Ngộ độc do nhiễm khuẩn Salmonella: Cần làm gì để phòng ngừa?

Trong năm 2024, nước ta đã ghi nhận nhiều ca ngộ độc thực phẩm do nhiễm khuẩn Salmonella

Vũng Tàu: Gần 300 người nghi bị ngộ độc thực phẩm, Bộ Y tế chỉ đạo khẩn

Vì sao Nam Phi phân loại ngộ độc thực phẩm là “thảm họa quốc gia”?

Cảnh giác với ngộ độc cucurbitacin có trong bí ngòi

Podcast: Xử trí thế nào khi trẻ bị ngộ độc hóa chất?

Vi khuẩn Salmonella xuất hiện liên tục trong các vụ ngộ độc lớn tại Việt Nam

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong vòng 5 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm ghi nhận 100 vụ ngộ độc thực phẩm. Dù Luật An toàn thực phẩm được ban hành và đi vào thực thi đã 12 năm, song các trường hợp ngộ độc thực phẩm vẫn diễn ra, đáng lo ngại nhất ở các khu công nghiệp đông người, trong các trường học, hay trong các bữa cỗ cả ở thành thị lẫn nông thôn...

Trong năm 2024, số ca mắc ngộ độc thực phẩm tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, có những vụ ngộ độc lên tới vài trăm người. Theo ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, vi khuẩn Salmonella gần đây đã xuất hiện liên tục trong các vụ ngộ độc lớn tại Việt Nam.

Theo đó, Salmonella được xác định là “thủ phạm” khiến hàng trăm người nhập viện sau khi ăn bánh mì Phượng ở Quảng Nam; Trong nhiều vụ ngộ độc tập thể ở Nha Trang, trong đó có vụ hơn 360 người phải nhập viện sau khi ăn cơm gà tại đường Bà Triệu và hơn 600 học sinh, cán bộ nhân viên trường Ischool (Nha Trang) nhập viện sau bữa ăn trưa, trong đó có 1 ca tử vong; Vụ ngộ độc sau đêm Trung thu ở TP.HCM.

Mới đây nhất, trường hợp hàng trăm người bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì ở Vũng Tàu cũng đã được xác định là do vi khuẩn Salmonella trong thịt heo luộc, pate heo, chả lụa, nước xốt thịt heo và rau sống ăn kèm. Tính đến ngày 30/11, hệ thống giám sát của ngành y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ghi nhận tổng số bệnh nhân đến nhập viện điều trị tại Bệnh viện Vũng Tàu và Trung tâm Y tế Vietsovpetro là 379 người, đã có 1 trường hợp tử vong.

Vi khuẩn Salmonella là gì?

 

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC Mỹ), Salmonella là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ngộ độc thực phẩm. Đây là một nhóm vi khuẩn có thể được tìm thấy trong đường ruột của người và động vật. Chúng chủ yếu lây sang người từ các thực phẩm bị nhiễm khuẩn, bao gồm các sản phẩm từ sữa, thịt gia cầm, thực phẩm chưa qua tiệt trùng, nước sinh hoạt nhiễm bẩn…

Vi khuẩn Salmonella có khả năng gây bệnh ở cả người và động vật và thường gây ra các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, đặc biệt là ngộ độc thực phẩm. Một số chủng Salmonella có thể gây hậu quả nghiêm trọng như thương hàn hoặc nhiễm trùng huyết.

Các triệu chứng của Salmonella ảnh hưởng đến dạ dày và ruột (đường tiêu hóa), gồm tiêu chảy (đôi khi có máu trong phân), sốt, đau bụng hoặc chuột rút, buồn nôn và nôn, đau đầu, ớn lạnh. Các triệu chứng của nhiễm vi khuẩn Salmonella thường kéo dài khoảng 3 ngày đến một tuần, riêng tiêu chảy có thể kéo dài đến 10 ngày.

Phòng ngừa vi khuẩn Salmonella thế nào?

Sở An toàn thực phẩm TP.HCM khuyến cáo người dân nên chọn thực phẩm tươi, rau, quả ăn sống phải được ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch. Quả nên rửa sạch, gọt vỏ trước khi ăn.

Đặc biệt, cần nấu chín kỹ hoàn toàn thức ăn để tiêu diệt vi khuẩn và nên ăn ngay sau khi vừa nấu xong. Nguyên nhân là bởi càng để lâu, thức ăn càng dễ bị nhiễm vi khuẩn có hại cho sức khỏe. Trong quá trình chế biến, cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh gây nhiễm chéo vi khuẩn.

Muốn giữ thức ăn quá 5 tiếng đồng hồ cần phải giữ nóng liên tục trên 60°C hoặc lạnh dưới 10°C. Thức ăn cho trẻ nhỏ không nên dùng lại.

Các thức ăn chín dùng lại sau 5 tiếng phải được đun kỹ lại. Thức ăn đã được nấu chín có thể bị nhiễm mầm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với thức ăn sống hoặc gián tiếp với các bề mặt bẩn.

Ngoài ra, cần che đậy giữ thực phẩm trong hộp kín, tủ kính, lồng bàn… Đây là cách bảo vệ thực phẩm tốt nhất.

"Khi phát hiện hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm, cần phải dừng ngay việc sử dụng và niêm giữ toàn bộ thức ăn đó lại (kể cả chất nôn, phân, nước tiểu…) để xác minh và báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất để xử lý kịp thời hoặc đưa người bị ngộ độc đi bệnh viện", Sở An toàn thực phẩm nhấn mạnh.

Vi Bùi (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tiêu hóa