Tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới các bệnh lý tim mạch nguy hiểm. Căn bệnh này được coi là “kẻ giết người thầm lặng” do thường diễn biến âm thầm, không có triệu chứng đặc hiệu nhưng lại gây ra những hậu quả nặng nề như nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
Một trong những nguy cơ dẫn tới tăng huyết áp phổ biến trên toàn cầu là thói quen ăn thừa muối natri. Natri là chất điện giải giúp cơ thể duy trì áp lực thẩm thấu, giữ cho cân bằng lượng nước bên trong, ngoài tế bào và trong lòng mạch máu. Natri là thành phần chủ yếu trong muối ăn, cùng một số thực phẩm tự nhiên.
Thông thường, nồng độ chất điện giải natri được điều chỉnh bởi thận. Nhưng khi bạn ăn quá nhiều muối, nồng độ natri trong máu tăng lên. Điều này khiến nước sẽ được giữ lại trong lòng mạch, làm tăng thể tích máu lưu thông, tăng áp lực máu trong lòng mạch dẫn tới tăng huyết áp.
Khi lượng máu tăng lên, áp lực lên các mạch máu bắt đầu tăng lên và tim cần phải làm việc nhiều hơn để vận chuyển máu đi khắp cơ thể. Theo thời gian, sự căng thẳng này có thể dẫn đến xơ cứng mạch máu và làm tăng nguy cơ tăng huyết áp.
Ước tính, khoảng 30% tỷ lệ lưu hành bệnh tăng huyết áp (400 - 500 triệu ca trên toàn thế giới) có liên quan đến chế độ ăn nhiều muối natri, tức cứ 3 người mắc tăng huyết áp thì có 1 trường hợp do thói quen ăn mặn. Để nâng cao nhận thức về căn bệnh thầm lặng này, Hiệp hội Phòng, chống Tăng huyết áp Thế giới chọn ngày 17/5 hàng năm làm Ngày Thế giới Phòng, chống Tăng huyết áp. Chủ đề năm nay là “Đo huyết áp chính xác, kiểm soát huyết áp, kéo dài tuổi thọ”, nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp theo dõi, tầm soát và điều chỉnh thói quen sinh hoạt như ăn giảm mặn.
Theo giám sát mức tiêu thụ natri trong cộng đồng do Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiến hành điều tra quốc gia, năm 2015, mức độ tiêu thụ natri của người dân Việt Nam là 3.760mg/người/ngày (tương đương 9,4gr muối), gần gấp đôi khuyến nghị của WHO. Nhờ nỗ lực tuyên truyền của ngành y tế, năm 2021, mức độ tiêu thụ natri còn 3.360mg/người/ngày (tương đương 8,4gr muối).
Không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, ước tính người trưởng thành tiêu thụ trung bình 10,78gr muối mỗi ngày. Một trong những nguồn thực phẩm chứa nhiều muối nhất trong chế độ ăn là thực phẩm đóng gói sẵn và đồ ăn nhanh; Tiếp theo là gia vị và nước chấm (như nước mắm, nước tương). Natri cũng là thành phần chính trong mì chính (sodium glutamate) – phụ gia thực phẩm phổ biến ở nhiều khu vực, trong đó có Việt Nam.
Thói quen ăn mặn một phần đến từ khẩu vị đậm đà của người Việt Nam. Nước mắm - tinh chất từ muối và cá, tôm, hải sản - được sử dụng để chấm, cũng như tẩm ướp, nêm nếm khi nấu nướng. Người Việt còn có thói quen ăn trái cây chấm muối ớt, muối tôm, muối ô mai. Từ hàng nghìn năm nay, con người đã biết dùng muối ướp thực phẩm để bảo quản thực phẩm lâu dài và tăng hương vị cho món ăn. Ướp muối là phương pháp bảo quản thực phẩm lý tưởng cho vùng nhiệt đới, giúp tạo nên những món ăn truyền thống như dưa muối, cà muối, cá ướp muối (khô, mắm), thịt muối...
