Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch ra sao?

Ô nhiễm không khí ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ tim mạch

Tiêu chí chọn mỹ phẩm giúp bảo vệ da khỏi ô nhiễm môi trường

Khẩu trang, chất thải PPE và mối nguy ô nhiễm môi trường

Bảo vệ sức khỏe trong “mùa” ô nhiễm không khí

Độc tố trong môi trường làm suy yếu hệ thống miễn dịch qua nhiều thế hệ

Ô nhiễm không khí và nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Ô nhiễm không khí có liên quan đến hàng loạt vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Theo GS. Francine Laden, chuyên gia dịch tễ môi trường tại Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan (Mỹ), ô nhiễm không khí có thể gây ra nhiều bệnh từ ung thư phổi, suy giảm nhận thức đến vô sinh và tử vong sớm. Trong đó, bệnh tim mạch là một trong những nguy cơ hàng đầu.

Theo GS. Kari Nadeau, chuyên gia dị ứng và hen suyễn tại Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan, bằng chứng về tác động của ô nhiễm không khí lên tim mạch là không thể chối cãi. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân vẫn chưa nhận thức rõ ràng về mối liên hệ này. "Tôi phải giải thích cho họ và chỉ sau đó họ mới hiểu ra," GS. Nadeau chia sẻ.

BS. Mary Rice, chuyên gia hô hấp tại Trung tâm khí hậu, sức khỏe và môi trường toàn cầu (Mỹ) cũng cho biết: "Nhiều người không nhận ra mức độ nguy hiểm của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe, đơn giản vì nó gần như vô hình.

Những bằng chứng khoa học

Một trong những nghiên cứu quan trọng nhất về ô nhiễm không khí và sức khỏe tim mạch là “Six Cities Study” năm 1993 do GS. Doug Dockery, chuyên gia dịch tễ môi trường tại Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan dẫn đầu. Nghiên cứu này đã chỉ ra mối liên hệ rõ ràng giữa ô nhiễm không khí và nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch.

Năm 2017, một nghiên cứu trên Tạp chí The Lancet (Anh) ước tính rằng, ô nhiễm không khí dạng hạt mịn (PM2.5) đã gây ra khoảng 4,2 triệu ca tử vong trên toàn cầu vào năm 2015. Trong số đó, 2,4 triệu ca là do bệnh tim mạch, vượt xa số ca tử vong do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (863.000 ca) và ung thư phổi (283.300 ca).

GS. Joel Schwartz, chuyên gia dịch tễ môi trường tại Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan cũng đã tiến hành nhiều nghiên cứu cho thấy ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ nhập viện và tử vong do bệnh tim. Một nghiên cứu năm 2024 do TS. Yaguang Wei, hiện là giáo sư tại Trường Y Mount Sinai (Mỹ) dẫn đầu đã xác nhận rằng, tiếp xúc lâu dài với PM2.5 có thể làm tăng nguy cơ nhập viện do bệnh tim thiếu máu cục bộ, đột quỵ, suy tim và rối loạn nhịp tim.

Ngoài ra, một nghiên cứu năm 2023 sử dụng mô hình nhân quả đã phân tích 4 triệu ca nhập viện vì nhồi máu cơ tim tại Mỹ trong giai đoạn 2000-2016 và phát hiện rằng khi mức PM2.5 tăng lên, số ca nhập viện cũng tăng theo, ngay cả khi mức ô nhiễm vẫn nằm dưới ngưỡng an toàn của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA).

Nguyên nhân chính từ các hạt bụi siêu mịn 

Hạt bụi mịn PM2.5 là nguyên nhân chủ yếu gây ra các vấn đề tim mạch

Hạt bụi mịn PM2.5 là nguyên nhân chủ yếu gây ra các vấn đề tim mạch

Các hạt ô nhiễm càng nhỏ thì càng nguy hiểm đối với hệ tim mạch. Trong đó, PM2.5 được xem là thành phần nguy hiểm nhất. Theo GS. Kari Nadeau, các hạt bụi này có thể xâm nhập vào mao mạch và đi vào máu, với cơ quan đầu tiên chịu ảnh hưởng là tim.

Các nghiên cứu cho thấy có nhiều cách mà PM2.5 gây hại cho tim: chúng có thể thẩm thấu qua thành phế nang và mao mạch, hòa tan vào chất lỏng trong phổi rồi đi vào máu, hoặc thậm chí ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, gây viêm nhiễm toàn thân và tác động đến chức năng tim mạch.

Một nghiên cứu năm 2023 do GS. Francesca Dominici, chuyên gia thống kê sinh học tại Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan thực hiện đã chỉ ra rằng, PM2.5 từ các nhà máy nhiệt điện than có thể gây tử vong cao gấp đôi so với PM2.5 từ các nguồn khác.

Làm thế nào để bảo vệ tim trước ô nhiễm không khí?

BS. Joseph Allen, chuyên gia về chất lượng không khí trong nhà tại Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan khuyến nghị, mọi người nên theo dõi chất lượng không khí qua các trang web uy tín. Nếu chất lượng không khí kém, có thể đeo khẩu trang N95 khi ra ngoài và sử dụng máy lọc không khí trong nhà.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện để sử dụng máy lọc không khí hoặc hệ thống lọc khí hiện đại. GS. Doug Dockery nhấn mạnh: "Việc cải thiện chất lượng không khí trong nhà có giới hạn, đặc biệt đối với các nhóm dân cư có thu nhập thấp. Giải pháp căn bản vẫn là cải thiện chất lượng không khí ngoài trời."

GS. Kari Nadeau khẳng định cần thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo, phương tiện điện và trồng thêm cây xanh để lọc sạch không khí. BS. Mary Rice bổ sung: "Bằng chứng đã rõ ràng: Ô nhiễm không khí từ đốt nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là từ các nhà máy nhiệt điện than và xe tải diesel cũ, rất có hại cho sức khỏe. Các chính sách giảm ô nhiễm không khí từ nhiên liệu hóa thạch sẽ mang lại lợi ích lớn cho tim và phổi của chúng ta."

 
Đào Dung (Theo harvard.edu)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tim mạch