Nên chọn loại magne nào trong thực phẩm bổ sung?

Tìm hiểu các loại magne trong chất bổ sung giúp bạn chọn mua được sản phẩm phù hợp và tối ưu

Vì sao bổ sung magne tốt cho hệ tiêu hoá?

Ăn thực phẩm giàu magne giảm nguy cơ teo não và thoái hoá chất trắng

Dấu hiệu "tố" cơ thể đang thiếu hụt magne

Ăn thực phẩm giàu magne giúp cải thiện tâm trạng

Magne hỗ trợ hơn 300 phản ứng enzyme liên quan đến nhiều chức năng khác nhau trong cơ thể như tăng cường sự chắc khoẻ của xương, điều chỉnh lượng đường trong máu, điều chỉnh huyết áp, thúc đẩy chức năng cơ và thần kinh khỏe mạnh.

Các thực phẩm chứa nhiều magne gồm các loại đậu, rau lá xanh đậm, cá, thịt gia cầm, các loại hạt. Ăn đủ thực phẩm giàu magne này có thể giúp giảm nguy cơ thiếu hụt magne và các triệu chứng liên quan, như chuột rút cơ, mệt mỏi, nhịp tim không đều và các vấn đề về thần kinh.

Tuy nhiên, với những người không nhận đủ lượng khoáng chất này từ thực phẩm tự nhiên, thường được khuyên dùng thực phẩm bổ sung. Thực tế có nhiều loại magne khác nhau và mỗi loại đều có những lợi ích sức khoẻ riêng.

Magne Oxide (MgO)

Đây là một trong những loại thực phẩm bổ sung magne phổ biến nhất, được tạo ra từ các ion magne và oxygen. MgO được dùng bằng đường uống để làm giảm các vấn đề về tiêu hóa, như táo bón, khó tiêu và ợ nóng. Ngoài ra, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Acta Neurologica Belgica năm 2019 cho thấy, MgO có hiệu quả trong điều trị chứng đau nửa đầu tương tự như valproate natri (một loại thuốc chủ yếu được sử dụng để điều trị đau nửa đầu).

Magne Citrate

Magne Citrate gồm các ion magne và citrate, có tác dụng nhuận tràng giúp giảm táo bón. Loại magne này cũng được cho là có tác dụng kiểm soát huyết áp, điều chỉnh lượng đường trong máu và giúp ngăn ngừa chứng rối loạn nhịp tim hoặc nhịp tim bất thường. Trên thực tế, một nghiên cứu đăng trên tạp chí Nutrients năm 2018 cho biết, lượng magne cao có liên quan đến giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

Magne Chloride

Được tạo thành bởi magne và 2 ion chloride, Magne Chloride được cho là hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, loãng xương và chứng đau nửa đầu. Tuy nhiên, nghiên cứu năm 2015 đăng trên tạp chí Nutrients cho thấy, Magne Chloride có nhiều khả năng gây ra tác dụng phụ về đường tiêu hóa, như khó chịu ở dạ dày, tiêu chảy, buồn nôn và nôn, hơn các loại magne khác.

Magne Sulphate

Việc tắm muối epsom đang càng ngày trở nên phổ biến trong nhiều năm qua, nó có thể được dùng cho nhiều đối tượng khác nhau kể cả trẻ em

Việc tắm muối epsom đang càng ngày trở nên phổ biến trong nhiều năm qua, nó có thể được dùng cho nhiều đối tượng khác nhau kể cả trẻ em

Theo StatsPearls Publishing, muối Epsom tên gọi khác của Magne Sulphate, khi ngâm mình trong bồn tắm có muối này, các chất phân hủy gồm magne và sulphate sẽ đi vào cơ thể qua da, giúp giảm táo bón. Loại magne này cũng được sử dụng để ngăn ngừa co giật trong sản giật/ tiền sản giật (đặc trưng bởi triệu chứng tăng huyết áp khi mang thai hoặc ngay sau khi sinh).

Magne Glycinate

Magne Glycinate có thể hỗ trợ kiểm soát cơn đau, tăng cường sự chắc khỏe của xương, giảm lo âu và giảm các triệu chứng trầm cảm. Một đánh giá năm 2021 được đăng trên Journal of Primary Care and Community Health cho thấy, loại magne này còn có khả năng hỗ trợ điều trị chứng đau cơ xơ hóa (một tình trạng đặc trưng bởi cơn đau khắp cơ thể kèm theo các rối loạn về giấc ngủ, nhận thức và tâm trạng). Một nghiên cứu cũ năm 2006 đăng trên tạp chí Medical Hypotheses cho biết, cung cấp 125-300mg Magne Glycinate và acid amin taurinate giúp cải thiện các triệu chứng ở người bị trầm cảm nặng.

Magne L-Threonate

Loại magne này giúp tăng cường sức khỏe não bộ và cải thiện chức năng nhận thức. Một nghiên cứu gần đây, năm 2022, đăng trên tạp chí Nutrients cũng gợi ý, Magne L-Threonate có thể làm giảm nguy cơ trầm cảm, bệnh Alzheimer và mất trí nhớ liên quan đến tuổi tác.

Magne Malate

Magne Malate được hình thành bởi sự kết hợp của magne và acid malic (acid được tìm thấy trong một số loại trái cây và rau củ). Loại magne này giúp giảm viêm trong cơ thể, giảm các triệu chứng trầm cảm và cũng có thể có lợi cho những người bị đau cơ xơ hóa.

Magne Taurate

Magne Taurate được tạo thành từ magne và taurine (một loại acid amin). Theo một nghiên cứu trên động vật đăng trên tạp chí Biomedicine and Pharmacotherapy năm 2016, Magne Taurate được phát hiện có tác dụng hạ huyết áp, giảm tổn thương oxy hóa và hỗ trợ bảo vệ mắt khỏi bệnh đục thủy tinh thể.

Ai nên dùng thực phẩm bổ sung magne và bổ sung bao nhiêu?

Theo Trường Y tế công cộng Harvard T.H. Chan (Mỹ), lượng magne khuyến nghị trong chế độ ăn uống cho người từ 19 tuổi trở lên là 400-420mg/ngày đối với nam và 310-320mg đối với nữ. Phụ nữ đang mang thai và cho con bú có thể cần bổ sung lượng magne tương ứng khoảng 350-360mg/ngày và 310-320mg/ngày.

Ăn thực phẩm giàu magne là cách tốt nhất để đáp ứng nhu cầu magne hàng ngày của cơ thể. Nhưng một số người có thể cần dùng thực phẩm bổ sung để ngăn ngừa tình trạng thiếu magne, như những người mắc các bệnh lý rối loạn tiêu hóa, bệnh thận hoặc đái tháo đường không kiểm soát được; Người dùng một số loại thuốc, như một số thuốc lợi tiểu; Phụ nữ mang thai và cho con bú; Người hoạt động thể chất cường độ cao. Lưu ý, thực phẩm bổ sung không thể thay thế nguồn thực phẩm tự nhiên, do đó những người này nên kết hợp cả hai.

 
Nguyễn Thanh (Theo Onlymyhealth)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Kinh doanh - Tiêu dùng