Trong khi ăn mặn là thói quen khó bỏ ở người lớn, trẻ em và thanh thiếu niên lại “mê” đồ ăn vặt như xúc xích, snack (bimbim). Cùng với quá trình toàn cầu hóa, thực phẩm chế biến sẵn, đóng hộp và đồ ăn nhanh tiện lợi du nhập vào Việt Nam. Đây là thực phẩm chứa lượng lớn muối natri cùng nhiều đường và chất béo. Sự kết hợp này tạo nên thực phẩm “siêu ngon miệng”, kích thích cơn thèm ăn, nhưng lại có thể “gây nghiện” cho não bộ và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch.
Nghiên cứu do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) tại Việt Nam tài trợ thực hiện năm 2020 cho thấy, gần 95% những người độ tuổi 15-25 ở Hà Nội thường xuyên tiêu thụ các loại thức ăn nhanh. Theo khảo sát do Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và các đối tác của Hiệp hội Cải thiện Thực phẩm Bổ sung ở Đông Nam Á (COMMIT) thực hiện, hơn một phần ba các sản phẩm thực phẩm thương mại, đồ ăn nhẹ được bán cho trẻ em ở Đông Nam Á chứa nhiều muối hơn mức khuyến nghị.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, người trưởng thành không nên ăn quá 2.000mg natri mỗi ngày (tương đương dưới 5gr muối, hoặc dưới 1 thìa cà phê gạt ngang).
Với trẻ từ 2-15 tuổi, WHO khuyến nghị cắt giảm lượng muối ít hơn người lớn tùy theo nhu cầu năng lượng của trẻ. Riêng trẻ sơ sinh, đang bú sữa mẹ hoặc ăn dặm (giai đoạn 6-24 tháng tuổi) không cần thiết phải bổ sung muối natri. Sữa mẹ, sữa công thức đã cung cấp đủ natri cho cơ thể trẻ. Ngay cả cha mẹ, ông bà thấy món ăn dặm của trẻ nhạt nhẽo, cũng không nên nêm muối, mắm vào thức ăn.
Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyến cáo, nên dùng muối được bổ sung iod – vi chất cần thiết cho sự phát triển của thai nhi, đảm bảo sức khỏe thần kinh và giảm tỷ lệ bướu cổ.
Việc đong đếm lượng muối ăn tại nhà chính xác tới từng gram là điều không tưởng. Tuy nhiên, để thực hiện chế độ ăn giảm muối, ngành y tế kêu gọi mỗi người hãy giảm một nửa lượng muối ăn vào hàng ngày. Biện pháp đơn giản này đem lại hiệu quả cao trong phòng, chống bệnh tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, bệnh tim mạch và các biện pháp không lây nhiễm khác. Nhiều nghiên cứu cho thấy, cắt giảm 3-5gr muối trong chế độ ăn mỗi ngày giúp giảm chỉ số huyết áp (mức độ ở mỗi người khác nhau tùy thuộc vào huyết áp hiện tại, lượng muối ăn, gene và thuốc điều trị).
Theo Thông tư số 29/2023/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành, thực phẩm được sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, lưu thông tại Việt Nam phải ghi các thành phần dinh dưỡng: Năng lượng; Chất đạm; Carbohydrate; Chất béo và Natri (mg) trên nhãn thực phẩm. Thói quen đọc nhãn giá trị dinh dưỡng giúp người tiêu dùng đưa ra những lựa chọn lành mạnh hơn khi mua thực phẩm chế biến sẵn.
Thực phẩm nhiều muối chưa chắc đã mặn, bởi chúng thường kết hợp thêm nhiều gia vị khác để cân bằng hương vị. Theo Hội đồng Thông tin Thực phẩm châu Âu (EUFIC), thực phẩm chứa hàm lượng muối cao gồm: Thịt chế biến sẵn (thịt muối, salami, xúc xích, thịt xông khói); Phô mai; Nước soup cô đặc; Đồ muối chua; Các loại hạt rang muối; Cá muối; Gia vị (nước tương, tương cà, xốt BBQ). Bạn nên chọn thực phẩm chứa hàm lượng muối dưới 1,5gr trên 100gr thực phẩm. Thực phẩm vượt quá giới hạn này chỉ nên ăn một lượng nhỏ, không ăn quá thường xuyên.
Bình luận của bạn