Thai nhi cũng bị... suy dinh dưỡng

Suy dinh dưỡng bào thai ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của trẻ sau này

Bà bầu thiếu máu: Nên ăn gì, uống gì?

Thừa đạm cũng làm trẻ suy dinh dưỡng!

Gần 30% trẻ Việt suy dinh dưỡng thể thấp còi

Suy dinh dưỡng là nguyên nhân gây tử vong ở trẻ

Nhiều bộ phận cơ thể bị ảnh hưởng

Tại phòng khám của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, nhiều chị em rất lo lắng khi đến gần ngày sinh mà thai nhi vẫn không đủ cân theo tiêu chuẩn. Chị Thùy Dung (Gia Lâm - Hà Nội), cho biết: "Tôi mang thai tháng thứ 8 nhưng hiện tại em bé mới được 2kg. Bác sỹ bảo tôi có nguy cơ nguy cơ bị suy dinh dưỡng bào thai nên phải ăn uống tẩm bổ thì thai nhi mới có cơ hội nặng trên 2,5kg sau khi sinh". 

Trong 9 tháng 10 ngày, thai phụ cần phải tăng khoảng 12kg. Trong đó, 3 tháng đầu tăng khoảng 1kg, 3 tháng thứ hai tăng 5kg, 3 tháng cuối mỗi tháng 2kg. Nếu mẹ chỉ tăng khoảng 6 - 7kg thì bé bị suy dinh dưỡng từ trong bào thai hoặc suy dinh dưỡng sơ sinh.
Tương tự chị Dung, chị Thu Hương (Chương Mỹ - Hà Nội) cũng lo lắng đứng ngồi không yên khi bác sỹ thông báo thai nhi có nguy cơ bị suy dinh dưỡng. Kèm với thông báo của bác sỹ là một loạt các chỉ dẫn cho chị về chế độ ăn uống.
Theo các bác sỹ Bệnh viện Phụ sản Trung ương, suy dinh dưỡng bào thai là thể suy dinh dưỡng sớm nhất. Não của trẻ phát triển mạnh trong 3 tháng cuối của thai kỳ và hoàn thiện trong 3 năm đầu. Nếu trẻ bị suy dinh dưỡng trong giai đoạn này sẽ làm cho não chậm phát triển, trẻ ít nhanh nhẹn và kém thông minh. 
TS Nguyễn Thị Lâm - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng: "Suy dinh dưỡng bào thai khiến rất nhiều bộ phận trong cơ thể trẻ bị ảnh hưởng như: Da, cơ, xương... làm trẻ chậm phát triển về chiều cao, cân nặng, ngoài ra còn có thể ảnh hưởng đến các bộ phận như não, gan, thận... Nếu việc suy dinh dưỡng này kéo dài nhiều tháng sau khi đẻ thì tương lai đứa trẻ sẽ có cân nặng và chiều cao thấp hơn so với các bạn cùng độ tuổi và trí tuệ cũng kém phát triển hơn".

Nguyên nhân trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai 

Có 4 yếu tố ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của thai nhi, dẫn đến việc thai nhi có nguy cơ bị suy dinh dưỡng. Ðó là tuổi của thai phụ, sức khỏe của thai phụ (trước và trong quá trình mang thai), dinh dưỡng trong quá trình chín tháng mười ngày, và cuối cùng là điều kiện lao động.

Tuổi tác của người mẹ: Từ 30 tuổi trở đi, cơ thể người phụ nữ đã bắt đầu lão hóa. Trong trường hợp này, thai nhi rất dễ rơi vào tình trạng không còn được cung cấp đủ chất, dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng. Để hạn chế nguy cơ này cho bé yêu, chị em nên kết hôn và sinh con vào giai đoạn từ 25 – 30 tuổi.

Sức khỏe của người mẹ: Sức khỏe của thai phụ ảnh hưởng rất nhiều đến thai nhi. Vì vậy, muốn con mình khỏe mạnh ngay từ khi còn trong bụng mẹ, bạn cần kiểm tra sức khỏe tổng quát từ trước khi mang thai và khám thai đều đặn theo lịch suốt chín tháng thai kỳ.

Dinh dưỡng của người mẹ: Dinh dưỡng trong cơ thể của mẹ theo máu qua nhau thai đến nuôi dưỡng thai nhi. Vì vậy mà chế độ dinh dưỡng khi mang thai không phải chỉ cần số lượng, mà còn phải đầy đủ dưỡng chất cần thiết. 

Điều kiện lao động của mẹ khi mang thai: Khi mang thai, lao động nặng tiêu tốn lấn phần năng lượng dành cho sự phát triển thai nhi và dự trữ sinh sữa sau này. Nếu thai phụ đang làm một công việc nhiều áp lực, hãy cố gắng sắp xếp với cơ quan để giảm tải công việc của mình. Nếu đang làm một công việc đòi hỏi nhiều đến sức lực, di chuyển, đi lại…, tốt hơn hết nên tính toán từ trước khi mang thai để có kế hoạch thay đổi công việc phù hợp, nhằm đảm bảo tốt nhất cho con.

Suy dinh dưỡng bào thai vẫn có thể khắc phục được

Theo TS Nguyễn Thị Lâm: "Trẻ bị suy dinh dưỡng từ khi ở trong bào thai vẫn có thể khắc phục được và phát triển như trẻ bình thường nếu được nuôi dưỡng tốt, đúng cách và đạt tới cân nặng của trẻ bình thường sau từ 2 - 3 tháng. Tuy nhiên, hệ thống tiêu hoá của trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai kém hoàn thiện hơn, việc nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ thời kỳ này cần được các bà mẹ lưu tâm hơn".

Để phòng ngừa suy dinh dưỡng bào thai, các bà mẹ cần đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng ngay từ những tuần đầu tiên của thời kỳ thai nghén như: Đạm, mỡ, vitamin, acid folic, calci, sắt, iod và các vi chất dinh dưỡng thiết yếu khác giúp cho thai nhi tăng trưởng và dự trữ năng lượng cho việc phát triển sau khi trẻ sinh ra.

Những phụ nữ đang dự định mang thai có thể chủ động bổ sung acid folic cho cơ thể để hạn chế tối đa nguy cơ suy dinh dưỡng của bào thai. Lưu ý, trước khi sử dụng một sản phẩm thực phẩm chức năng nào chị em cũng cần tham khảo ý kiến của các bác sỹ, chuyên gia, nên tìm mua sản phẩm ở những địa chỉ uy tín. 

Thanh Tú H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