Người bệnh rung nhĩ cần dự phòng nguy cơ đột quỵ như thế nào?

Rung nhĩ là một trong những nguyên nhân dẫn đến đột quỵ não, chiếm khoảng 25% trong tổng số các trường hợp.

Làm sao kiểm soát cơn rung nhĩ, ổn định lại nhịp tim?

Tại sao rung nhĩ là bệnh tim nhưng có thể gây biến chứng lên não?

Rung nhĩ ở người trưởng thành và trẻ em có gì khác nhau?

Chuyên gia tư vấn: Dấu hiệu cảnh báo cơn rung nhĩ

Rung nhĩ và nguy cơ đột quỵ

Rung nhĩ là bệnh lý gây ra do các rối loạn về điện học trong tim, hậu quả hai tâm nhĩ (hai buồng ở phía trên tim) co bóp không đều, dẫn đến tim bơm máu ra ngoài không hiệu quả, lượng máu bị tồn đọng lại trên hai tâm nhĩ tạo cục máu đông. Cục máu đông này di chuyển trong hệ tuần hoàn, đến bất cứ nơi đâu trong cơ thể, nhưng nặng nề nhất, cục máu đông di chuyển đến não, gây đột quỵ thiếu máu não - hay còn gọi là nhồi máu não.

Rung nhĩ thường xảy ra ở nam giới cao tuổi, những người có tình trạng bệnh lý như bệnh động mạch vành, suy tim, bệnh van tim, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh thận mạn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tình trạng bệnh lý viêm, béo phì, chứng tắc nghẽn đường thở khi ngủ, hút thuốc lá, uống nhiều rượu/bia, rối loạn lipid máu, lười vận động, tình trạng bệnh lý cấp tính… 1/4 số bệnh nhân trên 40 tuổi bị đột quỵ là do rung nhĩ, đặc biệt, những bệnh nhân rung nhĩ có nguy cơ đột quỵ cao hơn 5 lần so với những bệnh nhân không có.

Phòng ngừa đột quỵ do rung nhĩ

Nguy cơ đột quỵ được đánh giá dựa vào thang điểm CHA2DS2-VASc:

- C (Congestive heart failure - Suy tim sung huyết): 1 điểm

- H (Hypertension - Tăng huyết áp): 1 điểm

- A (Age - Tuổi ≥75): 2 điểm

- D (Diabetes mellitus - Đái tháo đường): 1 điểm

- S (Stroke - Đột quỵ): 2 điểm

- V (Vascular disease - Bệnh mạch máu): 1 điểm

- A (Age - Tuổi 65 - 74): 1 điểm

- Sc (Sex category: Female - Giới tính nữ): 1 điểm

Khi thang điểm trên từ 2 điểm (tối đa là 9 điểm), bác sĩ sẽ sử dụng thuốc chống đông để dự phòng đột quỵ. Người bị rung nhĩ có thang điểm này càng cao thì nguy cơ mắc các biến cố tắc mạch càng lớn. Các bác sĩ cũng sử dụng thang điểm này để đánh giá xem người bệnh đã cần sử dụng thuốc chống đông hay chưa và loại thuốc chống đông nào phù hợp nhất. Bên cạnh đó, để giảm nguy cơ đột quỵ, chúng ta cần tuân thủ các hướng dẫn chung bao gồm: tuân thủ sử dụng thuốc theo toa, kiểm soát huyết áp, đường huyết, mỡ máu tốt…

Như vậy, rung nhĩ là một rối loạn nhịp nhĩ thường gặp với số lượng người mắc trên thế giới có xu hướng ngày càng cao. Có nhiều yếu tố nguy cơ làm gia tăng nguy cơ mắc rung nhĩ như nam giới, tuổi cao, bệnh động mạch vành, suy tim, bệnh van tim, bệnh thận mạn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… Biến cố tắc mạch trong đó có đột quỵ là một biến cố thường gặp nhưng rất nặng nề của người bệnh rung nhĩ. Người bệnh rung nhĩ cần được thăm khám y tế, đánh giá nguy cơ tắc mạch và được điều trị phù hợp để giảm nguy cơ mắc các biến cố tim mạch.

 
Việt An (Theo Bệnh viện Bạch Mai)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tim mạch