Thực phẩm “siêu chế biến” có thể gây nghiện như hút thuốc lá

Thực phẩm siêu chế biến hiện đang ngày một trở nên phổ biến ở mọi quốc gia trên thế giới.

Đây là lý do tại sao bạn nên bỏ những thực phẩm siêu chế biến

Nguy cơ tử vong sớm khi ăn những thực phẩm siêu chế biến

Phát hiện ung thư phổi di căn giai đoạn cuối do thói quen 20 năm

Ngày Thế giới không thuốc lá: 5 lý do khiến bạn muốn bỏ hút thuốc lá ngay

Một nghiên cứu quốc tế do các nhà khoa học tại Đại học Michigan (Mỹ) đứng đầu, mới đây đã xem xét 281 nghiên cứu từ 36 quốc gia khác nhau và phát hiện ra rằng 14% người lớn và 12% trẻ em có dấu hiệu nghiện thực phẩm chế biến sẵn, theo Thang đo Nghiện Thực phẩm Yale (công cụ được sử dụng phổ biến nhất để đánh giá độ gây nghiện của thực phẩm).

Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ gây nghiện của thực phẩm "siêu chế biến" gần bằng mức độ nghiện rượu (14%) và thuốc lá (18%) từng được công bố trên Tạp chí Y khoa Anh Quốc (British Medical Journal - BMJ).

Cụ thể, việc ăn những thực phẩm siêu chế biến - những thực phẩm chứa nhiều carbohydrate và chất béo, chẳng hạn như kẹo, kem, khoai tây chiên... đối với một số người có thể đáp ứng các tiêu chí về rối loạn sử dụng chất gây nghiện, dẫn đến một "cơ chế tâm lý sinh học của chứng nghiện và các vấn đề quan trọng về mặt lâm sàng".

Một phần lý do khiến thực phẩm chế biến sẵn gây nghiện là do chúng cung cấp chất béo và carbs đến ruột nhanh hơn rất nhiều so với thực phẩm chế biến thông thường. Ngoài ra, những thực phẩm này cũng chứa các chất phụ gia về hương vị và kết cấu khiến chúng dễ gây nghiện hơn.

Chuyên gia dinh dưỡng Tanya Freirich ở Bắc Carolina (Mỹ) cũng nêu ra một số dấu hiệu cảnh báo về hành vi gây nghiện liên quan tới thực phẩm. Chúng bao gồm việc suy nghĩ về thức ăn mọi lúc, thèm ăn khi không đói, thèm ăn ngay cả khi đã no, giảm khả năng kiểm soát lượng thực phẩm tiêu thụ, tiếp tục ăn một số loại thực phẩm bất chấp hậu quả tiêu cực.

"Mặc dù bạn hoàn toàn có thể thưởng thức đồ ăn nhưng việc nghiện ăn sẽ chuyển sang trạng thái không lành mạnh và có ảnh hưởng bất lợi đến hết cuộc đời bạn. Ví dụ, việc ăn quá mức có thể gây khó tiêu, mất tập trung vào những chủ đề khác ngoài thức ăn và đây là dấu hiệu của chứng nghiện thực phẩm", chuyên gia Tanya Freirich giải thích.

Mặc dù vậy, không phải tất cả các chuyên gia đều ủng hộ phát hiện này. Một chuyên gia dinh dưỡng khác không tham gia nghiên cứu, Erin Palinski-Wade ở New Jersey (Mỹ) cho biết cô nghi ngờ thực phẩm có thể gây nghiện như ma túy. Mặc dù thực phẩm giàu đường bổ sung có thể kích thích các chất hóa học tạo cảm giác dễ chịu trong não và hình thành thói quen, nhưng bản thân đường không gây nghiện như cocaine hoặc các loại ma túy khác.

Cô nói thêm: “Ăn đường và sau đó giảm hoặc loại bỏ nó khỏi chế độ ăn uống sẽ không dẫn đến các triệu chứng cai nghiện hoặc tác dụng phụ như sẽ xảy ra do nghiện thực sự”.

Tiến sĩ Chris van Tulleken, tác giả cuốn “Ultra-Processed People” cũng đồng ý rằng thực phẩm không gây nghiện. Tuy nhiên, thực phẩm “siêu chế biến” không thực sự là thực phẩm. “Mục đích của thực phẩm là cung cấp chất dinh dưỡng. Còn mục đích chính của thực phẩm “siêu chế biến” là lợi nhuận và tăng trưởng tài chính.”, Chris giải thích.

 
Việt An (Theo Fox News)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp