Tản mạn về cái tâm của người thầy thuốc

Bác sỹ điều trị và bệnh nhân ung thư màng nhung mao (Ảnh minh họa)

Nỗi buồn của những người thầy thuốc

GS.Đặng Văn Chung - "Người thầy của nhiều thế hệ thầy thuốc Việt Nam"

Vụ bác sỹ từ chối mổ: Lỗi thuộc về… ?

Bác sỹ gục khóc vì không cứu được người bệnh

Đó có lẽ không phải là điều chúng ta muốn nhưng lý do tại sao và cần làm gì để thay đổi, chúng tôi hy vọng một vài câu chuyện sau đây có lẽ sẽ gợi lên ít nhiều suy nghĩ.

1. Câu chuyện của một sinh viên ngành Y ở Mỹ

Nhiều năm trước đây, chúng tôi vẫn thường tự sướng là sinh viên Y/bác sỹ  ở Việt Nam không hề thua kém trên thế giới. Để vào trường Y, chúng tôi phải vượt qua kỳ thi tuyển hết sức gian nan và khó khăn. Ngược lại, ở Mỹ chẳng hạn, để thành sinh viên trường Y bạn chỉ cần nộp đơn xin vào học, không cần phải thi tuyển gì cả! Tất nhiên, mỗi nơi có những đặc thù khác nhau về nền tảng văn hóa và kinh tế nên mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Tuy nhiên, về sau này, khi tìm hiểu sâu về hệ thống đào tạo của Mỹ, chúng tôi mới biết mình sai đến thế nào.

Ở Việt Nam, một chương trình đào tạo bác sỹ Y khoa kéo dài 6 năm. Một học sinh tốt nghiệp trung học và qua được kỳ thi tuyển, cố gắng “sống sót“ qua 6 năm đại học là nghiễm nhiên thành “ông bác sỹ”. Thậm chí, khi tìm được nơi công tác ở một chuyên khoa nào đó của một bệnh viện, lập tức trở thành bác sỹ chuyên khoa dù chẳng cần thêm bằng cấp. Muốn thành bác sỹ chỉ đơn giản là thế!

Ở Mỹ, để thành một bác sỹ gia đình với bằng cấp cơ bản nhất, cần khoảng 11 năm. Một học sinh trung học sau tốt nghiệp muốn vào trường Y cần phải có một nền tảng vững chắc về Y khoa cơ sở, thường là các ngành liên quan. Chương trình cơ sở này thường kéo dài khoảng 4 năm. Sau khi có bằng cấp, sinh viên có thể bắt đầu nộp đơn xin dự tuyển vào các trường Y. Như đã nói, việc xét tuyển vào trường Y mang tính cá nhân hóa rất cao và không phải là một cuộc thi tuyển. Mỗi người dự tuyển đều được xét nghiêm ngặt theo những tiêu chí khác nhau. Hầu hết các trường Y ở Mỹ đều xét tuyển dựa vào các yếu tố sau đây.

Một buổi học của sinh viên trường Y (Ảnh minh họa)

- Quá trình học tập thể hiện qua bảng điểm ở trường cơ sở trước Y khoa, thường là > 3,5 (Hệ điểm 4). Ngoài ra, một điểm để tham khảo khác là điểm MCAT (Medical College Admission Test). Xét trên phương diện nào đó, kỳ thi MCAT gần giống như  thi tuyển đại học ở ta. Tất nhiên, để được xét thì điểm MCAT cũng phải rất cao.

- Đánh giá trực tiếp về chính bản thân người dự tuyển: Đây chính là sự đánh giá rất cá nhân về yếu tố “con người” đặt trong bối cảnh chung của xã hội và cộng đồng. Thông qua sự đánh giá này, các nhà quản lý trường Y xác định người dự tuyển có “thích hợp” với ngành thầy thuốc hay không? Các yếu tố được dùng để đánh giá bao gồm: Quá trình làm thiện nguyện của sinh viên; Yêu cầu về việc quan sát hoạt động y tế, thường khoảng vài chục giờ; Đánh giá về khả năng giao tiếp và tương tác với xã hội, môi trường chung quanh; Đánh giá về ý thức của người dự tuyển đối với ngành Y; Các trường đại học cũng cần thư giới thiệu từ những người đang hoạt động trong ngành Y cho đánh giá về cá nhân người xin tuyển. 

- Tất cả những yếu tố trên chỉ dùng để sàng lọc. Một khi hội đồng xét tuyển tìm được một cá nhân phù hợp, sẽ có thư mời phỏng vấn để người dự tuyến đến gặp và trao đổi trực tiếp “mặt đối mặt” với hội đồng. 

Sau cuộc một phỏng vấn một vài tháng, người dự tuyển sẽ nhận được thư chúc mừng được nhận vào trường hoặc một thư từ chối. 

Sau khi vào trường Y, các sinh viên phải qua 4 năm đào tạo chính thức. Khi tốt nghiệp trường Y (sau 8 năm), các “tân bác sý” vẫn chưa được hành nghề mà bắt buộc phải qua 3 năm nội trú, hành nghề dưới sự hướng dẫn của các bác sỹ chính thức. Chỉ sau 3 năm nội trú (sau 11 năm) và hoàn thành cuộc thi cấp chứng chỉ hành nghề quốc gia (USMLE) thì họ mới đuộc chính thức hành nghề bác sỹ gia đình. Những ai muốn tiếp tục trở thành bác sỹ chuyên khoa, cần phải được đào tạo thêm chuyên khoa đó trung bình từ 2 - 4 năm nữa.

Quá trình đào tạo bác sỹ ở Mỹ không hẳn đơn giản như trên mà còn nhiều chi tiết phức tạp khác liên quan đến việc tìm trường, tìm nơi nội trú, các bước thi lấy bằng... nhưng chúng tôi chỉ nêu lên những bước chính để chúng ta thấy sự khác biệt giữa hai hệ thống, chưa nói đến khía cạnh chi phí của đào tạo.

Ở Việt Nam, chúng ta chọn một người trở thành bác sỹ dựa trên “ĐIỂM” trong khi hệ thống của Mỹ chọn bác sỹ dựa trên yếu tố “CON NGƯỜI”. Bằng những yếu tố nhân văn, họ hy vọng chọn ra những người có nhiệt huyết với ngành, có sự đồng cảm với bệnh nhân và có khả năng tiếp cận chuyên môn tốt nhất. Nói cách khác, họ chọn những người có cả con tim và khối óc, chứ không chỉ là những con điểm số vô hồn.

Chúng tôi không ca ngợi hệ thống đào tạo của Mỹ vì hệ thống nào cũng có ưu khuyết điểm của nó.  Chúng tôi chỉ mu

ốn nêu một nhận xét: Vì sao chúng ta mãi than phiền nhiều nhân viên y tế không quan tâm đến bệnh nhân, vì sao một số người không có cái “TÂM” của người thầy thuốc. Dường như chúng ta đã bỏ quên điều đó ngay từ bước đầu khi cho phép một người được khoác lên tấm áo trắng cao quý.

2. Câu chuyện của một bệnh nhân ung thư ở Mỹ

Đây là câu chuyện của một bệnh nhân vừa trải qua cuộc mổ cấp cứu vì ung thư và đang trong quá trình xạ trị, hóa trị sau mổ tại một bệnh viện trung bình của Mỹ.

Ngày thứ nhất sau khi vào cấp cứu và trải qua cuộc mổ an toàn, chị nhận được tin dữ cho biết về tình trạng khối u và đang trong tình trạng lo lắng, buồn phiền. Người y tá đi vào và cho biết có một món quà được gửi đến. Đó là một chiếc vòng tay đơn giản với hàng chữ courage. Chị không biết người gửi là ai nhưng trong khoảnh khắc bất an đó, chiếc vòng mang lại một niềm tin kỳ diệu và giúp cho chị bình tĩnh lại và cảm thấy bình yên hơn khi nghĩ về căn bệnh của mình.

Nhiều ngày sau đó, chị cố gắng tìm hiểu và biết được người gửi là người bác sỹ trực cấp cứu tối hôm đó, người nhận bệnh và chẩn đoán sơ bộ trước khi bàn giao cho bác sỹ phẫu thuật, người mà thậm chí chị không nhớ tên vì chỉ tiếp xúc vài lần trong lúc đang lo lắng và sợ hãi.

Về chiếc vòng, sau đó chị được biết đây là biểu tượng của tổ chức John Wayne Cancer Foundation, một tổ chức thiện nguyện phi chính phủ được thành lập để kỷ niệm Diễn viên John Wayne và cuộc chiến chống lại căn bệnh ung thư của ông. Phương châm của tổ chức này là đem lại sự can đảm, sức lực và niềm tin cho cuộc chiến chống ung thư của bạn. Biết được điều đó, chị càng có thêm hy vọng trong cuộc chiến của mình.

Vài ngày sau đó, chị được gửi đến một trung tâm hóa trị cách nhà 45 phút chạy xe. Người bác sỹ hóa trị đã rất ngập ngừng khi tiếp nhận trường hợp của chị, không phải vì ngại vấn đề chi phí, cũng không phải vì bệnh quá khó, lại càng không phải vì chị không có phong bì, phong bao… Chỉ đơn giản vì ông không muốn người bệnh phải di chuyển một quãng đường khá dài như thế, vì ông biết người bệnh sẽ rất mệt trong quá trình xạ và hóa trị. “Ít đi một mile di chuyển thì người bệnh đỡ mệt một chút”, ông nói như thế. Vị bác sỹ đó chỉ đồng ý nhận trường hợp của chị sau khi cố gắng liên hệ để chuyển về một số trung tâm xạ trị gần nhà chị hơn nhưng không thành công.

Một tuần sau đó, đợt hóa trị bắt đầu làm chị cảm thấy mệt mỏi và khó chịu. Các kỹ thuật viên và y tá khi tiếp xúc không động viên chị một cách đơn thuần. Họ kể lại những trải nghiệm của chính bản thân họ. Một người bị ung thư não, hai người bị ung thư buồng trứng, một người bị ung thư vú… Tất cả họ đều đang làm việc và đang khỏe mạnh. Họ kể lại những gì họ đã trải qua trong suốt thời gian xạ trị và hóa trị, cũng như chị bây giờ. Mỗi câu chuyện đều có những nét riêng của nó nhưng câu cuối của họ đều giống nhau: “Hãy cố lên, chị sẽ làm được !”.

Bản thân chị cũng biết ít nhiều về tình trạng ngành Y của Việt Nam nhưng những mẩu chuyện nhỏ như thế làm chị cảm thấy ấm áp, cảm thấy là chính mình đang được quan tâm và điều trị, chứ không phải là căn bệnh đang được điều trị. Đó cũng là điều là y tế Việt Nam chúng ta đang hướng tới: Điều trị người bệnh chứ không phải điều trị căn bệnh. Trên thực tế, có thể nói phần lớn nhân viên y tế ta chỉ cố gắng “hoàn thành nhiệm vụ” mà ít khi nào nghĩ xa hơn, nghĩ về những cảm thụ và suy nghĩ của chính người bệnh. Đó thật sự là một sự khác biệt rất lớn. Sự khác biệt về thiết bị, máy móc thì đơn giản và chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục sau vài ngày, vài tuần bằng vài bản hợp đồng nhưng sự khác biệt về nhận thức, có lẽ chúng ta cần thay đổi về cách thức đào tạo và không ít hơn vài thế hệ.

Thay lời kết

Đã có lúc chúng ta đề cao vai trò của tinh thần trách nhiệm trong cuộc sống hàng ngày. Phải chăng việc “làm tốt những gì được giao“, “làm đúng những gì được yêu cầu” là đã đủ để coi là “hoàn thành công tác xuất sắc”. Có thể như thế với các lĩnh vực khác, nhưng không phải là trong ngành Y. Khi đối diện với những vấn đề của bệnh nhân, tất cả các giấy tờ, thủ tục và quy định có lẽ chỉ là thứ yếu. Như người ta thường nói, từ trái tim đến trái tim. Khi làm việc với một tấm lòng vì bệnh nhân thì đó là một người thầy thuốc. Nếu không có, e rằng đó chỉ là một công chức trị bệnh mà thôi. 

Lược trích bài viết của TS.BS Võ Xuân Quang
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý