Nhật Bản: Tăng đột biến số ca sốc nhiễm độc do vi khuẩn hiếm gặp

Hình ảnh qua kính hiển vi của vi khuẩn Streptococcus nhóm A trên bạch cầu trung tính nguyên phát ở người - Ảnh: Getty Images/CNN.

Hà Nội ghi nhận ca viêm não Nhật Bản dù đã tiêm 4 mũi vaccine

Vụ men gạo đỏ Kobayahsi: Phát hiện nấm mốc xanh gây tổn thương thận

WHO phê duyệt vaccine Qdenga phòng sốt xuất huyết của Nhật Bản

Bí quyết trẻ em Nhật Bản có sức khoẻ tốt hàng đầu thế giới

Theo CNN, tính đến ngày 2/6, Bộ Y tế Nhật Bản đã ghi nhận 977 trường hợp mắc STSS, với tỷ lệ tử vong lên tới 30%. Khoảng 77 người đã tử vong do nhiễm trùng chỉ từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay.

Đợt bùng phát đang xảy ra ở Nhật Bản đã vượt qua số ca mắc kỷ lục năm ngoái là 941 ca nhiễm sơ bộ, mức cao nhất kể từ khi dữ liệu bắt đầu được thống kê vào năm 1999. Viện Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản đã ghi nhận 97 trường hợp tử vong do STSS vào năm ngoái.

STSS là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, các triệu chứng rất đột ngột, có thể phát triển khi vi khuẩn xâm nhập vào các mô và máu, đe dọa tính mạng người bệnh. Ban đầu, bệnh nhân bị sốt, đau cơ và nôn mửa nhưng các triệu chứng có thể chuyển nặng nhanh chóng, dẫn tới tử vong khi huyết áp tụt giảm, suy đa tạng và gặp phản ứng sốc.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, ngay cả khi được điều trị, STSS vẫn có thể gây tử vong. Trong số 10 người mắc STSS, có đến 3 người tử vong vì nhiễm trùng.

Hầu hết các trường hợp STSS là do sự giải phóng độc tố từ sự phát triển quá mức của vi khuẩn Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng) hoặc các vi khuẩn Streptococcus nhóm A (GAS), chủ yếu gây sốt và nhiễm trùng họng ở trẻ em. Trong một số trường hợp hiếm hoi, GAS có thể xâm nhập vào máu, gây ra các bệnh nghiêm trọng như sốc nhiễm độc.

GAS cũng có thể gây ra tình trạng hoại tử ở chân tay. Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân mắc hội chứng này đều có các bệnh lý nền làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể, như ung thư hay đái tháo đường.

Nhiễm trùng liên cầu khuẩn nhóm A xâm lấn phần lớn đã được hạn chế nhờ các biện pháp kiểm soát COVID-19, chẳng hạn như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội, nhưng sau khi các biện pháp đó được nới lỏng, nhiều quốc gia đã báo cáo số ca nhiễm gia tăng.

Vào tháng 12/2022, 5 quốc gia Châu Âu đã báo cáo với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về sự gia tăng liên cầu khuẩn nhóm A xâm lấn (iGAS), trong đó trẻ em dưới 10 tuổi bị ảnh hưởng nhiều nhất. CDC cho biết, họ cũng đang điều tra sự gia tăng rõ rệt của căn bệnh này vào thời điểm đó.

Vào tháng 3/2024, chính quyền Nhật Bản đã cảnh báo về sự gia tăng các ca STSS ở nước này. Viện Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản đã công bố một đánh giá rủi ro cho biết, số ca STSS do iGAS gây ra “đã tăng lên kể từ tháng 7 năm 2023, đặc biệt là ở những người dưới 50 tuổi”.

CDC cho biết, những người lớn tuổi có vết thương hở có nguy cơ mắc STSS cao hơn, kể cả những người vừa mới phẫu thuật. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn chưa biết vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể như thế nào đối với gần một nửa số người mắc STSS.

Theo đài truyền hình NHK Nhật Bản, lý do khiến số ca STSS gia tăng trong năm nay ở quốc gia này vẫn chưa rõ ràng.

Giáo sư Ken Kikuchi, Đại học Y khoa Phụ nữ Tokyo phán đoán sự gia tăng này có thể là do hệ thống miễn dịch của con người suy yếu sau COVID-19.

“Chúng ta có thể tăng cường khả năng miễn dịch nếu thường xuyên tiếp xúc với vi khuẩn. Nhưng cơ chế đó đã không còn tồn tại trong đại dịch COVID-19. Vì vậy, hiện nay nhiều người dễ bị nhiễm trùng hơn và đó có thể là một lý do khiến số ca bệnh tăng mạnh”, Giáo sư Kikuchi nhận định, theo CNN.

 
Hiệp Nguyễn (Theo CNN)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn