Nhiễm khuẩn bệnh viện nằm trong số những sự cố phổ biến nhất khi cung cấp dịch vụ y tế
Bùng phát nhiễm khuẩn Listeria tại Mỹ và bài học về an toàn thực phẩm
Mỹ cảnh báo ngộ độc thực phẩm do thịt nguội nhiễm khuẩn Listeria
Nhiễm khuẩn huyết từ vết đâm do ngạnh cá trê
CDC Mỹ cảnh báo bùng phát nhiễm khuẩn salmonella do thức ăn thú cưng
Nhiễm khuẩn bệnh viện và nguy cơ phát tán các vi khuẩn kháng thuốc
Một trong những thách thức đáng lo ngại nhất của nhiễm khuẩn bệnh viện là sự gia tăng của các vi khuẩn kháng thuốc. Ước tính, hàng năm trên toàn thế giới có khoảng 136 triệu ca nhiễm khuẩn bệnh viện do vi sinh vật kháng thuốc gây ra.
Tình trạng này không chỉ làm tăng tỉ lệ tử vong, giảm hiệu quả điều trị, kéo dài thời gian điều trị, tăng chi phí chăm sóc sức khỏe mà còn làm tăng nguy cơ lây lan nhiễm khuẩn kháng thuốc trong bệnh viện và ra cộng đồng.
Việt Nam cũng đang đối mặt với tình trạng kháng thuốc gia tăng nhanh, đặc biệt trong môi trường bệnh viện. Đáng chú ý, theo thống kê sơ bộ từ hệ thống báo cáo số liệu giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện quốc gia, các bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh có tỉ lệ kháng thuốc cao ở một số vi khuẩn gây nhiễm khuẩn huyết và nhiễm khuẩn tiết niệu bệnh viện.
Nhiễm khuẩn bệnh viện kéo dài thêm thời gian nằm viện từ 5 - 29,5 ngày
Theo thông tin của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nhiễm khuẩn bệnh viện nằm trong số những sự cố bất lợi phổ biến nhất xảy ra trong quá trình cung cấp dịch vụ y tế.
Theo đó, tại các nước có thu nhập cao và trung bình, cứ mỗi 100 người bệnh nhập viện lại có 7 người mắc ít nhất một loại nhiễm khuẩn bệnh viện trong thời gian nằm viện. Tỉ lệ này tại các nước có thu nhập dưới trung bình là 15/100 người bệnh. Thời gian nằm viện của người bệnh mắc nhiễm khuẩn bệnh viện cũng kéo dài thêm từ 5 - 29,5 ngày.
Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh dịch Châu Âu (ECDC), gánh nặng về khuyết tật và tử vong sớm của 6 loại nhiễm khuẩn bệnh viện phổ biến gấp đôi gánh nặng của 32 bệnh truyền nhiễm khác.
Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai: “Trong môi trường đặc biệt như bệnh viện, các loại vi khuẩn, nhất là vi khuẩn kháng thuốc nguy hiểm hơn rất nhiều. Nguyên nhân là bởi bệnh viện là nơi hàng ngày tiếp nhận nhiều bệnh nhân, nhiều loại bệnh, lại là môi trường kín nên thường có mật độ vi khuẩn cao hơn, thậm chí ở các bệnh nhân nặng còn có rất nhiều loại vi khuẩn nguy hiểm có thể phát tán ra bên ngoài. Đặc biệt, vi khuẩn kháng thuốc còn có khả năng lây truyền như các vi khuẩn gây bệnh thông thường, nhiều vi khuẩn chỉ qua việc nói chuyện, bắt tay, tiếp xúc với người khác đã có thể lây truyền cho nhau”.
Bệnh viện là nơi dễ tích tụ các loại vi khuẩn trong không khí, ở trên người bệnh, thậm chí vi khuẩn có thể bám trên các máy móc, thiết bị, đồ dùng... Trong khi đó, việc khử trùng các máy móc, thiết bị không phải là điều dễ dàng nên khả năng tích tụ, lây lan càng mạnh.
Thách thức trong trong kiểm soát, phòng ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện
Năm 2023, WHO đã ban hành chiến lược toàn cầu về kiểm soát nhiễm khuẩn và khung hành động giai đoạn 2023 - 2030 cho các nước cùng tham gia. Chính phủ và Bộ Y tế nước ta cũng đã ban hành các quy định, chính sách phát triển công tác kiểm soát nhiễm khuẩn để chỉ đạo, định hướng và nâng cao chất lượng công tác kiểm soát nhiễm khuẩn.
Bên cạnh đó, nhiều hướng dẫn kỹ thuật quốc gia về kiểm soát nhiễm khuẩn cũng đã được ban hành và phổ biến, triển khai tập huấn rộng rãi tại các cơ sở khám chữa bệnh trong toàn quốc. Hệ thống kiểm soát nhiễm khuẩn đã được hình thành từ Bộ Y tế đến hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh. Hệ thống báo cáo số liệu giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện quốc gia cũng đã bước đầu được thiết lập để chuẩn hóa giám sát nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn tiết niệu tại các khoa hồi sức tích cực tại 95 bệnh viện trong toàn quốc.
Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại và thách thức cần được giải quyết, đó là chưa xây dựng được các chiến lược dài hạn về phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn đồng bộ và toàn diện.
Sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa các cơ quan y tế, cơ quan quản lý thuốc kháng sinh, các cơ sở đào tạo y dược và các tổ chức cộng đồng tạo ra khoảng trống trong việc kiểm soát bệnh dịch và tình trạng kháng thuốc.
Hệ thống giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện quốc gia đã được thiết lập nhưng chưa hoàn thiện. Kiểm soát nhiễm khuẩn phát triển chưa đồng đều giữa các cơ sở khám chữa bệnh. Nhiều cơ sở khám chữa bệnh chưa bố trí đủ nguồn kinh phí dành cho các hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn.
Mô hình bệnh tật của nước nhiệt đới có thu nhập trung bình thấp là các bệnh nhiễm khuẩn chiếm tỉ lệ cao. Đặc biệt, nhiều bệnh dịch mới nổi có nguy cơ tử vong cao và gây dịch xuất hiện không chỉ tại cộng đồng mà ngày càng có xu hướng lây lan mạnh trong bệnh viện như cúm A, SARS, MER-CoV, SARS-CoV-2... đã tạo ra thách thức lớn trong công tác kiểm soát và ngăn ngừa bệnh dịch tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Biện pháp dự phòng nhiễm khuẩn bệnh viện
Hiện nay, việc dự phòng nhiễm khuẩn bệnh viện tập trung vào thực hiện những điều sau:
- Rửa tay: Đây là biện pháp quan trọng nhất, ngăn ngừa lây lan vi sinh vật từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác qua tay các bác sĩ, điều dưỡng.
- Bác sĩ, nhân viên y tế cần sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân.
- Dùng dụng cụ vô khuẩn: Thực hiện nghiêm ngặt quy trình vô khuẩn bằng cách cọ rửa dụng cụ, khử khuẩn và tiệt khuẩn dụng cụ đúng quy trình.
- Vệ sinh môi trường.
- Cách ly bệnh nhân: Bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm hoặc nghi ngờ có nguy cơ lây truyền bệnh cần được nằm ở phòng cách ly.
- Bệnh nhân sử dụng dụng cụ riêng: Bơm, kim tiêm, các loại ống thông, ống hút, đồ dùng cá nhân... dùng riêng cho từng bệnh nhân.
- Quản lý chất thải trong khoa phòng và bệnh viện: Thùng đựng chất thải, rác cần có nắp đậy kín, để đúng nơi quy định; Khi chuyên chở phải đảm bảo vệ sinh. Chất thải cần được xử lý trước khi đưa ra ngoài bệnh viện.
Bình luận của bạn