Cảm lạnh có thể ảnh hưởng lâu dài như "COVID kéo dài"

Các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và cảm lạnh có thể ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe người bệnh - Ảnh: The Times.

8 bệnh mạn tính đang trở nên phổ biến trên thế giới hậu COVID-19

Rối loạn tâm lý hậu COVID-19

68% F0 gặp triệu chứng hậu COVID-19 kéo dài từ 2 - 5 tháng

Nhiều rủi ro về sức khỏe vẫn kéo dài sau 2 năm mắc COVID-19

Sau khi nghiên cứu trên 10.000 người, các nhà khoa học tại Đại học Queen Mary ở London kết luận rằng các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính không phải do COVID-19 như: cảm lạnh, cúm hoặc viêm phổi...có thể gây ra những ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe người bệnh.

Tại thời điểm nghiên cứu, 1.343 người đã bị nhiễm COVID-19 và 472 người bị nhiễm trùng đường hô hấp có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19. Kết quả cho thấy, 22% người mắc COVID-19 có các triệu chứng kéo dài sau khi nhiễm bệnh, 22% những người bị nhiễm trùng đường hô hấp không phải COVID-19 cũng có các triệu chứng như vậy.

Theo CNN, Giulia Vivaldi, tác giả chính của nghiên cứu đến từ Đại học Queen Mary ở London, cho biết : "Nghiên cứu này không chỉ nhắc lại những tác động mà COVID-19 có thể gây ra (lâu dài) mà còn nhấn mạnh rằng những người mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác cũng có thể đang phải vật lộn để hồi phục sau giai đoạn cấp tính".

Theo một nghiên cứu năm 2022, 1,3% trẻ em và 6,9% người lớn cho biết đã từng trải qua tình trạng COVID kéo dài, điều mà các nhà nghiên cứu xác định là có các triệu chứng kéo dài ít nhất 3 tháng sau khi nhiễm bệnh.

"Hội chứng nhiễm trùng sau cấp tính không phải là hiện tượng mới; thực sự, nhiều trường hợp mắc hội chứng mệt mỏi mạn tính được ghi nhận là xảy ra sau một giai đoạn giống như nhiễm trùng. Tuy nhiên, những hội chứng này thường không được chẩn đoán do có nhiều triệu chứng khác nhau và thiếu các xét nghiệm chẩn đoán”, trích phần giới thiệu nghiên cứu được đăng trên Tạp chí The Lancet.

Có những điểm tương đồng giữa các triệu chứng của những người mắc “COVID kéo dài” và “cảm lạnh kéo dài”, nhưng các vấn đề điển hình của hậu COVID-19 như bị suy giảm vị giác, khứu giác hay chóng mặt thì không phổ biến ở những người bị “cảm lạnh kéo dài”. Ngoài ra, người bị "cảm lạnh kéo dài" sẽ dễ bị ho hoặc khàn giọng hơn những người mắc COVID-19. Cả 2 nhóm đều có các triệu chứng khó thở và mệt mỏi.

Hội chứng COVID kéo dài được biểu hiện bởi một loạt các triệu chứng xuất hiện sau khi người bệnh nhiễm COVID-19 trong thời gian dài

Hội chứng COVID kéo dài được biểu hiện bởi một loạt các triệu chứng xuất hiện sau khi người bệnh nhiễm COVID-19 trong thời gian dài

“Nghiên cứu liên tục về tác động lâu dài của COVID-19 và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính khác rất quan trọng vì nó có thể giúp chúng ta tìm ra nguyên nhân gốc rễ tại sao một số người gặp phải các triệu chứng kéo dài hơn những người khác. Cuối cùng, điều này có thể giúp các chuyên gia y tế xác định được cách thức điều trị và chăm sóc thích hợp nhất cho những người bị ảnh hưởng.” - Giáo sư Adrian Martineau, giáo sư lâm sàng về nhiễm trùng đường hô hấp và miễn dịch tại Đại học Queen Mary ở London chia sẻ.

Nhóm nghiên cứu cho biết, sẽ cần phải nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này bởi các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được "cảm lạnh kéo dài" có thể có các triệu chứng kéo dài bao lâu hay nghiêm trọng thế nào so với "COVID kéo dài", nhưng hy vọng những phát hiện mới sẽ thúc đẩy nỗ lực hơn nữa trong việc tìm hiểu, chẩn đoán và điều trị các hội chứng sau khi bị nhiễm trùng đường hô hấp.

“COVID kéo dài” (hay Long COVID) thường đề cập đến một loạt tác động trung và dài hạn có thể xuất hiện sau khi nhiễm COVID-19, bao gồm mệt mỏi, khó thở, chóng mặt, khó tập trung, các vấn đề về dạ dày, ho và rối loạn chức năng nhận thức.

Thuật ngữ “COVID kéo dài” xuất hiện từ đầu năm 2020 khi những người mắc bệnh COVID-19 không hồi phục hoàn toàn trong vài tuần hoặc vài tháng sau lần đầu tiên họ bị nhiễm virus.

 
Hiệp Nguyễn (Theo CNN/The Guardian)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn