Bệnh mùa Hè nguy hiểm với phụ nữ mang thai

Các cặp đôi cần chuẩn bị những biện pháp phòng bệnh mùa Hè trước khi mang thai

Phụ nữ mang thai có nên tiêm phòng cúm?

Tại sao phụ nữ mang thai phải tiêm phòng uốn ván?

Bà bầu tiêm vaccine ho gà và cúm trong thai kỳ có gây hại cho thai nhi?

Trẻ sinh non hưởng lợi nhờ mẹ sớm tiêm vaccine

Thủy đậu

Thủy đậu là bệnh lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp do nhiễm virus Varicella zoster. Đây là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ trong mùa Hè, tuy nhiên, người trưởng thành chưa từng mắc bệnh hoặc chưa được chủng ngừa cũng có nguy cơ bị thủy đậu.

Đặc biệt, bệnh thủy đậu trong thai kỳ có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm ở người mẹ như: Viêm phổi, viêm màng não, viêm cầu thận, viêm cơ tim, nhiễm khuẩn thứ phát…

Thủy đậu gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho mẹ và thai nhi

Phụ nữ bị thủy đậu trước tuần thứ 20 của thai kỳ có nguy cơ sinh con mắc hội chứng thủy đậu bẩm sinh (hội chứng Varicella bẩm sinh). Trẻ sinh ra có thể gặp các dị tật ở sọ, bại não, đục thủy tinh thể, chi ngắn…

Nếu người mẹ bị bệnh thủy đậu trong vòng 5 ngày trước sinh và 2 ngày sau sinh, bé sơ sinh dễ bị bệnh thủy đậu lan tỏa hoặc thủy đậu sơ sinh, tỷ lệ tử vong lên đến 25-30%.

Biện pháp phòng ngừa thủy đậu trong thai kỳ đơn giản và hiệu quả nhất là tiêm vaccine phòng thủy đậu trước khi mang thai 3 tháng. Thai phụ nên chú ý giữ gìn vệ sinh cá nhân thật tốt, tránh tiếp xúc với người bị thủy đậu trong 12 tuần đầu của thai kỳ và luôn mang khẩu trang khi tới nơi đông người.

Sởi - rubella

Phụ nữ có thai thường bị suy giảm sức đề kháng, do vậy rất dễ mắc các bệnh dễ lây lan trong mùa Hè như sởi, đặc biệt là những phụ nữ chưa được tiêm phòng sởi - rubella trước khi mang thai.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nhiễm sởi khi đang có thai không gây dị tật cho thai nhi, nhưng có thể gây ra nhiều biến chứng thai kỳ như sảy thai, thai chết lưu hoặc chuyển dạ sinh non.

Khi mắc sởi vào cuối thai kỳ, virus sởi xâm nhập qua nhau thai vào cơ thể thai nhi làm cho thai nhi bị nhiễm sởi tiên phát, tỷ lệ tử vong sơ sinh cao do biến chứng viêm màng não.

Rubella hay sởi Đức là bệnh dễ lây lan và nguy hiểm với phụ nữ có thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kỳ là giai đoạn hình thành các bộ phận của thai nhi. 70-90% trẻ được sinh ra từ bà mẹ bị nhiễm rubella trong 3 tháng đầu mang thai mắc hội chứng rubella bẩm sinh với nhiều dị tật nghiêm trọng như: Dị tật tim, điếc, đục thủy tinh thể, chậm phát triển...

Hiện nay, bệnh sởi và rubella được phòng ngừa hiệu quả bằng vaccine. Phụ nữ được khuyến cáo tiêm vaccine phối hợp sởi - quai bị - rubella ít nhất 1-3 tháng trước khi có kế hoạch mang thai.

Sốt xuất huyết

Sử dụng các sản phẩm đuổi muỗi, chống muỗi an toàn trong thai kỳ

Các loài muỗi mang virus dengue gây bệnh sốt xuất huyết thường phát triển và gây dịch bệnh trong thời tiết nóng ẩm. Sốt xuất huyết khi mang thai có thể gây ra nhiều biến chứng đe dọa tính mạng cả người mẹ và thai nhi như xuất huyết, tiền sản giật.

Khi mang bầu, hệ miễn dịch của mẹ bị suy yếu, tạo cơ hội cho virus có điều kiện phát triển mạnh mẽ, làm nghiêm trọng các triệu chứng như giảm tiểu cầu. Phụ nữ bị sốt xuất huyết trong 3 tháng đầu của thai kỳ có nguy cơ sảy thai, sinh non, em bé nhẹ cân.

Để phòng bệnh sốt xuất huyết, gia đình và bà bầu cần chủ động vệ sinh, phun thuốc diệt muỗi được Bộ Y tế cấp phép ở quanh khu vực sinh sống. Khi ngủ, phụ nữ mang thai cần mắc màn (mùng) hoặc sử dụng kem, xịt chống muỗi an toàn với bà bầu. Nếu thấy các dấu hiệu sốt xuất huyết, chị em cần kịp thời thăm khám và điều trị tại các cơ sở y tế để đảm bảo “mẹ tròn, con vuông”.

Cúm mùa

Bệnh cúm ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người mẹ trong 3 tháng đầu của thai kỳ

Bà bầu là đối tượng rất dễ bị tổn thương khi mắc cúm do hệ miễn dịch bị suy giảm. Khi tiến triển nặng, bệnh cúm có thể dẫn đến viêm phổi và nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác, đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kỳ.

Trong trường hợp nguy hiểm, thai phụ bị cúm có thể sinh con mắc dị tật bẩm sinh, trẻ nhẹ cân hoặc sinh non. Bà bầu được khuyến cáo tiêm vaccine cúm trước khi mang thai ít nhất 1 tháng và sau đó nên tiêm nhắc lại hàng năm (tránh tiêm trong 3 tháng đầu thai kỳ).

Quỳnh Trang H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp