Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 - Chúc thầy cô luôn khỏe mạnh!

Tác giả trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên báo chí tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM (K6, 2008)

Bác sỹ BV Đại học Y Hà Nội được đề cử Giải thưởng KHCN Quả cầu vàng

Mách bạn bí quyết làm đẹp da mặt từ vỏ cam

Bổ sung enzyme tiêu hóa có lợi ích gì, khi nào cần bổ sung?

6 lầm tưởng phổ biến về "chuyện ấy" sau tuổi 50

7 loại trà giúp bạn xoa dịu căng thẳng tự nhiên

Năm 22 tuổi, tôi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài Gòn, ban Anh văn, nhưng tôi không đi hết con đường thầy giáo của mình. Khi nghỉ hưu, tôi là nhà báo, làm báo. Làm báo hay dạy học, với tôi, cũng là “làm giáo dục”, như cụ Nguyễn Đình Chiểu từng quan niệm: “Văn dĩ tải đạo”. Vì thế, năm nào đến ngày 20/11 - Ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi đều viết hay làm một việc nho nhỏ để kỷ niệm cho riêng mình.

Ngày Nhà giáo 20/11 năm nay - năm thứ hai đại dịch Covid-19, tôi không có suy nghĩ nào lớn hơn là các suy nghĩ về sức khỏe của những người thầy. Từ đầu năm 2021 đến khi viết bài báo này (tháng 11/2021) tôi đã mất 9 thầy, cô giáo cũ ở Việt Nam hay ở Mỹ, Úc, Canada… Hầu hết vì bệnh nền, nhưng Covid-19 là “giọt nước cuối cùng tràn ly sự sống”.

Tôi còn nhớ, năm đầu tiên ở trường Sư phạm, tôi học môn “Tâm lý chức nghiệp” với thầy Phạm Văn Quảng, tiến sỹ giáo dục vừa học ở Mỹ về. Bài học đầu thầy nói về sự vất vả của người giáo viên, đại ý: Ở bất cứ tuổi nào, dạy lớp nào hay môn học nào, công việc của mỗi thầy giáo - từ cô giáo mầm non cho đến giáo sư đại học - đều rất vất vả, không chỉ về thể chất mà còn về tinh thần. Đây là lý do tại sao giáo viên cần phải hết sức thận trọng về sức khỏe.

ky-nang-can-co-cua-giao-vien-tieu-hoc

Những năm 1960, tiêu chí tuyển sinh viên sư phạm vô cùng ngặt nghèo, trong đó có xét về hình thể

Tôi nhớ vào những năm đó, thi vào ngành sư phạm rất chọn lọc, không chỉ về học lực, hạnh kiểm mà còn về thể lực. Tất cả mọi khiếm khuyết về thể chất đều bị loại (tôi không biết như vậy có nhân văn hay không?) nhưng tôi cũng suýt bị loại vì chiều cao hơi khiêm tốn. May mà lúc đó người ta cần rất nhiều thầy cô dạy Anh văn. Tất nhiên cuộc sống bao giờ cũng có ngoại lệ, nên chúng ta vẫn có những thầy, cô chẳng may có một khuyết tật nào đó nhưng họ đáng được kính trọng hơn nữa!

Thế nên, khi thi vào Đại học Sư phạm, chúng tôi phải đến trung tâm y tế sinh viên để kiểm tra tổng quát và khi tốt nghiệp lại kiểm tra với nhiều chỉ số hơn, đặc biệt răng được khám rất kỹ vì “thầy giáo trẻ mà sún răng sẽ là trò cười cho lũ học trò tinh ma”, thầy tôi nói.

Có lẽ, bạn sẽ thấy tôi hơi dài dòng một chút về quá khứ, vì hiện nay, dù chúng ta bày tỏ sự kính trọng đối với các thầy, cô giáo của mình, hầu hết chúng ta không nhận ra rằng, công việc của một thầy (cô) giáo Việt Nam căng thẳng như thế nào? Tại các trường học ở Việt Nam hiện nay, tỷ lệ giáo viên trên học sinh thường không lý tưởng và kết quả là giáo viên phải làm việc quá tải, không chỉ với một số lượng lớn học sinh trong lớp mà còn quá tải với chương trình dạy. Chăm sóc, theo dõi và chịu trách nhiệm cho sự phát triển tổng thể - học lực, hạnh kiểm và cả thể lực của học sinh, quả thực là một công việc khó khăn. Đó là chưa kể thầy cô hiện nay còn phải vật lộn với những chương trình thay đổi, cải tiến, đổi mới… gần như "chuyện thường ngày ở huyện”. Đây là lý do tại sao giáo viên cần phải quan tâm đặc biệt đến sức khỏe bản thân, trong khi lương tiền thì rất hạn chế!

Tôi xin quay trở lại với “bài học đầu tiên” trong năm thứ nhất sư phạm của tôi, trong đó thầy tôi nhắc nhở sinh viên sư phạm, trước hết và trên hết, phải chú ý đến các “vấn đề về bệnh nghề nghiệp” nếu muốn theo đuổi nghề dạy học suốt cuộc đời.

luong-giao-vien_cjdp_jwvp

Các bệnh về lưng, cột sống của giáo viên xuất phát từ các tư thế không đúng khi dạy học trò

Thứ nhất là các bệnh về lưng. Giáo viên dành nhiều thời gian cho việc đứng giảng bài. Đứng quá lâu có thể gây hại không chỉ cho chân mà còn ảnh hưởng đến lưng. Trong điều kiện căng thẳng thường xuyên, nhiều giáo viên có xu hướng cong lưng, khom lưng hoặc có tư thế không đúng. Điều này có thể làm hỏng cột sống. Khi mới ra trường, tôi quan sát thấy trong trường nơi tôi dạy hầu hết các thầy đứng tuổi như hiệu trưởng, giám thị đều bị còng lưng.

Thứ hai ảnh hưởng tai. Một nghiên cứu của Học viện Sahlgrenska tại Đại học Gothenburg, Ấn Độ, cho thấy 7/10 nữ giáo viên mầm non bị các vấn đề về thính giác, bởi vì giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non "thường xuyên tiếp xúc với giọng nói và tiếng la hét, vì họ phải lắng nghe bọn trẻ". Vợ tôi khi về hưu đã mở một trường mầm non tại quận Tân Bình, TP.HCM, và sau ba năm làm việc tại đó, bà gặp phải vấn đề về tai. Lúc đầu, tưởng do tuổi tác, nhưng sau khi các cô giáo trẻ tại đó cũng có một số khó khăn khi nghe người khác nói chuyện, thì mới biết rằng đó là “bệnh nghề nghiệp”. Em trai tôi, năm nay mới ngoài 60, nhưng đã  bị điếc, có lẽ hơn chục năm cậu ấy làm hiệu trưởng một trường mầm non tại quận Thanh Khê, Đà Nẵng.

Các phát hiện cho thấy rằng mất thính giác và ù tai, cảm giác nghe thấy âm thanh lạ trong tai là những triệu chứng phổ biến thứ hai ảnh hưởng đến giáo viên mầm non. Các nhà khoa học sư phạm trong nghiên cứu này cho biết, các thiết bị bảo vệ thính giác có thể giúp ích cho giáo viên. Tôi nhớ thầy Quảng (mà tôi nhắc ở trên) cũng nhắc chúng tôi rằng “trợ huấn cụ” (teaching aids) không chỉ là các thiết bị dạy học, mà còn cả các thiết bị hỗ trợ thể lực thầy cô.

Vấn đề thứ ba là sức khoẻ tinh thần mà chúng ta gọi là căng thẳng. Điều này thường gây ra từ học sinh. Một số học sinh đặc biệt có thể rất khó dạy, hoặc các em đó có nhu cầu khác biệt. Việc giáo viên kiệt sức là điều rất bình thường. Giảm số lượng học sinh sẽ là giải pháp lý tưởng. Giáo viên cũng có thể thử tập yoga để giữ bình tĩnh. Đó là lý do tại sao dân gian thường nói: Nhất quỷ, nhì ma, và thứ ba học trò. Thậm chí sinh viên sư phạm phải chuẩn bị tinh thần đối phó với đa số học sinh quậy phá, chứ không phải ngược lại. Căng thẳng tinh thần dẫn tới mất kiểm soát ở thầy cô, trong khi xã hội nói chung và phụ huynh học sinh nói riêng ít chia sẻ điều đó. Câu chuyện phụ huynh bắt thầy cô quỳ gối hay bạo hành thầy cô mà chúng ta từng biết đều xuất phát từ sự căng thẳng thần kinh của cả thầy cô và phụ huynh.

elsa-17

Người giáo viên chịu nhiều áp lực để chăm sóc, dạy dỗ học sinh cả về học lực, thể chất và tinh thần

Chắc ai trong chúng ta đều có những kỷ niệm tốt đẹp về người thầy, nhưng ít ai trong chúng ta không một lần làm thầy cô thất vọng. Khi học tiểu học, tôi luôn là học sinh đứng đầu lớp và thường được cô giáo yêu thương. Vào năm lớp 4 (hồi đó - những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, gọi là lớp 2), tôi đã chọc giận cô giáo của tôi: cô đã ném “tác phẩm” thủ công của tôi ra khỏi cửa sổ lớp học (vì đã không vẽ đúng bản đồ Việt Nam)… và đã không giao công việc cho cậu học trò cưng suốt một tuần (như tính điểm dùm cô, mang sổ ghi chép của các bạn về nhà cô, trực lớp khi cô đi họp…). Năm chúng tôi học lớp đệ nhất (lớp 12 bây giờ) học môn Anh văn với giáo sư John Schafer (hiện nay 90 tuổi, giáo sư Đại học Humbolt, California, Hoa Kỳ), lớp chỉ có 10 hoc sinh, nhưng có lẽ vì không hiểu hết tất cả lời thầy, nên thường bỏ học. Tôi đã thấy thầy vò đầu ngồi xuống bục và khóc (lúc đó thầy chừng 25 tuổi). Thầy nói với đứa học trò duy nhất ở lại trong lớp là tôi: “Tại sao các em lại ghét người Mỹ?” (Thật ra không phải vậy, mà vì lũ học trò sợ không nghe hiểu được hết những gì thầy nói). Thầy nói thầy bị mất ngủ nhiều đêm vì chuyện đó. Sau đó thầy chuyển ra dạy tại Đại học Huế.

Một tổng kết của Liên Hiệp Quốc thì cho rằng nghề giáo có tuổi thọ ngắn thứ nhì (sau nghề báo) trong tất cả các nghề nghiệp. Điều này cho chúng ta thêm niềm tin rằng sự hy sinh của thầy cô là không kể xiết.

Thứ tư là các vấn đề liên quan đến giọng nói. Tiếng ồn của học sinh trong lớp, khiến cho giọng giảng bài của giáo viên bị ảnh hưởng nặng nề. Đó là chưa kể bụi phấn… Hầu hết các giáo viên đều bị viêm họng mạn tính. Các nhà giáo dục sư phạm khuyên giáo viên nên sử dụng tín hiệu không lời như vỗ tay hoặc huýt sáo có thể giúp ích cho giáo viên ở một mức độ nhất định. Hiện nay dạy online có thể là giải pháp lâu dài hạn chế bệnh về họng cho thầy cô.

Thứ năm là bệnh về mắt. Nghề giáo là nghề phải cập nhật kiến thức thường xuyên, phải đọc nhiều sách giáo khoa và sách tham khảo. Điều này tất nhiên ảnh hưởng đến thị lực. Hầu hết các thầy cô của tôi từ tiểu học cho đến sau đại học đều bị cận thị, nhiều người bị nặng đến mức không nhận ra học sinh trong lớp. Khi lớn lên, đi dạy học, tôi thường theo quy tắc 20-20-20. Cứ sau 20 phút, nhìn từ khoảng cách xa ít nhất 20 mét trong ít nhất 20 giây. Nhờ vậy cho đến giờ, ở tuổi thất thập, tôi vẫn có thể đọc sách ebooks qua điện thoại thông minh.

SwJvXR3F

Phấn trắng bảng đen miêu tả nghề gõ đầu trẻ nhưng cũng chỉ ra một căn bệnh mà các giáo viên hay mắc phải 

Thứ sáu là bệnh về phổi. Ngày xưa ở miền Nam người ta thường nói nghề dạy học là nghề “bán cháo phổi”. Tôi nghĩ đó là cái nhìn quá bi quan về nghề. Tuy vậy, bệnh phổi cũng đe dọa sức khỏe thầy cô không kém các loại bệnh nêu trên. Hiện nay đại dịch Covid-19 tấn công trực diện vào phổi vì vậy thầy cô giáo có thể nằm trong diện “nguy cơ cao”. Hơn nữa bây giờ công nghệ dạy học tiến bộ nhiều, thầy cô không phải sử dụng nhiều phấn viết bảng nữa. Nhắc đến đây tôi nhớ đến thầy dạy vỡ lòng ngày còn nhỏ, trong một làng quê. Thầy trở về từ vùng kháng chiến và mắc lao phổi nặng, nhưng thầy vẫn cố gắng mở trường dạy chữ quốc ngữ… Nhà thầy rất nghèo, ngoài cây đàn mandolin thầy chẳng có gì. Thầy dạy chữ thì ít mà dạy hát các bài ca kháng chiến thì nhiều. Mỗi lần tập hát xong một bài thì thầy ho sù sụ và đôi khi phải cho lũ trẻ chúng tôi nghỉ học nửa chứng…Tuy vậy thầy sống thọ đến 100 tuổi. Phải chăng niềm vui dạy học giúp thầy thêm sức sống?

 

 

Tôi nhớ và tạ ơn thầy, thầy ơi!

*

Tất cả chúng ta đều có một người thầy và bản thân tất cả chúng ta đều là thầy cô (mà chúng ta thường không nhận biết), vì ít ra chúng ta cũng dạy con cái, cháu chắt, nhân viên, cộng sự của chính mình. Dân gian có câu nôm na: “Không thầy đố mày làm nên”. Hầu hết các thầy cô giáo, nhất là ở Việt Nam còn nghèo khó, đã cố gắng vượt qua chính mình, vượt qua tất cả nỗi đau về thể chất và tinh thần để hoàn thành công việc. Đó là một nghề không thể thay thế cho dù xã hội đã bước vào cách mạng công nghiệp 4.0 hay 5.0. Không có thầy cô, không có cách mạng công nghiệp hay nông nghiệp nào cả! Nghề dạy học đầy thử thách và, đôi khi, thật điên rồ! Chính vì vậy mà UNESCO vừa tuyên bố thế giới đang thiếu giáo viên trầm trọng: thiếu đến 69 triệu người.

Vậy hôm nay bạn đã nhớ tới hay cảm ơn một người thầy chưa?

Trần Ngọc Châu
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bạn đọc viết