đây là những bí quyết giúp người bệnh đái tháo đường kiểm soát cân nặng hiệu quả hơn:

Cắt giảm đồ uống có đường

Một trong những việc đầu tiên bạn cần làm là tránh xa tất cả các loại đồ uống có đường, bao gồm nước ngọt có gas, nước trái cây, nước chanh, trà sữa, cà phê đường hoặc sữa,… Bằng cách này, bạn có thể giảm được đáng kể lượng đường đưa vào cơ thể mỗi ngày, giúp giảm cân và cải thiện đường huyết.

Loại bỏ một số “thực phẩm màu trắng” ra khỏi thực đơn

Đường trắng, bánh mỳ ruột trắng, bột mỳ… ra khỏi thực đơn ăn uống, bạn sẽ lấy lại được cân nặng lý tưởng. Bạn có thể thay các thực phẩm này bằng các loại ngũ cốc, protein nạc, sữa ít béo và rau, củ, quả tươi. Thực đơn ăn uống của người bệnh đái tháo đường nên được xây dựng với 1/2 là rau, củ, quả + 1/4 là tinh bột và 1/4 là protein nạc.

Tuyệt đối không bỏ bữa

Cho dù muốn giảm cân nhanh, bạn cũng không nên bỏ bữa. Mặc dù bỏ bữa giúp bạn giảm tiêu thụ calorie nhưng lại tạo cảm giác đói cồn cào và khiến bạn ăn nhiều hơn vào bữa tiếp theo. Ăn quá nhiều cùng một lúc không tốt cho bệnh đái tháo đường và khiến cho việc giảm cân khó khăn hơn. Đặc biệt đối với người bệnh đái tháo đường bỏ qua bữa ăn có thể khiến bạn đối mặt với nguy cơ hạ đường huyết cấp.

Ăn hai bữa no mỗi ngày (bữa sáng và bữa trưa) có tác dụng giúp giảm cân tốt hơn là ăn 6 bữa nhỏ (với cùng lượng calorie), theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Diabetologia tháng 5 năm 2014.

Đo khẩu phần ăn

Đo khẩu phần ăn là một phần quan trọng trong quá trình giảm cân ở người bệnh đái tháo đường. Sử dụng cốc, bát, thìa… hoặc bất cứ thứ gì có tác dụng đo lường để kiểm soát khẩu phần ăn của bạn.

Ăn chậm

Não mất khoảng 20 phút để nhận thức được những gì bạn vừa ăn. Vì thế, bạn sẽ đưa vào cơ thể lượng calorie lớn nếu ăn với tốc độ quá nhanh hoặc vừa ăn vừa đọc báo, xem phim. Nếu bạn tập trung vào bữa ăn và thưởng thức các món ăn, bạn sẽ ăn ít hơn.

Ngủ đủ giấc

Quá mệt mỏi có thể khiến bạn bị đói và khó kiểm soát cân nặng. Thiếu ngủ cũng là một trong những nguyên nhân làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh đái tháo đường, theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Annals của Viện Khoa học New York năm 2014. Hãy cố gắng ngủ đủ tám tiếng mỗi đêm để cơ thể không bị mệt mỏi và quản lý bệnh đái tháo đường tốt hơn.

Tập thể dục hàng ngày

Hoạt động thể chất là chìa khóa để giảm cân. Cố gắng tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày và 5 ngày mỗi tuần để đạt được hiệu quả tối đa.

Nhưng nếu bạn tập thể dục 60 phút mỗi ngày, bạn có thể giảm được 200 – 300 calorie và đạt được mục tiêu giảm cân nhanh hơn. Ngoài ra, tập thể dục còn giúp duy trì hiệu quả giảm cân từ các phương pháp khác. Đối với người bệnh đái tháo đường type 2, thời điểm tốt nhất để tập thể dục là sau bữa ăn nhẹ. Tập thể dục thường xuyên có thể làm giảm lượng đường trong máu, nhưng tập không đúng cách lại là nguy cơ đe dọa đường huyết tăng cao. Vì vậy, bạn cần đo đường huyết trước và sau khi tập để điều chỉnh mức độ tập luyện phù hợp, tham khảo ý kiến bác sỹ trước khi tập.

Kim Chi H+

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp