Tăng kali máu làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Nồng độ kali trong máu cao ảnh hưởng không tốt cho tim và thận

Người bệnh tăng huyết áp có nên bổ sung kali?

Top 15 thực phẩm giàu kali: Chuối không đứng hạng 1 như bạn tưởng!

Làm thế nào để biết bạn có đang bị thiếu kali hay không?

Hạt bí ngô giúp tăng cường sức khỏe tim mạch, ngăn ngừa bệnh mạn tính

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết cứ 37 giây có 1 người Mỹ chết vì bệnh tim mạch. Tăng huyết áp, cholesterol trong máu cao, hút thuốc, đái tháo đường, lười vận động và béo phì là những nguyên nhân phổ biến làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Ngoài ra, nồng độ kali trong máu cao cũng liên quan đến bệnh tim mạch.

Mối liên hệ giữa bệnh tim mạch và tăng kali máu

Kali là một chất dinh dưỡng quan trọng hỗ trợ chức năng thần kinh, tế bào và giúp cơ bắp khỏe mạnh. Bạn cần bổ sung 4.700mg kali/ngày trong chế độ ăn uống để giữ cơ thể khỏe mạnh. Các thực phẩm giàu kali gồm: trái cây, rau, thịt, bánh mỳ, cá, sản phẩm bơ sữa.

Thận là nơi lọc lượng kali dư ​​thừa trong máu và đào thải ra khỏi cơ thể thông qua nước tiểu. Khi cơ thể không thể loại bỏ hết lượng kali dư ​​thừa, chúng tích tụ trong máu và gây ra chứng tăng kali máu (tăng nồng độ kali máu).

Nồng độ kali máu của người bình thường dao động từ 3,5 - 5,5mEq/L. Với nồng độ này, kali hỗ trợ tín hiệu điện trong tim, kiểm soát nhịp tim, nhịp thở và giúp cơ bắp của bạn hoạt động tốt. Thừa, thiếu kali đều gây ra những hệ lụy sức khỏe.

Tăng kali máu xảy ra khi nồng độ kali trong máu vượt quá ngưỡng cho phép. Tình trạng này xảy ra phổ biến ở những người bị bệnh suy tim sung huyết. Trên thực tế, thuốc ức chế men chuyển (ACE inhibitors) và thuốc chẹn beta dùng để điều trị bệnh tim mạch có thể làm tăng lượng kali trong máu.

Thận lọc máu và loại bỏ kali dư thừa qua nước tiểu

Các triệu chứng phổ biến của tăng kali máu như: buồn nôn, yếu cơ, ngứa ran, tiêu chảy, ngất xỉu, rối loạn nhịp tim, đau thắt bụng.

Nếu bạn bị suy tim sung huyết hoặc đang dùng thuốc chẹn beta và thuốc ức chế men chuyển, bạn có nguy cơ bị tăng kali máu cao. Tăng kali máu nếu không được phát hiện và điều trị sớm, có thể tác động đến tín hiệu điện trong tim, làm tăng nguy cơ mắc tim mạch như: Rối loạn nhịp tim, đau tim, biến chứng tim mạch, thậm chí tử vong.

Việc kiểm soát lượng kali trong máu rất quan trọng đối với người mắc bệnh tim mạch. Nồng độ kali trong máu thấp khiến các mạch máu trong tim cứng lại, dẫn đến tăng huyết áp, đột quỵ, bệnh tim mạch.

Người có nguy cơ bị tăng kali máu cần hạn chế ăn thực phẩm giàu kali

Điều hòa nồng độ kali trong máu

Nếu bạn có nguy cơ bị tăng kali máu, hãy trao đổi với bác sỹ, chuyên gia dinh dưỡng về chế độ ăn uống hạn chế thực phẩm giàu kali. Những thực phẩm giàu kali gồm: bơ, cà chua, khoai tây, măng tây, bí ngô, rau chân vịt, cam, kiwi, dưa lưới, chuối, đào, nho khô và mận khô. Đồng thời, bạn cần hạn chế sử dụng các loại gia vị thay thế muối vì chúng có hàm lượng kali cao. Bác sỹ có thể khuyên bạn dùng sữa gạo thay thế các sản phẩm từ sữa.

Giữ mức kali trong máu ở mức ổn định là chìa khóa giúp bạn có một cơ thể khỏe mạnh, phòng tránh các biến chứng liên quan đến tim. Các biện pháp làm giảm triệu chứng tăng kali máu: chế độ ăn ít kali, lọc máu, sử dụng thuốc lợi tiểu, thuốc kết dính kali (thuốc liên kết với lượng kali dư ​​thừa trong ruột và đào thải nó qua phân).

Trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc hoặc áp dụng chế độ ăn uống cho người bị tăng kali máu, bạn cần trao đổi với bác sỹ để được thăm khám và tư vấn.

Phạm Mơ H+ (Theo The Healthline)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tim mạch