Nền kinh tế chăm sóc: Phụ nữ đóng vai trò trung tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu trực tuyến tại Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN lần thứ ba - Ảnh: VGP.

Vinalink Group tiếp tục làm rạng danh ngành chăm sóc sức khỏe và làm đẹp Việt Nam

WHO: Cần tích hợp biện pháp tự chăm sóc sức khỏe vào hệ thống y tế

Công nghệ thúc đẩy ngành chăm sóc sức khỏe ở Trung Quốc như thế nào?

3 cách A.I thay đổi ngành chăm sóc sức khỏe vào năm 2030

Đó là nhấn mạnh của Thủ tướng Phạm Minh Chính về những đóng góp to lớn của phụ nữ trong xã hội, tại Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN lần thứ ba với chủ đề "Thúc đẩy nền kinh tế chăm sóc và khả năng tự cường hướng tới Cộng đồng ASEAN sau năm 2025" vừa diễn ra tại thủ đô Vientiane, Lào.

Hội nghị đã đưa ra nhiều định hướng thiết thực để nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế chăm sóc, thúc đẩy bình đẳng giới, cùng nhiều đề xuất cụ thể nhằm tăng cường đầu tư vào nền kinh tế chăm sóc, giải quyết các vấn đề phức tạp và đa chiều đang đặt ra, bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người lao động, nhất là phụ nữ.

Tại Hội nghị, Thủ tướng chia sẻ kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023 của Việt Nam, trong đó, 11/20 chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới 2025; 3/20 chỉ tiêu đạt 1 phần so với mục tiêu đề ra đến năm 2030, trong đó có 12 chỉ tiêu đạt kết quả tốt hơn so với năm 2022.

 

Năm 2023, số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả lương của phụ nữ bằng 1,78 lần so với nam giới, tiệm cận mục tiêu đề ra đến năm 2025 là 1,7 lần. Chỉ số bình đẳng giới của Việt Nam năm 2023 xếp thứ 72/146 quốc gia, tăng 11 bậc so với năm 2022.

Thủ tướng nhấn mạnh cần thúc đẩy hợp tác phát huy tiềm năng và giải phóng sức lao động của phụ nữ, tăng cường nền kinh tế chăm sóc và khả năng tự cường hướng tới Cộng đồng ASEAN sau năm 2025, với cách tiếp cận toàn dân, toàn diện và toàn cầu, với sự tham gia hiệu quả của toàn xã hội, toàn chính phủ, toàn cộng đồng và toàn khu vực.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các nước ASEAN tập trung thực hiện các giải pháp thông qua "3 tăng cường", bao gồm: Tăng cường nhận thức, tư duy về vai trò của phụ nữ; Tăng cường đổi mới, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, xây dựng hệ thống dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe công lập chất lượng, dễ tiếp cận và giá cả phù hợp, nhất là tại các vùng nghèo, vùng sâu, vùng xa; Tăng cường đầu tư đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho người lao động...

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà, đại diện lãnh đạo nữ ASEAN đến từ Việt Nam tham dự Hội nghị, đã chia sẻ nhận định về tầm quan trọng của công việc chăm sóc không được trả công và những rào cản, thách thức trong việc công nhận đóng góp to lớn của công việc chăm sóc trong phát triển con người và tăng trưởng kinh tế.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cũng chia sẻ về thực trạng nền kinh tế chăm sóc ở Việt Nam, các thách thức về định kiến xã hội đối với vai trò của phụ nữ, hạn chế về cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc, nhất là ở khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa, hạn chế về phạm vi bao phủ an sinh xã hội đối với người làm công việc chăm sóc, dẫn đến bất bình đẳng về giới và thu nhập, từ đó đề xuất các khuyến nghị thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế chăm sóc và tăng cường vai trò của phụ nữ.

phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực kinh tế chăm sóc - Ảnh: Hiệp Nguyễn/sức khỏe+

Phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực kinh tế chăm sóc - Ảnh: Hiệp Nguyễn/Sức Khỏe+

Pháp luật Việt Nam quy định "Công việc chăm sóc" theo hướng công nhận, giảm bớt, phân phối lại; coi công việc chăm sóc không được trả lương có vai trò ngang bằng với công việc có trả công.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đây là những quy định tiến bộ và đảm bảo thúc đẩy bình đẳng giới. Chính phủ Việt Nam đã ban hành các quy định, chính sách về giúp việc gia đình, tạo hành lang pháp lý cho phát triển hệ thống chăm sóc xã hội. Bên cạnh các dịch vụ chăm sóc xã hội công lập, Việt Nam cũng đang khuyến khích phát triển các cơ sở, mô hình chăm sóc tại cộng đồng, nhằm hỗ trợ hộ gia đình dễ dàng hơn trong tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc xã hội theo nhu cầu.

Các nền kinh tế đang phát triển đang đứng trước những vấn đề về trao quyền kinh tế cho phụ nữ và thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào nền kinh tế. Trong khi đó, những nền kinh tế phát triển, hầu hết nằm trong các xã hội già hóa, đang phải đối mặt với nhu cầu cải cách hệ thống phúc lợi công cộng để đảm bảo tính bền vững.

Tuy nhiên, với bất kể bối cảnh kinh tế nào, nhu cầu chăm sóc cũng được dự báo tăng trưởng song song với độ tuổi trung bình và nhiệt độ toàn cầu. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ước tính, đóng góp vào GDP toàn cầu của ngành này sẽ tăng từ 9% trong năm 2018 lên 14,9% vào năm 2030.

 

Nền kinh tế chăm sóc là khái niệm chỉ lĩnh vực kinh tế liên quan đến việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc cho con người bao gồm trẻ em, phụ nữ, người già, người bệnh, người khuyết tật. Kinh tế chăm sóc đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hoạt động của xã hội.

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết, việc đầu tư vào các dịch vụ chăm sóc trẻ em và chăm sóc dài hạn phổ cập có thể tạo ra tổng cộng 299 triệu việc làm vào năm 2035, trong đó 78% sẽ do phụ nữ đảm nhận. Đây sẽ là cơ hội tốt nhất để giúp phụ nữ chuyển từ công việc chăm sóc không được trả lương sang công việc chăm sóc được trả lương.

Hiệp Nguyễn
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin