Giấc ngủ ngắn có thể giúp duy trì sức khỏe não bộ

Lợi ích của giấc ngủ trưa ngắn với não bộ

Ngủ trưa quá 30 phút có thể tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim

Giấc ngủ trưa hiệu quả nên kéo dài bao lâu?

Ngủ quá 9 tiếng/đêm và ngủ trưa nhiều làm tăng nguy cơ đột quỵ

Ngủ trưa bao lâu là tốt?

Theo các nhà nghiên cứu từ Đại học College London (UCL) và Đại học Cộng hòa Uruguay, thói quen ngủ trưa có liên quan đến tổng thể tích não bộ lớn hơn, giảm nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ và các bệnh lý khác.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Sleep Health, các nhà khoa học đã sử dụng một kỹ thuật gọi là "ngẫu nhiên Mendel" (Mendelian randomization) để phân tích các mẫu DNA và quét não của 35.080 người từ 40 - 69 tuổi. Ngẫu nhiên hóa Mendel sử dụng biến thể di truyền để xác định xem liệu mối liên hệ quan sát được giữa phơi nhiễm và kết quả có phù hợp với tác động nhân quả hay không.

 

Kết quả cho thấy, sự khác biệt về thể tích não giữa những người ngủ trưa và không ngủ trưa tương đương với 2,5 đến 6,5 năm lão hóa.

Nhà nghiên cứu cấp cao, giáo sư Victoria Garfield thuộc Viện khoa học tim mạch của UCL cho biết: "Những phát hiện của chúng tôi cho thấy, đối với một số người giấc ngủ trưa ngắn có thể là một phần giúp bảo vệ sức khỏe của não bộ khi già đi".

Valentina Paz, người tham gia nghiên cứu, nói với CNN: "Một giấc ngủ trưa ngắn khoảng 5-15 phút có thể mạng lại lợi ích cho bạn".

Các nhà khoa học cũng chỉ ra một số điểm hạn chế của nghiên cứu như thói quen giấc ngủ do người tham gia tự báo cáo. 

Dù vậy, một số nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng, ngủ trưa thường xuyên hoặc ngủ trưa trong thời gian dài có thể là dấu hiệu của chứng mất trí nhớ sớm ở người lớn tuổi. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Alzheimer's and Dementia năm 2022, những người lớn tuổi ngủ trưa ít nhất 1 lần/ngày hoặc hơn 1h/ngày có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn 40% so với những người không ngủ trưa hàng ngày hoặc ngủ trưa ít hơn 1h/ngày.

Vào tháng 7/2022, một nghiên cứu khác cũng cho thấy những người thường xuyên ngủ trưa có nhiều khả năng mắc bệnh tăng huyết áp và đột quỵ. Những người tham gia nghiên cứu thường ngủ trưa có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp cao hơn 12% theo thời gian và nguy cơ đột quỵ cao hơn 24% so với những người không ngủ trưa.

Nhà tâm lý học lâm sàng và chuyên gia về giấc ngủ Michael Grandner cho biết: "Có thể việc chợp mắt không có hại, nhưng việc ngủ vào buổi trưa khiến cho giấc ngủ ban đêm không được ngon giấc".

Ngoài ra, ngủ trưa quá dài có thể là dấu hiệu của chứng rối loạn giấc ngủ tiềm ẩn. Tình trạng này có liên quan đến sự gia tăng căng thẳng và hormone điều chỉnh cân nặng, từ đó dẫn đến béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường type 2 - đây đều là các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim.

Lê Tuyết (Lược dịch theo CNN)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp