Người thứ 6 trên thế giới khỏi HIV nhờ cấy ghép tủy xương điều trị bệnh ung thư máu - Ảnh: NBC News.
CDC Mỹ làm việc về công tác phòng, chống HIV/AIDS
Người thứ 5 trên thế giới khỏi HIV nhờ ghép tế bào gốc
Ca ghép tim đầu tiên trên thế giới giữa 2 người mắc HIV
Trẻ đủ 15 tuổi được quyền tự nguyện xét nghiệm HIV
Theo NBC News, một người đàn ông 50 tuổi, sống ở thành phố Geneva, Thụy Sĩ, được chẩn đoán nhiễm HIV vào năm 1990. và bắt đầu điều trị bằng thuốc kháng virus vào năm 2005. Năm 2018, bệnh nhân được chẩn đoán mắc một loại ung thư máu hiếm gặp, được điều trị bằng xạ trị, hóa trị và cấy ghép tế bào gốc từ tủy xương.
Sau gần 2 năm được ghép tế bào gốc, các xét nghiệm liên tục sau đó không phát hiện HIV trong máu bệnh nhân nữa nên các bác sĩ đã chỉ định ngừng dùng thuốc điều trị HIV cho bệnh nhân kể từ tháng 11/2021. Bệnh nhân này sẽ tiếp tục được theo dõi trong vòng 5 năm nữa.
Các nhà khoa học nhận định, nếu đủ thời gian trôi qua mà không có dấu hiệu của virus trở lại, "bệnh nhân Geneva" có thể là người thứ 6 trên thế giới chắc chắn hoặc có thể đã được chữa khỏi HIV.
Điểm chung của 6 người này là đều nhiễm HIV khi họ được cấy ghép tế bào gốc để điều trị các bệnh ung thư máu như bệnh bạch cầu hoặc ung thư hạch. 5 bệnh nhân trước đó khỏi HIV nhờ cấy ghép tủy xương từ người hiến chứa đột biến gene CCR5 delta 32. Đây là loại đột biến gene ngăn cản HIV xâm nhập vào hệ miễn dịch nhờ tạo ra các tế bào kháng HIV một cách tự nhiên.
Tuy nhiên, không giống 5 trường hợp trước đó, trường hợp mới này liên quan đến việc người hiến tặng tế bào gốc lại không có bất thường di truyền hiếm gặp tạo ra khả năng kháng HIV trong các tế bào miễn dịch mà virus nhắm đến để lây nhiễm.
Theo NBC News, một số bệnh nhân HIV khác trước đây đã được cấy ghép tế bào gốc từ người hiến tặng mà không có đột biến gene hiếm gặp đã bị tái phát virus không quá 10 tháng sau khi ngừng điều trị bằng thuốc kháng virus và không được chữa khỏi.
“Khả năng bùng phát trở lại của virus thực sự là một mối lo ngại. Virus có thể tồn tại trong các tế bào máu bị nhiễm bệnh hiếm gặp hoặc các vị trí giải phẫu mà chúng tôi chưa phân tích.” - Asier Sáez-Cirión, thành viên nhóm nghiên cứu, trưởng bộ phận kiểm soát miễn dịch và virus tại Viện Pasteur ở Paris (Pháp) cho biết.
Theo giới chuyên gia, phương pháp trị liệu đối với "Bệnh nhân Geneva" vẫn mang tính cá biệt, không thể áp dụng đại trà để điều trị cho người nhiễm HIV nói chung. Tuy nhiên, trường hợp này góp phần mở ra hiểu biết mới trong điều trị HIV.
Bệnh nhân được cấy ghép các tế bào gốc khỏe mạnh vốn là liệu pháp trong điều trị một số loại ung thư hoặc suy giảm miễn dịch. Tuy nhiên, liệu pháp này cũng có thể có một số rủi ro đi kèm như tổn thương nội tạng, nhiễm trùng, vô sinh hoặc đục thủy tinh thể. Vì vậy, việc cấy ghép tế bào gốc cho người không bị ung thư không được các nhà khoa học khuyến khích và được coi là "phi đạo đức" vì phương pháp điều trị quá độc hại.
TS. Alexandra Calmy, người đứng đầu đơn vị điều trị HIV/AIDS của Bệnh viện Đại học Geneva (Thụy Sĩ) cho biết: "Thông qua ca bệnh đặc biệt này, chúng tôi đang khám phá chân trời kiến thức mới với hy vọng một ngày nào đó, việc chữa khỏi HIV sẽ không phải trường hợp hiếm gặp".
Trường hợp của "bệnh nhân Geneva" sẽ được trình bày tại Hội nghị IAS lần thứ 12 về Khoa học HIV (Hội nghị AIDS quốc tế 2023) đang diễn ra ở Brisbane, Australia. Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam, PGS. TS Nguyễn Thị Liên Hương cùng đoàn đại biểu của Bộ Y tế cũng tham dự Hội nghị lần này. Hội nghị là cuộc họp mặt lớn hai năm một lần của các nhà khoa học chia sẻ những tiến bộ của thế giới trong nghiên cứu HIV, cũng như sẽ được nghe các bài thuyết trình đáng chú ý liên quan đến việc kiểm soát HIV sau điều trị ở trẻ sơ sinh nam, tác động của việc cắt bao quy đầu đối với nguy cơ nhiễm HIV ở nam giới đồng tính nam và mối quan hệ giữa HIV và mpox (trước đây gọi là bệnh thủy đậu).
Ngoài bệnh nhân Geneva, 5 người trước đó được chữa khỏi HIV gồm các bệnh nhân ở California, New York, Berlin, London và Dusseldorf.
Hiện tại, có 8 loại thuốc điều trị ARV dành cho bệnh nhân HIV đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt. Theo Tổ chức Y tế xuyên lục địa Mỹ, các loại thuốc này được sử dụng kết hợp để tăng hiệu lực và giảm khả năng virus kháng thuốc.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến cuối năm 2022, có 39 triệu người trên thế giới đang sống chung với HIV và 630.000 người đã chết vì HIV/AIDS.
Bình luận của bạn