Tại sao nhiều người trẻ chọn làm “cú đêm”?

Nhiều bạn trẻ tìm đến các quán cà phê 24h để giải trí qua đêm hoặc về rất muộn - Ảnh: Sức khỏe+

Ngủ ngon hơn nhờ 3 phút tập thể dục vào buổi tối

Tập thể dục nhẹ nhàng buổi tối giúp ngủ ngon hơn

Món ăn nhẹ trước khi ngủ giúp bạn ngon giấc

Tư thế ngủ tốt nhất cho người đau lưng dưới

Mới đây, Báo Thanh Niên đã làm khảo sát với 2,2 nghìn học sinh, sinh viên của 80 trường trung học và đại học trong cả nước về vấn đề thức khuya. Kết quả cho thấy có đến 66,2% người tham gia khảo sát cho biết họ đi ngủ sau 23h, 24h và sau 1h sáng; 48% người trả lời tần suất thức khuya của họ là thường xuyên và 66,5% người được khảo sát cho biết ngủ từ 5-7 tiếng/đêm.

Thức khuya để giải trí

Về đêm, khi nhiều người đã ngon giấc nhưng với một số bộ phận giới trẻ, đây là thời gian để giải trí.

12h đêm, những quán cà phê mở xuyên đêm tại Hà Nội vẫn nườm nượp khách qua lại.

Thoát khỏi hàng chục người đang xếp hàng, Bích Ngọc bước vào một bãi đất rộng với hàng chục chiếc lều của một quán cà phê ở phường Nhật Tân, quận Tây Hồ (Hà Nội). Nhưng phải 10 phút sau, cô gái này mới tìm được chỗ ngồi ưng ý vì lượng khách quá đông. Mấy tháng nay, quán cà phê này trở thành địa điểm quen thuộc của cô.

 “Một tuần mình sẽ tới đây khoảng 2 – 3 lần, có khi đi cùng bạn bè những cũng có khi đi một mình. Lịch học của mình cố định vào buổi chiều, lịch làm thêm có thể đăng kí theo ca nên nếu sáng có thời gian để nghỉ, ban đêm mình sẽ qua đây để lướt điện thoại, xem phim.”

Một nhân viên ở quán cho biết, thời điểm đông khách nhất là sau 21h, trung bình 200-300 người, gấp đôi ban ngày. Khách tới đây chủ yếu qua đêm hoặc về rất muộn.

Hay tại một số cửa hàng tiện lợi 24h cũng thu hút rất đông bạn trẻ. Họ sẵn sàng ngồi cả đêm chỉ để lướt điện thoại, tán gẫu cùng bạn bè, ăn đồ ăn nhanh,…

11h đêm tại một cửa hàng tiện lợi vẫn rất đông khách hàng - Ảnh: Sức khỏe+

11h đêm tại một cửa hàng tiện lợi vẫn rất đông khách hàng - Ảnh: Sức khỏe+

Thức khuya để học tập, làm việc

Không chỉ để giải trí, nhiều người chọn đêm để làm việc, học tập. Họ cho rằng ban đêm là thời điểm lý tưởng để bắt đầu làm việc và sáng tạo, đặc biệt với những người làm việc tự do (freelance).

Làm công việc sáng tạo nội dung đã hơn 2 năm, bạn Thu Trang (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Mình đã có thói quen ngủ muộn từ khi lên đại học đến giờ, mình thức khuya để làm việc vì thấy không gian về đêm khá yên tĩnh, không bị phân tâm bởi nhiều tiếng ồn nên giúp mình tập trung tư duy và có nhiều ý tưởng sáng tạo hơn.”

Không chỉ những người đi làm, ngay cả thế hệ sinh viên thay vì học và làm việc vào ban ngày, nhiều bạn vẫn chọn cách thức xuyên đêm với lý do chạy “deadline”.

“Ban ngày em đi học đi học và làm thêm nên tối về mới là thời gian để em tập trung làm bài tập mà thầy cô giao trước đó.” – bạn Hồng Anh (sinh viên năm 4, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ.

Bên cạnh đó, một số bạn trẻ khác lựa chọn công việc như shipper đêm, làm ca đêm tại các cửa hàng tiện lợi, quán ăn… để tăng thêm thu nhập.

Nhiều bạn trẻ chọn làm ca đêm để tăng thêm thu nhập - Ảnh: Sức khỏe+

Nhiều bạn trẻ chọn làm ca đêm để tăng thêm thu nhập - Ảnh: Sức khỏe+

Chia sẻ với phóng viên, bạn Trần Tâm Anh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội): “Mình chọn làm ca đêm ở quán ăn đêm đã được hơn 1 năm nay. Ca làm của mình từ 19h tối đến 6h sáng hôm sau, dù biết có nhiều hệ lụy cho Sức khỏe nhưng vì lương ca đêm cao hơn nên mình vẫn chấp nhận và cố ngủ bù vào ban ngày.”

Người trẻ kiệt quệ vì thức khuya

Bạn Mai Phương Linh (Ba Đình, Hà Nội) tâm sự, mình thường xuyên đi chơi về khuya, dù hôm sau có ngủ bù nhưng sức khỏe vẫn giảm sút rõ rệt, cơ thể luôn trong tình trạng uể oải, mệt mỏi.

“Đỉnh điểm vào tháng trước, mình thường xuyên đau bụng, đi khám mình được chẩn đoán bị viêm loát dạ dày do thức đêm và ăn uống không khoa học”. Biết thức khuya có hại nhưng với Linh: “Đó là thói quen khó bỏ.”

Anh Trung Quý (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, do lượng công việc quá nhiều khiến số giờ ngủ của anh trong ngày chỉ vỏn vẹn 4- 5 tiếng. “Thức đêm khiến tính khí mình trở nên nóng nảy hơn, trong cuộc sống sinh hoạt không thể tập trung được 100%. Thường xuyên ngủ gật khiến hiệu quả công việc không cao dù đã cố thức đêm để làm xong việc.” Tuy nhiên cũng như Linh, anh Quý cho biết rất khó để đi ngủ sớm hơn.

Mặc dù biết rõ tác hại của việc thức đêm nhưng nhiều bạn trẻ cho rằng khó để thay đổi thói quen độc hại này - Ảnh: Sức khỏe+

Mặc dù biết rõ tác hại của việc thức đêm nhưng nhiều bạn trẻ cho rằng khó để thay đổi thói quen độc hại này - Ảnh: Sức khỏe+

Không chỉ Linh hay anh Quý khi tôi đặt câu hỏi với nhiều bạn trẻ: “Thức khuya là thói quen tốt hay xấu” thì phần lớn cho biết là xấu, sẽ ảnh hưởng sức khỏe, giờ giấc sinh hoạt bị đảo lộn, đi học muộn, giảm sức đề kháng... Thế nhưng, dù biết rất rõ tác hại của việc thức khuya, nhưng đa số người trẻ vẫn có ý định tiếp tục tình trạng này do đã thành thói quen và cho biết đó là một phần không thể thiếu trong cuộc sống.

 
Đào Dung
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội