Phương pháp ghép tế bào gốc đang cho thấy sự hiệu quả trong việc chữa HIV
Dòng chảy Sức khỏe+: Dịch HIV đang có xu hướng gia tăng tại Việt Nam
Ca ghép tim đầu tiên trên thế giới giữa 2 người mắc HIV
Trẻ đủ 15 tuổi được quyền tự nguyện xét nghiệm HIV
Những điều cần biết về ghép tế bào gốc điều trị ung thư máu
Được gọi là "bệnh nhân Dusseldorf" để bảo vệ quyền riêng tư của người bệnh, các nhà nghiên cứu cho biết, người đàn ông này là trường hợp thứ 5 trên thế giới đã xác nhận chữa khỏi HIV. Mặc dù chi tiết về quá trình điều trị thành công của bệnh nhân này lần đầu tiên đã được công bố tại một hội nghị vào năm 2019, nhưng các nhà nghiên cứu lại không thể xác nhận được rằng ông đã chính thức khỏi bệnh vào thời điểm đó.
Tuy nhiên, ngày 21/2, các nhà nghiên cứu đã công bố xác nhận, "bệnh nhân Dusseldorf" vẫn không phát hiện thấy virus trong cơ thể, ngay cả khi đã ngừng điều trị HIV từ cách đây 4 năm.
Tiến sĩ Bjorn-Erik Ole Jensen, tác giả nghiên cứu, trưởng bộ phận bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đại học Düsseldorf (Đức) cho biết: "Bệnh HIV đã thực sự được chữa khỏi chứ không chỉ là thuyên giảm lâu dài. Đây rõ ràng là một tín hiệu tích cực đầy hy vọng, nhưng còn rất nhiều việc phải làm", theo ABC News.
Từ lâu nay, đối với hầu hết mọi người, HIV được coi là căn bệnh thế kỷ nguy hiểm bởi virus gây bệnh có khả năng tấn công bất kỳ ai gây suy giảm hệ miễn dịch, người nhiễm HIV sẽ phải sống chung với bệnh cả đời và virus gần như không bao giờ bị tiêu diệt hoàn toàn. Tuy nhiên, ngày nay, nhờ khoa học phát triển, nhiều loại thuốc và phương pháp điều trị hiện đại ra đời giúp những người nhiễm HIV có thể sống lâu và khỏe mạnh hơn.
"Bệnh nhân Dusseldorf" là người thứ 5 trong nhóm những bệnh nhân đã được chữa khỏi HIV trong một "hoàn cảnh khắc nghiệt" sau khi được cấy ghép tế bào gốc, liệu pháp trị bệnh được thực hiện ở những bệnh nhân ung thư không còn lựa chọn nào khác.
Ghép tế bào gốc là một quy trình có rủi ro cao với mục tiêu chính là nhằm thay thế các tế bào máu bị hư hỏng trong cơ thể bằng các tế bào khỏe mạnh, "sửa chữa" hệ thống miễn dịch và điều trị bệnh ung thư. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các nhà khoa học nhận thấy quy trình này lại dẫn đến việc chữa khỏi căn bệnh HIV.
Theo báo cáo được đăng tải trên Tạp chí Nature Medicine, bệnh nhân Dusseldorf có kết quả dương tính HIV vào năm 2008. Đến năm 2011, ông mắc bệnh bạch cầu và được hóa trị, nhưng khối u tái phát vào năm sau. Năm 2013, bệnh nhân làm phẫu thuật cấy ghép tế bào gốc để chữa bệnh bạch cầu. Các tế bào đến từ người hiến tặng có đột biến vô hiệu hóa thụ thể CCR5 mà HIV sử dụng để lây nhiễm các tế bào miễn dịch. Điều này vô tình trở thành một loại vaccine phòng bệnh AIDS.
HIV hay virus gây suy giảm miễn dịch ở người, khi xâm nhập vào cơ thể sẽ phá hủy các tế bào miễn dịch của người bệnh. Nếu không được điều trị, tổn thương liên tục có thể dẫn đến AIDS, hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải, khi mà một người sẽ không thể chống lại nhiễm trùng dù chỉ là một chút.
Với khoảng 38,4 triệu người trên toàn cầu đang sống chung với HIV, các phương pháp điều trị căn bệnh thế kỷ này đã đi được một chặng đường dài. Ngày nay, các loại thuốc hiện đại có thể ngăn chặn virus và nhiều nghiên cứu đã tìm cách ngăn ngừa nhiễm HIV bằng vaccine cũng đang được tiến hành.
Người đầu tiên trên thế giới được chữa khỏi HIV là Timothy Ray Brown. Các nhà nghiên cứu đã công bố trường hợp của bệnh nhân ở Berlin (Đức) này vào năm 2009. Tiếp theo là một bệnh nhân ở London (Anh) được công bố vào năm 2019. Gần đây nhất là 2 bệnh nhân ở Bệnh viện City of Hope (California, Mỹ) và New York (Mỹ) được báo cáo vào năm 2022.
Cả 4 bệnh nhân từng chữa khỏi HIV trước đó đều đã được ghép tế bào gốc để điều trị ung thư máu. Những người hiến tặng của họ cũng có cùng một đột biến kháng HIV, loại bỏ 1 protein gọi là CCR5, mà HIV thường sử dụng để xâm nhập vào tế bào. Thống kê cho thấy, chỉ 1% tổng dân số mang đột biến gene khiến họ kháng HIV.
“Khi bạn nghe về những phương pháp chữa khỏi HIV này, rõ ràng là không thể tin được, để thấy nó thực sự khó khăn như thế nào. Tuy nhiên, bạn thấy đấy, vẫn có những ngoại lệ," Tiến sĩ Todd Ellerin, giám đốc bệnh truyền nhiễm tại South Shore Health cho biết, theo ABC News.
Theo các chuyên gia, cấy ghép tế bào gốc là một liệu pháp điều trị phức tạp đi kèm với nhiều rủi ro như: nhiễm trùng, chảy máu, tình trạng tế bào cấy ghép chống lại vật chủ (GVHD), và việc dùng nó như một phương pháp chữa trị cho những người nhiễm HIV là vô cùng mạo hiểm. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn đang hy vọng, phát hiện này sẽ là một bước tiến trong việc thúc đẩy khoa học và giúp chúng ta hiểu hơn về các phương pháp điều trị dứt điểm căn bệnh HIV.
Bình luận của bạn